Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vừa đẩy mạnh phát triển công nghiệp vừa tạo dấu ấn nông thôn kiểu mẫu

Bình Nguyên - 07:10 14/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tuy là tỉnh công nghiệp, cơ cấu ngành Nông nghiệp chỉ chiếm tỉ trọng chưa tới 6% nhưng Đồng Nai luôn đặt nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở vị trí chiến lược trong phát triển. Đồng Nai được đánh giá có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.

Chính vì vậy, Đồng Nai không chỉ thuộc tốp đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM) mà tiếp tục đạt nhiều thành tích ấn tượng trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Tạo dấu ấn tiên phong

Trước khi có Nghị quyết số 26 của Trung ương về tam nông, từ năm 2007, Đảng bộ Đồng Nai đã thực hiện nông thôn 4 có: Có đời sống kinh tế được cải thiện; Có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; Có đời sống văn hóa tốt - an ninh, an toàn đảm bảo; Có môi trường sinh thái phát triển bền vững. Tất cả nhằm hướng tới nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Chính vì vậy, năm 2014, Đồng Nai là tỉnh đầu tiên trong cả nước có đơn vị cấp huyện “về đích” trong xây dựng NTM. Năm 2019, Đồng Nai tiếp tục là tỉnh thuộc tốp đầu cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Từ những thành tích đạt được, Đồng Nai đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba về thành tích trong phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020.

Đồng Nai không ngừng nhân rộng những tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Tuyến đường giao thông nông thôn tại xã vùng sâu Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: B.Nguyên

Từ năm 2013, ngay sau khi có 15 xã đạt chuẩn NTM, tỉnh đã chủ động chủ trương ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Đây là cơ sở để các địa phương giữ vững, duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt, đảm bảo tính bền vững, thúc đẩy phong trào phát triển ở trình độ, chất lượng cao hơn. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Đồng Nai đã chủ động về định hướng và nguồn lực, xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với điều kiện đặc thù, tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương.

Đặc biệt, huyện Xuân Lộc là một trong số ít địa phương của cả nước được chọn làm thí điểm huyện NTM kiểu mẫu. Huyện luôn xác định rõ điều kiện thực tế để đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng vì chú trọng đi vào chất lượng và tính bền vững. Kết quả đến nay, toàn tỉnh có 61/121 xã NTM nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 6 xã đăng ký sẽ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2021.

Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Đồng Nai cho biết, khi bắt tay vào xây dựng NTM, bộ tiêu chí NTM của Đồng Nai nhiều hơn về số lượng chỉ tiêu và có một số chỉ tiêu yêu cầu đạt ở mức cao hơn so với bộ tiêu chí của Trung ương. Điều này đã khẳng định tinh thần “chủ động, quyết tâm, quyết liệt” của tỉnh trong xây dựng NTM”. Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn khi giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh là trên 930 ngàn tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân.

Chuyển đổi sản xuất lớn

Tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích cây trồng lâu năm gồm: Cao su, điều, cà phê, tiêu… đạt hơn 100 ngàn hecta; diện tích cây ăn trái gần 70 ngàn hecta. Trong đó, có nhiều đặc sản trái cây có diện tích thuộc tốp đầu cả nước và đã hình thành được những vùng chuyên canh như: Chuối gần 11,9 ngàn hecta, xoài trên 12,5 ngàn hecta, sầu riêng gần 7 ngàn hecta, chôm chôm gần 10,2 ngàn hecta… Điểm nổi bật, Đồng Nai đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao với cách làm hay, hiệu quả vì tìm ra giải pháp ứng dụng công nghệ hiện đại nhưng có chi phí thấp, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.

Chương trình hỗ trợ người dân sản xuất theo quy trình an toàn được quan tâm triển khai. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1,2 ngàn hecta cây trồng đạt chứng nhận GAP. Toàn tỉnh có 105 mã số vùng trồng với diện tích gần 22 ngàn hecta, trong đó, có 38 mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc.... Tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Trong đó có 17 dự án cánh đồng lớn. Đây là cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Đồng Nai trong thời gian tới.

Sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) được trưng bày quảng bá tại Khu trưng bày giới thiệu nông sản tại trụ sở Hội Nông dân Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, Đồng Nai luôn tập trung đầu tư mạnh về hạ tầng cho các vùng nông thôn, nhất là đường giao thông và điện sản xuất, góp phần hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất cây công nghiệp, cây ăn trái… Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, đặc biệt đầu tư mở rộng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất); các cụm công nghiệp chế biến nông sản để phát huy hiệu quả của chương trình liên kết vùng trong tiêu thụ, chế biến nông sản. Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến để nông sản có đầu ra ngày càng bền vững.

Xây dựng thương hiệu OCOP

Qua gần 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đã có 71 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Điều này cho thấy, giá trị cốt lõi của Chương trình OCOP Đồng Nai thực sự đi vào chiều sâu, chú trọng chất lượng và giá trị sản phẩm. Nhiều sản phẩm OCOP đã mở được kênh xuất khẩu vào những thị trường khó tính.

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất 3 trong 1 của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) là sản phẩm OCOP tiềm năng đạt hạng 5 sao đầu tiên của Đồng Nai. Những năm qua, nhiều sản phẩm chế biến của doanh nghiệp này xuất khẩu tốt vào những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc…Tại thị trường nội địa, sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán) giới thiệu sản phẩm sô cô la xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: B.Nguyên

Trọng Đức đã hợp tác với Ca Cao Ken Co.,Ltd, doanh nghiệp có hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bánh kẹo truyền thống tại Nhật Bản nhằm chuẩn hóa từ quy trình chế biến đến việc đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm từ ca cao của Đồng Nai ra thị trường thế giới. Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức chia sẻ, doanh nghiệp hợp tác với công ty Nhật Bản là để cùng phát triển thương hiệu chứ không làm gia công thuần túy. Những sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản đều được ghi rõ sản phẩm “Made in VietNam” với logo có hình ảnh Đá Ba Chồng Định Quán. Doanh nghiệp đang tập trung đầu tư vào chế biến sâu, nhắm vào thị trường cao cấp, cạnh tranh được bằng chất lượng và hương vị chứ không phải nhờ giá rẻ. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho đặc sản quê vươn xa trên thị trường quốc tế.

Cùng quan điểm, ông Trần Quang Tính, giám đốc Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt (huyện Xuân Lộc) có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao chia sẻ: “Nông sản của trang trại đã được cấp chứng nhận GlobalGAP. Doanh nghiệp vừa đầu tư thêm 20 nhà màng, nâng tổng diện tích nhà màng của trang trại lên hơn 3ha chuyên trồng dưa lưới cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Tôi đang làm việc với một số đối tác để xuất khẩu sản phẩm này vào thị trường Nhật Bản và châu Âu”./.

"Đồng Nai luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tỉnh cũng rất chủ động, sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đột phá để huy động được mọi nguồn lực xã hội xây dựng NTM. Chương trình đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị".

Ông Phùng Đức Tiến Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

*Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương. 

Phát triển du lịch thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững ở Cao Bằng
Thời gian qua, tại tỉnh Cao Bằng, du lịch nông thôn đang phát triển nhanh với nhiều loại hình: Du lịch gắn với di tích lịch sử; khám phá khu bảo tồn thiên nhiên; tìm hiểu văn hóa tại các điểm du lịch cộng đồng... Phát triển du lịch nông thôn đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tạo động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.