Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thiếu định hướng nuôi trồng, người nông dân biết hỏi ai?

21:29 30/10/2018 GMT+7

Người nông dân luôn phải trả lời một câu hỏi lớn, đó là nuôi con gì, trồng cây gì để bảo đảm cuộc sống, để đạt hiệu quả kinh tế cao trong khi thiếu thông tin. Đó là nguyên nhân dẫn tới tình trạng sản xuất không theo kế hoạch, không theo thị trường, khi thừa, khi thiếu, khi mất giá, khi mất mùa.

Theo Bộ NN&PTNT, cho đến nay, nông sản Việt Nam đã xuất khẩu (XK) đi 180 quốc gia. Trong 5 năm gần đây, tổng giá trị nông sản Việt Nam đã XK được 200 tỷ USD. Thặng dư đưa về cho đất nước là 50 tỷ USD.

“Các số liệu trên cho thấy tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng, 30 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị XK từ 1 tỷ USD trở lên”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Trách nhiệm của nhà quản lý

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng hầu hết sản phẩm nông nghiệp XK thiếu thương hiệu. Chính vì thế mà giá trị sản xuất của ngành chưa cao, XK nhiều nhưng thô là chính, chưa có sản phẩm mang thương hiệu Việt, chưa thể ghi là “Made in Vietnam”, mà hầu hết mang thương hiệu của các nhà nhập khẩu (NK) và chỉ ghi là sản phẩm của Việt Nam.

Nếu có thương hiệu, kim ngạch XK hàng nông, thủy sản có thể tăng lên gấp nhiều lần, không phải là 30 tỷ USD mà có thể lên đến 50 – 60 tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) dẫn chứng từ thực tế cho thấy người nông dân luôn phải trả lời một câu hỏi lớn, đó là nuôi con gì, trồng cây gì để bảo đảm cuộc sống, để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Câu hỏi đó thật khó đối với người nông dân, bởi vì do thiếu thông tin, do trình độ còn hạn chế nên cơ bản họ chỉ lựa chọn cây trồng, giống con nuôi theo truyền thống, theo thói quen và theo mọi người xung quanh.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những hệ lụy của nghèo khó, như sản xuất không kế hoạch, không theo thị trường, khi thừa, khi thiếu, khi mất giá, khi mất mùa.

Đại biểu Trương Anh Tuấn bày tỏ trả lời câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì phải thuộc về trách nhiệm của các nhà khoa học, của các nhà quản lý với chức năng nhiệm vụ được giao. Với kiến thức, với tầm nhìn, với thông tin đa dạng, họ sẽ phải có trách nhiệm giúp người nông dân trả lời câu hỏi đó.

Nông dân luôn phải tự trả lời câu hỏi nuôi con gì, trồng cây gì, nên mới xảy ra “được mùa, mất giá”

Đã có nhiều thông tin về nơi này, nơi khác, nông dân trồng cây theo hướng dẫn, theo hợp đồng, nhưng khi thu hoạch sản phẩm ế thừa, không nơi tiêu thụ, DN phá bỏ hợp đồng không thu mua sản phẩm.

Nông dân thiệt hại rất lớn nhưng trách nhiệm của cơ quan quản lý, của DN chưa được xem xét kịp thời. “Tôi thấy ít có thông tin về việc xử lý người có trách nhiệm, xử lý DN khi phá bỏ những hợp đồng gây thiệt hại cho nông dân”, ông Tuấn nói.

Vinh danh nông sản tốt

Theo đại biểu Trương Anh Tuấn, cần quan tâm xây dựng những thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam. Thực tế hiện nay, thương hiệu không rõ nên sản phẩm lẫn lộn, loại này lẫn vào loại kia, tốt xấu lẫn lộn và dẫn đến làm mất uy tín sản phẩm, mất giá sản phẩm.

Để khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam, theo đại biểu này, cần có những cuộc thi công khai, minh bạch để tôn vinh chất lượng sản phẩm nông nghiệp, định hướng cho nhà sản xuất, định hướng cho nông dân. Vấn đề này trong thực tế chưa được quan tâm nhiều.

Đại biểu Trương Anh Tuấn chia sẻ: “Chúng ta ăn cơm hàng ngày. Tôi thấy trả lời gạo nào ngon không dễ: Có Tám Xoan Nam Định, có gạo Thơm Điện Biên, có Séng Cù Tây Bắc, có Thơm Dứa An Giang, có gạo Thơm Sóc Trăng… Theo thống kê chưa đầy đủ, chúng ta có hơn 200 loại thóc và từ đó cũng có hơn 200 loại gạo. Địa phương nào cũng tự hào là mình có gạo ngon, có gạo đặc sản. Nhưng gạo nào là ngon nhất thì hiện nay chưa có câu trả lời chính xác”.

Đại biểu mong trong thời gian tới đây, ngành nông nghiệp sẽ sớm có những vinh danh top sản phẩm dẫn đầu của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Qua đó xây dựng những thương hiệu tự hào của nông nghiệp Việt Nam và giúp cho nông nghiệp, cho nông dân có những định hướng cụ thể trong quá trình sản xuất, tạo những giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Xuân, thời gian tới, nếu ứng dụng nông nghiệp và thủy sản công nghệ cao, nâng cao sản lượng cùng với có thương hiệu, chắc chắn vai trò của ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng, nhất là ở những vùng nông nghiệp trọng điểm của quốc gia.

Ngoài ra, chính sách và cơ chế có phát triển cho công nghiệp chế biến nông sản cũng là nhu cầu cấp bách hiện nay cần được quan tâm.

“Lần này, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan cần quan tâm đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu và nếu được thì báo cáo hoặc thông tin thêm cho đại biểu Quốc hội về tình hình xây dựng thương hiệu ngay”, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân bày tỏ mong muốn.

Thy Lê