Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

TP HCM: Cần tạo đặc khu để bảo tồn di sản

08:36 28/11/2018 GMT+7

Nhiều chuyên gia về kiến trúc, quy hoạch cho rằng TP HCM cần tạo ra đặc khu bảo tồn di sản, để phát huy, bảo tồn giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa Sài Gòn.

Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP HCM vừa phối hợp với Công ty cổ phần Minerva tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và gợi mở giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị công trình kiến trúc, lịch sử, văn hóa Sài Gòn.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận thay vì xem bảo tồn – phát triển là hai thái cực hoàn toàn trái ngược, bài toán cần được đặt ra hiện tại là làm thế nào để vừa hiện đại hóa, vừa gìn giữ những giá trị tốt đẹp của Sài Gòn xưa nay. Để thực hiện việc bảo tồn không gian di sản Sài Gòn các chuyên gia nhận định cần tạo ra đặc khu để bảo tồn di sản. Các chuyên gia kiến nghị đưa khu biệt thự quận 3 thành “đặc khu di sản” để phát huy, bảo tồn giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa Sài Gòn.

Tiến sĩ, Kiến trúc sư Tô Kiên – chuyên gia cao cấp kiêm quản lý dự án tại Tập đoàn tư vấn phát triển hạ tầng Eight-Japan, nhìn nhận nếu gìn giữ tốt các giá trị bản sắc địa phương, trong đó có cả di sản, sẽ tạo thành “nồi cơm Thạch Sanh” cho ngành du lịch khai thác và phát triển bền vững.

TP.HCM cần có đặc khu để bảo tồn di sản, trong ảnh là biệt thự cổ 100 tuổi trên đường Võ Văn Tần, TP.HCM

Cũng theo ông Kiên, những quốc gia có lịch sử lâu đời và có số lượng di sản lớn, phong phú như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có những ‘nồi cơm Thạch Sanh’ từ du lịch nhờ chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản phù hợp.

Điển hình tại Singapore, Chính phủ đảo quốc sư tử dành 20 năm bảo tồn, trùng tu 6.560 công trình di sản, tạo bản sắc văn hóa đặc thù, lôi kéo lượng lớn du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều loại hình di sản kiến trúc như nhà phố buôn bán của người Hoa tập trung ở khu phố Tàu, kiến trúc người Ấn Độ khu Kampong Glam, các công trình thuộc địa Anh… trở thành điểm thu hút khách tham quan nổi tiếng.

Có phần đống quan điểm, TS. Nguyễn Lưu Bảo Đoan – giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM nhìn nhận cần có chính sách khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo tồn hoặc đầu tư bảo tồn thông qua biện pháp giảm thuế thu nhập, thuế trước bạ…

Để quá trình bảo tồn được hiệu quả và trường tồn theo thời gian, chuyên gia Trần Hữu Phúc Tiến nêu vấn đề phải mở rộng khái niệm và luật lệ về di sản. Ông cho rằng không chỉ các công trình cụ thể được công nhận di sản mới cần bảo tồn, mà các không gian rộng lớn hơn như ô phố, khu phố, khu vực… mang tính điển hình cho một giai đoạn lịch sử, một phong cách kiến trúc, văn hóa cũng cần được duy trì, trùng tu.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nêu các ý kiến thẳng thắn nhìn nhận và phân tích các áp lực từ nhu cầu phát triển thành phố tác động đến hoạt động bảo tồn, khiến việc bảo tồn các giá trị về kiến trúc cảnh quan gặp nhiều thách thức. Với hiện trạng nhiều công trình di sản “bốc hơi lên trời” như cách nói của nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, do các tòa cao ốc mọc lên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình có giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc tại TP HCM càng trở nên cấp thiết.

Các chuyên gia đánh giá với bề dày lịch sử và đặc thù trải qua nhiều thời kỳ tiếp biến văn hóa, TP HCM hội tụ đủ điều kiện xây dựng những “đặc khu di sản” mang giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa cao. Chỉ tính riêng các công trình biệt thự, theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc TP HCM, hiện toàn thành có 1.227 biệt thự xây dựng trước 1975, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận 3 với 808 biệt thự, chiếm tỷ lệ 65%.

Không chỉ có ngôi biệt thự cần bảo tồn, các chuyên gia cũng cho rằng các ô phố, khu phố trên các tuyến đường tại quận 3 cũng cần sự quan tâm đặc biệt. Chuyên gia văn hóa, lịch sử Trần Hữu Phúc Tiến nhìn nhận đây là một tài sản vô giá của TP HCM, đặc biệt quận 3 nên được coi là “đặc khu di sản” bởi những giá trị lâu đời, mang tính điển hình mà khu vực này sở hữu.