Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thổi hồn vào đá

07:14 03/07/2021 GMT+7

Nhẩn nha phủi những đám bụi đá bám trắng trên quần áo, ông Đỗ Đình Vượng, người nghệ nhân có “thương hiệu” của làng chạm khắc đá Ninh Vân thuộc làng Xuân Vũ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cất giọng ấm áp đầy thân thiện: “Làm cái nghề quanh năm làm bạn với đục và búa cùng những khối đá vô hồn ban đầu như chúng tôi đây vất vả lắm anh ạ!”.

Nghệ nhân làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân đang say sưa với nghề. Ảnh: TQ

Làng nghề chạm khắc đá 500 tuổi

Giây khắc sau người nghệ nhân già tiếp tục mạch cảm xúc với một tâm thế phấn chấn đến lạ kỳ, như một thi sĩ vừa tìm được tứ thơ hay: “Khó nhọc thật đấy nhưng mà vui anh ạ. Vui vì mình được sáng tạo bằng hết khả năng lao động của bản thân. Đấy, anh nhìn bức tượng kia đi. Trước đó nó chỉ là một khối đá cho không chả ai thèm lấy, nhưng giờ, qua đôi bàn tay với một búa một đục của con trai tôi, nó đã có hồn có vía đầy sống động, đúng chưa nào?!”.

Mời khách ly trà nghi ngút khói, ông Vượng xúc động tâm tình: “Gần 500 năm qua, người làng Ninh Vân có công ăn việc làm để rồi giờ có bát ăn bát để nhờ nghề chạm khắc đá, dân chúng tôi chịu ơn thần hoàng làng. Ngài là đức thánh Hoàng Sùng, vốn là người làng Nhồi trong Thanh Hóa. Một ngày nọ ngài rời quê cha đất tổ mà ra Ninh Vân đây lập nghiệp và truyền lại nghề chạm khắc đá cho con cháu!”.

Thuở ban đầu, những người thợ chế tác đá Ninh Vân thường chỉ làm những sản phẩm đơn giản phục vụ chính cuộc sống thường ngày của người nông dân như, cối giã, cối xay, trục lăn lúa… mà thôi. Song vốn là những người thợ – nông dân mang tâm hồn nghệ sĩ, chỉ một thời gian ngắn sau, tay nghề của họ đã thăng hoa với những tuyệt tác bằng đá ra đời hoàn toàn bằng phương pháp thủ công.

Thì đấy, ngay tại làng Xuân Vũ vẫn còn lưu giữ cặp rồng đá tại đền thờ Đức ông thần hoàng làng Hoàng Sùng có niên đại cách đây 700 năm. Rồi thì ngay tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, cách đây hơn 100 năm có lẻ, những người nông dân – thợ đá – nghệ sĩ chân quê ấy đã để lại một ngôi đình làng Xuân Vũ – một tác phẩm nghệ thuật trác việt – hoàn toàn bằng đá sau khi được giao trọng trách phục dựng lại một công trình tâm linh ra đời vào năm 1730, thời vua Lê Cảnh Hưng.

Riêng với quê hương Hoa Lư – cố đô của nước Đại Việt, những người thợ đá – nghệ sĩ Ninh Vân cũng đã để lại biết bao những giọt mồ hôi và nước mắt trên những thành quách thời nhà Đinh (968 – 980) và nhà Tiền Lê cách đây cả ngàn năm trời. Tiếc thay, vì những thăng trầm của lịch sử; vì thời tiết khắc nghiệt, hiện chỉ còn lưu lại một trong số rất nhiều những di tích cổ trong “Khu di tích lịch sử – văn hóa Hoa Lư”. Ấy là cây cột kinh Phật bằng đá (Nhất trụ) cao 4,16m nằm trong khuôn viên chùa Một Cột, thuộc Ninh Bình do đức vua Lê Hoàn cho xây dựng.

Người thợ đá Ninh Vân còn để lại dấu ấn của mình với những công trình đá cổ như nhà thờ đá Phát Diệm, thuộc Ninh Bình. Và lăng bà Chúa Liễu Hạnh tại Nam Định. Và xa hơn nữa, công trình Lăng Khải Định tại Kinh thành Huế cũng do chính bàn tay người thợ đá Ninh Vân tạo nên. Những công trình – tác phẩm nghệ thuật độc đáo có một không hai ấy đều mang vẻ đẹp thâm trầm, sâu sắc của đá trong từng nét chạm khắc không thể tinh tế hơn.

Cổng làng mỹ nghệ Ninh Vân được làm hoàn toàn bằng đá. Ảnh: P.B

Những thăng trầm của làng nghề

Trở lại với chuyện đời, chuyện nghề của mình, của làng, nghệ nhân Đỗ Đình Vường bồi hồi nhớ lại rằng, tay nghề của những người thợ đá Ninh Vân từng có thời hoàng kim tiếng tăm lừng lẫy một thời là thế, nhưng cũng có lúc tưởng như phải giã từ đoạn tuyệt với nghề, vì không không thể sống bằng nghề.

Xảy ra cái cơ sự ấy cũng là bởi sau những biến động thăng trầm của lịch sử. Rồi thì chiến tranh giặc giã liên miên khiến cho người thợ đá Ninh Vân lâm vào cảnh khốn khó. Bởi thế cho nên những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề thuộc vào hàng “cao thủ” với hàng loạt những bí quyết nghề nghiệp thuộc loại “đỉnh” lần lượt chia tay với cái đục, cái búa cùng những phiến đá để xoay sang công việc khác mong có được đồng tiền bát gạo.

Bất giác nghệ nhân Đỗ Đình Vượng buông cái thở phào, phấn chấn khác thường: “Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng cũng như tâm lý làm đẹp tăng cao, hơn 20 năm nay làng nghề Ninh Vân của tôi đang dần dần hồi phục. Để nghề phát triển một cách căn cơ bền vững, chúng tôi không ngừng năng động đổi mới hình thức mẫu mã sản phẩm, tìm mọi hướng phát triển sản xuất – kinh doanh. Nhờ đó mà những người thợ chạm khắc đá Ninh Vân ngày càng có thêm nhiều “đồng ra, đồng vào” hơn trước kia rất nhiều rồi đấy!”.

Tâm sự về cái nghiệp mà mình gắn bó suốt mấy chục năm trời nay, ông Vượng bảo, nghề chế tác đá gian nan lắm. Muốn có một sản phẩm ưng ý phải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, công phu. Để theo đuổi và sống được với nghề, điều quan trọng trước hết là phải có niềm đam mê, yêu đá, yêu nghề. Cứ như ông Vượng bộc bạch thì, gia đình ông đã có tới bốn đời “sống chết” với nghiệp chế tác đá. Vì muốn cho con cháu có cái nghề trong tay mà kiếm đồng tiền bát gạo của thiên hạ, các bậc tiền nhân rèn nghề cho hậu thế rất kỹ. Có khi chỉ một tư thế ngồi đục; một kỹ thuật “nhỏ như con thỏ” thôi song các bậc cha chú cũng yêu cầu con em mình phải làm đi làm lại cho đến khi “thuộc bài miễn chê”.

Ông Vượng tâm sự: “Ngày mới chín, mười tuổi bắt đầu học nghề, mình thấy rất khó chịu, song sau này mới thấy hết ý nghĩa dạy dỗ của các cụ. Đó không chỉ là dạy nghề mà còn là dạy tính, dạy làm người nữa. Ông nội mình, rồi bố mình lúc ấy vẫn thường nhắc nhở: Nghề này không thể thiếu tính kiên nhẫn, bền chí và cả sự tỉ mẩn nữa cùng với óc sáng tạo mới được. Nghề nuôi mình thì mình phải sống chết, toàn tâm, toàn ý với nó, không thể cẩu thả, xuê xoa được. Ở các nghề khác, sản phẩm bị lỗi, bị sai, có thể sửa được, chứ làm đá mà sai thì coi như vứt bỏ. Và bao nhiêu công sức trước đó thành công dã tràng!”.

Bên cạnh việc thẩm thấu sâu sắc kỹ năng nghề thông qua các “giáo trình” mà các thế hệ cha ông trao truyền, người thợ chế tác đá Ninh Vân ngày nay lại có những cách tìm tòi, sáng tạo riêng của mình bằng việc tự tìm đọc, tự bổ túc kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Điều đó đã làm phong phú hơn giá trị thời đại của sản phẩm.

Ông Vượng phấn khởi bộc bạch, hiện nay Ninh Vân có tổng số 80 doanh nghiệp, 600 tổ hợp sản xuất và 1.600 hộ chế tác đá, với hơn 3.000 lao động, chiếm 83% số lao động trong toàn xã. Trong đó có tới 10 làng trong xã đã được tỉnh Ninh Bình công nhận là làng nghề truyền thống Nghề phát triển một cách căn cơ, hàng năm làng đá mỹ nghệ Ninh Vân đạt tổng doanh thu hơn 200 tỷ đồng.

500 vị La Hán bằng đá tại chùa Bái Đính (Ninh Bình). Ảnh: I.T

Sáng tạo sản phẩm kết hợp truyền thống và công nghệ chạm khắc hiện đại

Ông Đỗ Văn Quảng, một trong những nghệ nhân “cao thủ” của làng đá Ninh Vân chuyên thực hiện các sản phẩm ở những công trình trùng tu, xây mới các công trình tín ngưỡng tâm sự: “Trước đây, ông tôi nuôi bố tôi bằng nghề chế tác đá, đến bố tôi cũng vậy và bây giờ là tôi cũng nuôi đàn con nhỏ lớn khôn, trưởng thành bằng nghề truyền thống. Dù thế nhưng tôi lại ít khi “sao y bản chính” những gì mà cha ông đã làm và học được từ các bậc tiền nhân!”.

Nhờ học hỏi từ kinh nghiệm của cha ông cũng như năng động nhạy bén trong tư duy, sáng tạo ở quá trình tiếp cận nhu cầu của thời đại, mà nghệ nhân Đỗ Văn Quang không chỉ thể hiện được những kỹ thuật tinh xảo trong từng hoa văn trên đá, ông còn có thể tư vấn cho cả khách hàng những kinh nghiệm về sản phẩm sao cho phù hợp với từng thời kỳ. Ông Quảng kể, có lần thực hiện trùng tu một di tích thời Lý – Trần, ông đã khuyên ban quản lý loại bỏ hình rồng trang trí trên phù điêu theo kiểu thời Hậu Lê để đưa vào những hình rồng mềm mại đặc trưng thời Lý – Trần.

Thường thì nghề chế tác đá ở Ninh Vân phát triển theo hình thức cha truyền con nối với những “giáo trình” được trao truyền từ thế hệ trước cho các lớp hậu thế. Nhưng theo các nghệ nhân của làng thì, lớp trẻ bây giờ có nhiều cơ may hơn họ rất nhiều. Đó là việc họ được đào tạo qua trường lớp chính quy. Và nữa là có cơ hội tiếp cận với những công nghệ kỹ thuật chạm khắc hiện đại từ bên ngoài. Đỗ Đình Phúc, con trai của nghệ nhân là một trong số rất nhiều nhân vật như thế.

Phúc bộc bạch, anh từng được đào tạo bài bản khi theo học ngành thợ đá mỹ nghệ của Trường Cao đẳng Mỹ nghệ Nam Định. Tâm sự về việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Phúc thật thà bộc bạch: “Thế hệ những thợ đá trẻ như em có thế mạnh là hiểu và áp dụng công nghệ chế tác mới nhanh hơn, song vẫn phải có những kỹ thuật trao truyền của cha ông thì mới có được những sản phẩm độc đáo và mang nét đặc trưng của làng nghề Ninh Vân!”.

Ra là vậy. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đồng thời với việc học theo cha ông chính là cái cách để những người nông dân – nghệ sĩ tài hoa của làng chế tác đá Ninh Vân tạo nên “thương hiệu” cho mình. Và cái duyên riêng có độc nhất vô nhị ấy đã tạo cơ hội cho họ lưu lại hàng loạt những tác phẩm trứ danh có một không hai thời hiện đại.

Một trong những tuyệt tác để đời mang chủ đề tâm linh mà những người thợ đá Ninh Vân dốc hết mọi trí lực của mình tạo nên đó là 500 vị La Hán được tạc từ những khối đá nặng khoảng 5 – 6 tấn tại chùa Bái Đính trong khu di tích Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Mỗi vị La Hán ấy có chiều cao 2,5m. Điều kỳ diệu là cả 500 bức tượng ấy đều có sự khác nhau về hình dáng, khuôn mặt, từ mắt, mũi, tai, miệng, gò má… không tượng nào giống tượng nào.

Bên cạnh những công trình mang tính tâm linh, những người thợ đá Ninh Vân còn làm nên những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hiện đại nổi tiếng. Đó là cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc, ở TP. Hồ Chí Minh; cụm tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước ở Quảng Trị. Rồi thì tượng Mẹ Suốt, tại Quảng Bình. Nữa là tượng Trần Hưng Đạo, ở Chí Linh (Hải Dương). Đặc biệt là cụm tượng đài ở Nghĩa trang Trường Sơn và tượng đài Bác Hồ ở Nghệ An….

Tất cả những công trình nói trên đều đạt đến độ tinh xảo, độ lớn và được làm bằng đá lớn ghép liền mạch kết hợp một cách vô cùng tài tình giữa truyền thống và hiện đại. Cái nét tài hoa độc nhất vô nhị ấy của người nông dân – nghệ sĩ điêu khắc đá Ninh Vân đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống. Và đấy cũng chính là cái cách người Ninh Vân hôm nay tri ân ông tổ nghề Hoàng Sùng của mình, người đã để lại cho các thế hệ con dân của làng Ninh Vân một di sản văn hóa vật thể vô giá!.

Bút ký Lê Công Hội