Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thiếu quy định kiểm soát hệ thống thương lái tự do – thị trường nông sản vẫn phải “giải cứu”

16:59 24/06/2017 GMT+7

Giá thành cao, nhiều bất cập trong quy định về triển khai đầu tư, điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh… là những rào cản khiến ngành chăn nuôi trong nước chưa phát triển xứng với tiềm năng, thậm chí rơi vào những cuộc khủng hoảng

Khảo sát cho thấy niềm tin của người chăn nuôi vào sản phẩm nội địa thấp hơn so với sản phẩm nhập ngoại.

Theo công bố mới đây của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) – Bộ NN&PT NT về kết quả nghiên cứu rà soát các rào cản thể chế ảnh hưởng tới thương mại nông sản tại thị trường nội địa, còn nhiều bất cập rào cản trong chính sách ảnh hưởng đến thương mại nông sản như những bất cập trong quy định về triển khai đầu tư, điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh và bất cập trong quản lý giết mổ, bất cập trong quy định về kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm… 

Thể chế “trói” doanh nghiệp

Theo số liệu thống kê sản lượng thịt hơi đang có xu hướng tăng nhanh. Tốc độ tiêu dùng thịt tăng, giai đoạn 2010 – 2016 tăng 2%, năm 2016 tăng 3,84% trong đó thịt lợn chiếm tỷ lệ lớn 70%. Bên cạnh sản lượng trong nước tăng, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm cũng tăng.

Tuy nhiên, niềm tin của người chăn nuôi vào sản phẩm nội địa thấp hơn so với sản phẩm nhập ngoại. Bên cạnh đó, sản phẩm thịt của Việt Nam đang phải cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài về giá. Cụ thể, giá thành sản xuất thịt lợn của Việt Nam là 2,08 USD/kg, trong khi Mỹ là 1,41 USD/kg; thịt bò 2,53 USD/kg trong khi Australia 1,77 USD/kg. 

Nguyên nhân của tình trạng trên là những rào cản, bất cập trong thể chế, quy định của ngành. Trước hết là bất cập trong quy định, thủ tục đầu tư, điều kiện kinh doanh. Cụ thể, theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, chuyên gia của Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thủ tục cấp phép đầu tư cho các vùng chăn nuôi và giết mổ tập trung tuân thủ qua 8 bước. Đáng nói, dự án thực hiện trên khu đất đã nằm trong vùng quy hoạch tập trung nhưng vẫn phải tuân thủ theo các bước này. Ngoài ra, đất đã vào khu quy hoạch tập trung không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, không có tài sản thế chấp.

Cùng với đó, sự không thống nhất và có quá nhiều quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh của cơ sở sản xuất, chế biến, bán buôn thực phẩm. Chẳng hạn như Nghị định 66/2016/NĐ-CP (điều 19, 21, 23), Luật ATTP (điều 19, 23), Luật Thú y (điều 69, 72), các quy định về điều kiện vệ sinh thú y địa phương khiến cho DN, cơ sở khó khăn trong cập nhật và tuân thủ.

Trong khi đó, cơ quan quản lý Nhà nước lại lúng túng khi triển khai áp dụng thực tế, không thống nhất giữa các lần kiểm tra hoặc giữa các địa phương gây bức xúc cho doanh nghiệp. 

Vấn đề quản lý giết mổ trong chăn nuôi cũng tồn tại những bất cập. Các chính sách quy hoạch và hỗ trợ phát triển các khu giết mổ tập trung chưa hiệu quả, chồng chéo, chưa hợp lý và chưa cập nhật bởi trùng với quy hoạch phân khu đô thị, xa các điểm phân phối thịt không phù hợp với quy hoạch nông thôn mới và tình hình phát triển của địa phương.

“Những yếu tố này không khuyến khích việc giết mổ ở các cơ sở tập trung đã được đầu tư kinh phí từ ngân sách Nhà nước, gây lãng phí. Đồng thời không kiểm soát được giết mổ nhỏ lẻ, không khuyến khích doanh nghiệp tự đầu tư nâng cấp. Đặc biệt, chính sách tín dụng hỗ trợ tín dụng cho xây dựng, mở rộng cơ sở giết mổ tập trung trong 2 năm qua chưa hiệu quả, khó tiếp cận” – bà Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Đồng thời kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra vấn đề bất cập về quy định kiểm dịch, kiểm soát chất lượng sản phẩm còn bất cập trong việc thu phí kiểm dịch theo lô hàng không tính lớn, nhỏ làm tăng phí cho doanh nghiệp nhỏ, khó cạnh tranh. 

“Luật Thú y quy định bỏ kiểm dịch nội tỉnh nhưng lại khó khăn trong kiểm soát, không tạo công bằng giữa doanh nghiệp chấp hành và không chấp hành quy định”- bà Thanh Nhàn nói.

hiện vẫn còn nhiều bất cập trong kiểm soát sản phẩm nhập khẩu như thiếu thông tin, nguồn gốc hàng nhập khẩu, kho lạnh. Tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật cho thị trường nhập khẩu yếu, đặc biệt là nội tạng động vật. Hay thiếu trang thiết bị trong kiểm nghiệm hóa chất trong thịt nhập khẩu, xử lý thịt nhập khẩu, thịt kém chất lượng. Điều này gây khó khăn trong quản lý, cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng chất lượng cao, thấp, hàng trong nước và nhập khẩu.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu cũng chỉ rõ còn nhiều bất cập, rào cản trong quy định về tiêu thụ, bán buôn, bán lẻ. Việc chưa có tiêu chí đánh giá, kiểm soát việc công bố nhãn sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch, gây bất bình đẳng giữa các đơn vị tuân thủ theo tiêu chuẩn sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm với đơn vị sản xuất tự phát, tự công bố chất lượng… 

“Các trong quy định quản lý giết mổ và hỗ trợ phát triển các khu giết mổ tập trung chưa hiệu quả, chồng chéo, chưa hợp lý nên chưa khuyến khích việc giết mổ ở các cơ sở tập trung. Các hộ, doanh nghiệp nhỏ khó đầu tư cơ sở giết mổ tập trung và không khuyến khích cơ sở giết mổ tự đầu tư nâng cấp” – bà Thanh Nhàn chỉ rõ. 

Tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Do đó, đại diện Ipsard kiến nghị các đơn vị cần tập trung một đầu mối cấp phép và đơn giản hóa thủ tục cấp phép đối với các dự án đầu tư chăn nuôi, giết mổ tập trung đã nằm trong vùng quy hoạch. Đồng thời, các đơn vị cần có chủ trương, bản đồ quy hoạch đất đai cụ thể, công khai và linh hoạt trong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho vùng không hiệu quả. 

Vấn đề quy định về tiêu thụ, Bà Thanh Nhàn cũng đề xuất các cơ quan chức năng cần thống nhất dựa trên hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn đối với các sản phẩm được công bố như “thực phẩm sạch,” “thực phẩm hữu cơ,” “thực phẩm an toàn” và sản phẩm có dấu kiểm dịch thú y. Kèm theo đó có tiêu chí đánh giá và công bố rõ ràng các thông tin trên. Đồng thời, các quy định cần minh bạch thông tin và nguy cơ rủi ro của sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Có cùng quan điểm, ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cũng cho rằng, để giảm các khâu trung gian, giải quyết các bất cập phát sinh thì cần liên kết phát triển theo chuỗi.

“Quy hoạch và thực hiện quy hoạch cũng cần phải hướng tới liên kết chuỗi, gắn với chế biến. Đất trong quy hoạch cũng phải được giao cho người chăn nuôi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng” – ông Tường nhấn mạnh.

Ông Tường cho rằng, muốn quản lý giết mổ và hợp vệ sinh an toàn thực phẩm thì chính quyền phải vào cuộc. Cần xây dựng các lò giết mổ tập trung, tạo ra các gian hàng kinh doanh các sản phẩm giết mổ an toàn và tuyên truyền cho người dân biết. Như vậy, sẽ hạn chế được khâu trung gian. 

Ngoài ra, ông Tường cho rằng: “Nhà nước can thiệp quá sâu vào doanh nghiệp và các hiệp hội. Ví dụ, chứng nhận sản phẩm và rồi đi xử phạt, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nhà nước chỉ nên quy định về quản lý, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và hậu kiểm. Nếu làm được như vậy mới cởi “trói” được cho doanh nghiệp”.

Theo thống kê, hiện 80% thịt lợn đang buôn bán qua chợ truyền thống, trong khi đó, ở chợ thì không có quy định cụ thể về kiểm soát giết mổ. Thương lái đang chiếm 22 – 37% lợi nhuận mà chưa được kiểm soát.

Vì vậy, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành chăn nuôi là kiểm soát hệ thống thương lái.

“Thương lái đang có lợi nhuận lớn nhất trong chuỗi chăn nuôi nhưng chưa có quy định nào của nhà nước kiểm soát hệ thống thương lái tự do này” – đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chỉ rõ.

Cùng quan điểm này, ông Phan Văn Lục, Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi cũng cho rằng, phải kiểm soát thương lái để kiểm soát an toàn thực phẩm. Vì hiện nay hệ thống thương lái chưa có đơn vị nào kiểm soát.

Đại diện cho DN, ông Đào Quang Vinh – Tổng Giám đốc Công ty CP Côn nghệ thực phẩm Vinh Anh cho rằng, thịt sau khi giết mổ, thịt nóng mang ra bán thì thịt không an toàn, mất vệ sinh. Ở nước ngoài phải làm mát. Do vậy, Chính phủ phải kiên quyết hỗ trợ để giết mổ công nghiệp phát triển, đẩy mạnh tuyên truyền tiêu thụ thịt mát.