Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thực trạng và giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị

17:10 25/06/2020 GMT+7
Ngày 24/6, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với công ty Yến Quân tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Sơ chế Yến sào Việt Nam tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ (TP. HCM) Tham dự Lễ khánh thành có ông Trần

Nội dung bài viết là một phần kết quả đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ do T.Ư Hội ND thực hiện giai đoạn 2019-2020: “Giải pháp phát huy vai trò nòng cốt của Hội NDVN trong vận động nông dân liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị”. Trên cơ sở phân tích thực trạng tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hiện nay, bài viết kiến nghị một số giải pháp để phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phát triển nông sản sạch được mở rộng ở tỉnh Hà Nam. Ảnh VN

Thực trạng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm được đặt ra lần đầu tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Tiếp sau đó được thay thế bằng Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Ngày 05/8/2018, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ra đời thay thế cho các văn bản trên và được mở rộng sang tất cả các lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp. Theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP: “Liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các bên tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp”. Từ thực tiễn nghiên cứu, có thể chia ra các hình thức liên kết trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản) hiện nay như sau:

Trong lĩnh vực trồng trọt: Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, tiêu thụ sản phẩm thông qua liên kết trong lĩnh vực trồng trọt hiện vẫn ở mức thấp. Đối với cây lúa, tỷ lệ tiêu thụ qua liên kết chỉ đạt khoảng 18%, cây rau là 9%, cây ăn quả là 19%, cây mía với 49% và tỷ lệ cây trồng tiêu thụ qua liên kết cao nhất là cây chè với 69%. Các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng khi tiêu thụ hơn 80% sản lượng nông sản được tiêu thụ qua liên kết, điển hình như 94,24% ở lúa và 98,3% ở mía. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện có các hình thức liên kết sau:

Liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với hợp tác xã/ Tổ hợp tác (HTX/THT) và hộ nông dân: Hình thức liên kết này khá phổ biến trong lĩnh vực trồng trọt, chiếm đến 70-80% sản lượng nông sản được tiêu thụ có liên kết và thường gặp chủ yếu trong liên kết sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL. Ở hình thức này, hợp đồng mua bán giữa các bên có thể được ký từ đầu vụ hoặc cuối vụ và tính ràng buộc giữa các bên tham gia hợp đồng là không cao do đó dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng thường xuyên xảy ra, kể cả bên mua và bên bán.

Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX/THT và hộ nông dân: Hình thức liên kết có hỗ trợ vật tư đầu vào, doanh nghiệp thu mua ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ và cam kết hỗ trợ giống, kỹ thuật, vốn cho người sản xuất. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp sẽ thu mua nông sản của người sản xuất. Điển hình cho hình thức liên kết này là Tập đoàn Lộc Trời ở ĐBSCL, khi liên kết với HTX/THT và hộ nông dân thì Tập đoàn cung cấp cho hộ nông dân toàn bộ vật tư đầu vào (lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) theo hình thức chậm trả vào cuối vụ thu hoạch lúa. Ngoài ra, Tập đoàn còn cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp theo dõi đồng ruộng và tư vấn hỗ trợ hộ nông dân chăm sóc lúa. Đến vụ thu hoạch, Tập đoàn sẽ thu mua toàn bộ lúa tại ruộng cho hộ nông dân theo đúng hợp đồng liên kết. Hình thức liên kết kết này khá bền vững, đem lại cả lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện liên kết theo hình thức này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tiềm lực mạnh (vốn, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kho chứa,….).

Liên kết chuỗi giá trị khép kín: Hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín trong trồng trọt hiện nay rất ít, chủ yếu trong sản xuất lúa giá trị cao hoặc trong sản xuất rau sạch. Mô hình liên kết chuỗi khép kín điển hình là trường hợp HTX SunFood Đà Lạt. Đây là HTX áp dụng công nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất rau an toàn, với việc áp dụng công nghệ trồng thủy canh, khí canh và hệ thống tưới thông minh. Hiện HTX có 3 cửa hàng giới thiệu sản phẩm và 10 cửa hàng nhượng quyền trên cả nước. Trong mô hình này, HTX thực hiện chuỗi khép kín của HTX và đảm nhiệm các hoạt động: i) Tổ chức dịch vụ cung cấp đầu vào, giống, phân bón cho thành viên và các thành viên liên kết; ii) Phối hợp với các tổ chức, đơn vị tập huấn cho thành viên; iii) Bao tiêu toàn bộ sản phẩm của thành viên; iv) Sơ chế, đóng gói sản phẩm và phân phối đến tay người tiêu dùng thông qua hệ thống cửa hàng của HTX; v) Hợp đồng với các cá nhân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn nhiều tỉnh để nhượng quyền thương hiệu hoặc cung cấp sản phẩm thương mại.

Để vận hành chuỗi, HTX phải chủ động lên phương án sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thành viên tổ chức sản xuất, liên hệ với đơn vị cung cấp vật tư đầu vào đảm bảo để cung cấp cho thành viên, thu mua toàn bộ sản phẩm của thành viên. Sơ chế, đóng gói sản phẩm hoàn thiện, tổ chức phân phối sản phẩm thông qua hệ thống cửa hàng của HTX. Các công đoạn trong chuỗi đều thực hiện bằng Hợp đồng. Người điều hành chuỗi là HTX, HTX có quyền lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư, đưa ra các tiêu chuẩn cho sản phẩm rau, cũng như giá bán sản phẩm cho các thành viên tuân thủ. HTX cũng đưa ra các điều kiện nhất định đối với các đơn vị muốn tham gia nhượng quyền thương hiệu của HTX. Ưu điểm của mô hình này là phát huy tối đa vai trò và lợi ích của HTX, nâng cao vị thế của HTX, giảm các khâu trung gian, lợi nhuận mô hình đạt được kỳ vọng tương đối lớn. HTX tổ chức và quản lý được chất lượng sản phẩm do HTX sản xuất ra. Tuy vậy, khó khăn nhất của mô hình này là đòi hỏi vai trò rất lớn của người đứng đầu HTX, cần một nguồn vốn rất lớn để xây dựng và vận hành mô hình.

Trong lĩnh vực chăn nuôi: Liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX/THT và hộ nông dân: Trong lĩnh vực chăn nuôi, người dân thực hiện chăn nuôi sau đó liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ. Trong đó, nhiều hộ chăn nuôi đã liên kết lại với nhau thành lập các HTX hoặc các THT, sau đó liên kết với các đại lý bán thức ăn, mua số lượng lớn để giảm chi phí, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, liên hệ với các trung tâm giống, trung tâm chuyển giao KHKT, ….

Liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX/THT và hộ nông dân: Người chăn nuôi liên kết với các cơ sở giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương hoặc ký kết hợp đồng cung cấp cho hệ thống siêu thị. Trong nhiều trường hợp người tiêu thụ hỗ trợ người chăn nuôi các loại vật tư đầu vào như giống, thức ăn chăn nuôi… và sẽ được khấu trừ khi xuất bán sản phẩm.

Liên kết chuỗi giá trị khép kín: Trong lĩnh vực chăn nuôi, hình thức liên kết này khá phổ biến. Trong hình thức này, các doanh nghiệp liên kết hình thành chuỗi khép kín từ thức ăn, kỹ thuật, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm. Hình thức hợp đồng nuôi gia công khá phổ biến hiện nay cũng được coi là hình thức liên kết chuỗi giá trị khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, giết mổ và tiêu thụ sản phẩm cuối cùng được thực hiện giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp. Trong liên kết chăn nuôi gia công, các doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Ưu điểm của hình thức liên kết chăn nuôi gia công là người nuôi ổn định, không phải lo lắng tìm đầu ra do doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm. Người chăn nuôi cũng được doanh nghiệp đầu tư, cung ứng toàn bộ đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y. Về phía doanh nghiệp, do kiểm soát được quá trình sản xuất nên có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức này đó là doanh nghiệp quyết định mọi hoạt động sản xuất, thu mua sản phẩm của hộ. Người chăn nuôi thực chất chỉ chăn nuôi thuê gia công cho doanh nghiệp. Mặt khác, vấn đề ô nhiễm môi trường hoàn toàn do người dân phải gánh chịu và khắc phục.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Trong lâm nghiệp, tỷ lệ sản phẩm được tiêu thụ qua liên kết ở mức thấp, hiện chỉ đạt khoảng 13%. Có hai hình thức liên kết chính là liên kết mua bán và liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, trong đó hình thức chủ yếu là liên kết mua bán. Với hình thức này, các doanh nghiệp thu mua ký hợp đồng mua bán với các hộ gia đình, cá nhân hoặc người đại diện cung cấp sản phẩm lâm nghiệp và tiến hành thu mua. Sản phẩm được tính theo giá thị trường.

Liên kết sản xuất – tiêu thụ trong lâm nghiệp không nhiều. Doanh nghiệp liên kết với nông dân hoặc tổ chức đại diện người dân, hỗ trợ vốn với lãi suất thấp cho người dân, hỗ trợ kỹ thuật, trong một số trường hợp còn hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm gỗ.

Trong lĩnh vực thủy sản: Trong lĩnh vực thủy sản, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, sản lượng thủy sản tiêu thụ có liên kết trong lĩnh vực thủy sản hiện đạt khoảng 35%, trong đó sản lượng do doanh nghiệp tiêu thụ là 97%. Trong lĩnh vực thủy sản, hiện nay có các hình thức liên kết phổ biến sau:

Liên kết tiêu thụ sản phẩm thủy sản: Người dân thực hiện nuôi trồng thủy sản, sau đó liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ. Trong đó, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản đã liên kết lại với nhau thành lập HTX, liên kết với các đại lý bán thức ăn, mua số lượng lớn để giảm chi phí, học hỏi trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, liên hệ với các trung tâm giống, trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật….

Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm: Doanh nghiệp có thể cung cấp vốn, con giống và kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân. Các doanh nghiệp cần sản lượng ổn định để cung cấp cho thị trường, đó là cơ sở để liên kết với người nuôi trồng thủy sản. Đồng thời doanh nghiệp cũng liên kết với các cơ sở chế biến thức ăn, thuốc thú y thủy sản để cung cấp thức ăn cho người dân, giúp giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để cho năng suất cao.

Liên kết chuỗi khép kín: Hiện nay trong thủy sản hình thành liên kết chuỗi khép kín, người dân tham gia vào chuỗi cần có hệ thống hạ tầng đáp ứng theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp giống, vật tư, thức ăn, người nuôi áp dụng theo hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm của người dân. Tuy nhiên số lượng mô hình liên kết này vẫn còn ít, chủ yếu tập trung ở khu vực ĐBSCL.

Liên kết trong khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ: Phương thức tổ chức khai thác hải sản mang tính đặc thù của nghề cá qui mô nhỏ, thời gian hoạt động khai thác hải sản trên biển tuỳ theo loại nghề và công suất, thường từ 8-10 tiếng/ngày ở vùng biển ven bờ và ra vào trong ngày, từ 5 – 7 ngày/chuyến biển đối với vùng lộng, từ 20 – 30 ngày/chuyến biển đối với vùng xa bờ. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến nay, cả nước có khoảng 3.500 THT với khoảng 22.000 tàu cá và khoảng 138.000 lao động, chủ yếu các tàu cá làm nghề câu, rê, vây, kéo… ở nhiều tỉnh, thành phố ven biển. Các tổ, đội khai thác ở vùng biển ven bờ đã kết hợp với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Loại hình THT ở một số địa phương được thành lập theo nguyên tắc “3 cùng” (Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú) trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, có sự hợp tác thực sự và các thành viên cùng có lợi.

Tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị nông sản Việt. Ảnh MH

Khó khăn hạn chế trong thực hiện liên kết

Những khó khăn, hạn chế cản trở sự phát triển liên kết hiện nay đó là: Quy mô đất đai của hộ của nông dân nhỏ lẻ, manh mún. Hiện cả nước có hơn 27 triệu hecta đất nông nghiệp, trong đó đã giao cho các hộ gia đình quản lý và sử dụng khoảng 15 triệu hecta, chiếm 55% tổng diện tích. Bình quân diện tích đất nông nghiệp hiện chỉ khoảng 0,46ha/hộ và được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô ruộng đất nhỏ lẻ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp vào liên kết với các hộ nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất sản phẩm nông lâm thủy sản.

Hệ thống HTX/THT phát triển còn nhiều hạn chế, khó khăn. Các tổ chức đại diện của nông dân là các HTX/THT có đủ năng lực để tổ chức cho người sản xuất liên kết được với doanh nghiệp còn rất thiếu. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, tính đến hết năm 2019, cả nước có 45 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 15.300 HTX nông nghiệp, tuy nhiên, có tới gần 30% số này hoạt động cầm chừng, thậm chí thua lỗ kéo dài. Các hoạt động của HTX cũng đa phần còn hạn hẹp, mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Hiện chỉ có 24,5% HTX nông nghiệp có dịch vụ tiêu thụ nông sản cho thành viên và khoảng 10 – 15% sản lượng nông sản do nông dân sản xuất ra được tiêu thụ thông qua các HTX/THT, kể cả trong những lĩnh vực sản xuất hàng hóa phát triển như lúa gạo, bò sữa, mía đường, cà phê, hồ tiêu.

Thị trường nông sản biến động mạnh. Thị trường nông sản đang ngày càng trở nên bấp bênh, không ổn định và có yêu cầu khắt khe hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa cộng với sự hạn chế về khả năng cung cấp thông tin và nhận thức, tư duy ngắn hạn của cả phía doanh nghiệp và người nông dân là những cản trở không nhỏ đối với quá trình xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn và dài hạn.

Hành lang pháp lý đảm bảo liên kết bền vững còn yếu thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để triển khai được mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hợp đồng một cách bền vững. Tỷ lệ thành công của những hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản còn thấp, tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân “bẻ kèo” vẫn còn phổ biến.

Giải pháp phát triển liên kết theo chuỗi giá trị nông sản

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ lẻ như hiện nay thì phát triển các hình thức liên kết trung gian thông qua tổ chức đại diện của nông dân là các HTX, THT được coi là phù hợp nhất, đáp ứng được yêu cầu liên kết của cả người dân và doanh nghiệp. Để thực hiện được điều đó cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất nông nghiệp thông qua việc tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

Hai là, Nhà nước cần hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để có các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Theo đó, các chính sách của nhà nước cần tập trung vào: đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp vận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ phòng ngừa: bảo hiểm, rủi ro, bảo hộ sản xuất trong nước.

Ba là, khuyến khích, đẩy mạnh áp dụng thực hiện phương thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào liên kết. Nên thực hiện PPP trong phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao. Việc thực hiện PPP tăng tính cam kết, trách nhiệm của nhà nước với doanh nghiệp và người dân, tránh cơ chế xin cho và đảm bảo niềm tin cho doanh nghiệp đầu tư vào thực hiện liên kết. Trong PPP, địa phương có thể cam kết hỗ trợ đất để xây dựng nhà máy, kho chứa, hỗ trợ tiếp cận tín dụng ưu đãi, mức độ ưu đãi tham gia xuất khẩu theo thỏa thuận Chính phủ; hỗ trợ HTX nông nghiệp, hộ nông dân để thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật bền vững.

Bốn là, huy động sự tham gia hỗ trợ của chính quyền cơ sở và hệ thống chính trị, xã hội. Trong quá trình liên kết cần có sự tham gia của các Hội nông dân xã, cán bộ thôn, bản làm cầu nối giữa doanh nghiệp với nông dân, hoặc phối hợp với chặt chẽ với chính quyền địa phương cấp xã trong việc tổ chức sản xuất và thực thi hợp đồng. Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân cần đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải, giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa nông dân với doanh nghiệp. Ngoài ra, các cấp Hội nông dân cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cán bộ, hội viên nông dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Mỗi cấp Hội cần có những giải pháp thiết thực hiệu quả triển khai kế hoạch, chương trình, đề án, đồng thời chủ động, sáng tạo và tích cực phối hợp với các nghành chức năng, các tổ chức kinh tế để tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Mô hình tiêu biểu cho liên kết sản xuất – tiêu thụ trong lâm nghiệp là liên kết trồng rừng gỗ lớn có chứng nhận quản lý rừng bền vững giữa Công ty Scansia Pacific với các hộ trồng rừng Quảng Trị. Theo đó, Công ty Scansia Pacific đã ký hợp đồng hỗ trợ trồng rừng gỗ có chứng chỉ FSC và bao tiêu sản phẩm với 564 hộ trồng rừng tại huyện Vĩnh Linh; huyện Gio Linh; huyện Triệu Phong; huyện Hải Lăng; huyện Cam Lộ; TP. Đông Hà; thị xã Quảng Trị. Theo đó, Công ty hỗ trợ toàn bộ kinh phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC và cam kết mua toàn bộ gỗ keo có chứng chỉ FSC cao hơn tối thiểu từ 15-18% so với giá thị trường của gỗ không có chứng chỉ tại thời điểm giao dịch. Đến nay, diện tích của các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận FSC là 1.392ha.

CVCC. Nguyễn Hồng Sơn; TS. Nguyễn Tiến Định, Ths. Đỗ Quang Việt