Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tìm ý nghĩa thực sự đằng sau hai chữ “liên kết”

06:59 22/06/2019 GMT+7
LTS: Ngày 21.6.2019, nhóm tác giả Hương Lan, Hồng Liên, Hà Phương và Phương Hà – Phòng Nông nghiệp – Biển đảo, Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia vinh danh trên bục cao nhất. Họ là tác giả của loạt bài: “Liên kết

LTS: Ngày 21.6.2019, nhóm tác giả Hương Lan, Hồng Liên, Hà Phương và Phương Hà – Phòng Nông nghiệp – Biển đảo, Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ được Hội đồng Giải báo chí Quốc gia vinh danh trên bục cao nhất. Họ là tác giả của loạt bài: “Liên kết – động lực để nông nghiệp bứt phá”, đoạt Giải A Giải Báo chí Quốc gia năm 2018. Làng Mới trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết chia sẻ của nhóm tác giả về tác phẩm của mình.

Làm báo được cho là nghề vất vả, nhưng có lẽ liên tục làm báo viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, biển đảo như chúng tôi sẽ vất vả hơn. Dù thường xuyên có những chuyến công tác xuống vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, đối mặt với thiên tai, bão lụt, nắng nóng, dịch bệnh… nhưng tất cả những thử thách đó không vì thế mà làm chùn bước chân của các phóng viên.

 Lắng nghe, hiểu thấu những “nỗi buồn” của nhà nông 

Chúng tôi, người gắn bó lâu nhất với mảng làm báo nông nghiệp cũng đến hơn 20 năm; người ít thì 5 năm; nhưng độ nhiệt huyết, say mê với nghề thì chưa khi nào cạn, mà dường như càng làm, càng gắn bó với nghề hơn, nhất là yêu hơn những miền quê, những cánh đồng và đặc biệt là những người nông dân chân chất, hiền hậu. Làm việc ở Ban Thời sự (VOV1), Đài Tiếng nói Việt Nam, nên những đề tài mà chúng tôi theo đuổi luôn là những vấn đề thời sự nóng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Không chỉ kịp thời đưa các tin tức, phản ánh nhanh trên sóng phát thanh mà chúng tôi còn gia công, phát triển, phân tích kỹ càng trong nhiều loạt bài sâu như “Tích tụ ruộng đất – đòi hỏi từ cuộc sống”, “Tiêu thụ nông sản: thay đổi từ tư duy quản lý”, “Nông thôn mới: Đảng khơi nguồn, dân thắp lửa”…

Nhà báo Hương Lan đang tác nghiệp tại hiện trường.

Loạt bài: “Liên kết – động lực để nông nghiệp bứt phá” cũng xuất phát từ vấn đề thời sự nóng của sản xuất hiện nay. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 5 năm Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, dù đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế của một nền sản xuất nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Mô hình kinh tế hợp tác còn chậm đổi mới; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém, cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Thêm nữa, nông dân lại luôn phải lo lắng mỗi khi nông sản được mùa hay vào vụ thu hoạch rộ bởi điệp khúc “được mùa rớt giá” thường xuyên xảy ra với không ít nông sản trên nhiều vùng của toàn quốc, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nông dân.

Những điểm yếu, hạn chế này đã tồn tại nhiều năm nay, đang là rào cản cho sự phát triển đi lên của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao, quy mô lớn. Những nút thắt này cần được thẳng thắn nhìn nhận và nhanh chóng điều chỉnh, tháo gỡ để tạo động lực cho ngành Nông nghiệp bứt phá.

Đi tìm ý nghĩa đằng sau hai chữ  “liên kết”

Trong quá trình tác nghiệp, hình ảnh những người nông dân lam lũ, vất vả với ánh mắt đầy lo lắng, bất an khi rau trồng ra phải nhổ bỏ, thanh long để chất đống, hư hỏng bên đường; dưa hấu, khoai lang phải giải cứu hết đợt này đến đợt khác… ám ảnh chúng tôi rất nhiều. Hay những hợp tác xã chưa thể đổi mới, có xác mà không có hồn, sản xuất trì trệ khiến xã viên thiếu tin tưởng, rời bỏ… Càng đi nhiều, tìm hiểu thực tiễn, chúng tôi càng thấu hiểu những vất vả, khó khăn của nông nghiệp, nông dân nước mình!

Thế nhưng ngược lại, chúng tôi cũng được chứng kiến những tín hiệu vui trên những cánh đồng lớn khi bà con nông dân có thu nhập ngày càng cao, làm lúa mà lãi đến cả gần trăm triệu đồng mỗi vụ như ở An Giang, Đồng Tháp; hay ở Hà Nam, bà con vừa có thu nhập (khi cho doanh nghiệp thuê ruộng), vừa được “ăn lương” khi trở thành công nhân nông nghiệp; rồi những hợp tác xã kiểu mới mạnh dạn làm ăn, thu lãi tiền tỷ, xã viên được đổi đời; những doanh nghiệp ngày một ăn nên làm ra khi liên kết bền chặt với hàng nghìn nông dân tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, rộng lớn.

Bí quyết của những thành công này là gì? Có thể nói gọn lại trong một từ. Đó là LIÊN KẾT.

Nông dân liên kết với nông dân thành Hợp tác xã; Nông dân và Hợp tác xã liên kết với Doanh nghiệp; Nông dân – Doanh nghiệp liên kết với nhau dưới sự hỗ trợ, tạo sân chơi, luật lệ của Nhà nước… tạo ra chuỗi hoàn chỉnh từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ.

Nhà báo Hương Lan (giữa) đã gặt hái nhiều giải thưởng lớn trong nghề báo.

“Liên kết” từng là một từ được không ít chuyên gia đánh giá không phải thế mạnh của người nông dân Việt Nam, thậm chí đây được cho là điểm yếu đến từ quán tính văn hóa của nền sản xuất nhỏ và tư duy tiểu nông. Tuy nhiên, những mô hình liên kết thành công ở nhiều địa phương trong những năm gần đây cho thấy, yếu liên kết không phải là một định mệnh. Hơn lúc nào hết, nền nông nghiệp nước ta phải được tổ chức lại, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đây cũng được coi là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng, phát huy lợi thế của một nước nông nghiệp với kỳ vọng để nước ta trở thành cánh đồng, bếp ăn của thế giới. Đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn chuyển tải qua loạt bài viết: “Liên kết – động lực để nông nghiệp bứt phá”.

Trở thành những “phóng viên chuyên gia”

Để làm nên loạt bài, không chỉ các phóng viên phải đi lăn lộn trong thực tế sản xuất và đời sống của nông dân ở nhiều vùng miền, mà chúng tôi cũng đã phải trao đổi, phỏng vấn, lấy ý kiến từ rất nhiều chuyên gia lâu năm trong ngành Nông nghiệp, các nhà quản lý, các doanh nghiệp để có cái nhìn đa chiều. Qua trao đổi với các chuyên gia, chúng tôi càng hiểu sâu hơn, có cái nhìn toàn diện hơn về đề tài mình theo đuổi. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cũng gợi mở cho chúng tôi những ý tưởng mới trong bài viết.

Sử dụng những thế mạnh của loại hình báo phát thanh, thông qua loạt bài “Liên kết – động lực để nông nghiệp bứt phá”, chúng tôi đã phân tích và đưa ra những nhận định quan trọng: Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, không có con đường nào khác là ngành Nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức liên kết, hình thành nên những cánh đồng lớn gắn với chế biến, tiêu thụ… Từ đó  chúng tôi rút ra một số kiến nghị giải pháp trong việc tổ chức các hình thức liên kết một cách bền chặt; vai trò vị trí và những việc các chủ thể trong chuỗi liên kết này phải làm; cách ứng dụng kinh nghiệm từ mô hình liên kết sản xuất đã thành công… Qua tác phẩm báo chí, chúng tôi mong rằng, Đảng, Nhà nước tiếp tục có những quan tâm đặc biệt, những chỉ đạo sâu sắc, sát thực tiễn đối với lĩnh vực nông nghiệp – một thế mạnh của đất nước –  để ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, đóng góp lớn hơn nữa cho cuộc sống của người dân và đất nước.

Một số giải thưởng của Nhà báo Hương Lan và đồng nghiệp

+ Giải A Giải Báo chí Quốc gia (2018): “Liên kết- động lực để nông nghiệp bứt phá”.

+ Giải A – Giải báo chí Quốc gia (2017): “ Tích tụ, tập trung ruộng đất, đòi hỏi từ cuộc sống”.

Giải B – Giải Báo chí Búa liềm Vàng (2018): “Nông thôn mới: Đảng khơi nguồn, dân thắp lửa”.

Giải B Giải Báo chí Quốc gia (2010): “Lạm phát thủy điện và những hệ lụy”.

Giải C – Giải Báo chí Quốc gia (2008): Loạt bài “20 năm và những điều mất ngủ”;

Giải C Giải Báo chí Quốc gia (2011): “Lời giải cho sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL”;

Giải C – Giải Báo chí Quốc gia (2013): “Xây dựng nông thôn mới hay công thức hóa cuộc sống”.

Hương Lan