Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trồng lúa “tiết kiệm” nước

15:16 13/11/2019 GMT+7

Dòng Mekong bị chặn cản thượng nguồn, lũ 2019 đã không tràn về ngập ruộng ĐBSCL như mọi năm, đe dọa một năm lúa thất mùa bởi thiếu nước. Thế nhưng, bà con ở ấp Nam Hưng xã Vĩnh Hưng huyện Vĩnh Lợi Bạc Liêu không hề lo lắng, bởi từ lâu đã áp dụng phương pháp mới: trồng lúa nước nhưng ít nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hương – lão nông 72 tuổi ở Nam Hưng, Vĩnh Hưng (Bạc Liêu) trồng lúa nuôi con du học đang giới thiệu về mô hình trồng lúa ít nước, ít giống, ít phân của GIZ.

Nuôi con du học bằng tiền bán lúa

Tới xứ Vĩnh Hưng, nơi có Tháp Angko cổ ngàn năm nổi tiếng ở Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, hỏi về chuyện người nông dân nuôi con du học bằng nghề trồng lúa ai cũng biết. Đó là ông Nguyễn Hoàng Hương, 72 tuổi ở ấp Nam Hưng. Chỉ hơn 2ha đất gò, nhưng 3 vụ lúa hàng năm đút túi vài trăm triệu như chơi. Nhiều bà con khác cũng giống ông, đời sống đỡ vất vả và khấm khá hơn trước nhiều. Hỏi ra, bà con ở đây đang áp dụng mô hình trồng lúa kiểu mới, thích nghi với điều kiện địa lý thổ nhưỡng nơi đây. Đó là tiết kiệm nước, nói nôm na là trồng lúa ngập khô xen kẽ.

Anh Lê Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cho hay, là người địa phương nên anh hiểu rất rõ vùng đất cuối nguồn Mekong này. Đây là vùng đặc trưng đất sét thịt, nắng lên khô nẻ, mưa lớn ngập úng. Không thể trồng thứ gì ngoài cây lúa, mà lúa thì đều trông chờ vào lượng nước lũ tự nhiên, nên tối đa chỉ 2 vụ/năm. Vài năm nay lũ ít, do nước không đủ tưới mấy tỉnh thượng nguồn Hậu Giang, Cần Thơ, kèm theo hạn mặn xâm thực nên bà con điêu đứng. Tầm từ tháng 11 đến tháng 3 mọi năm, hạn khô cạn, dưới sông trơ đáy, chưa kể nước mặn ập vô, bà con cực lắm. May có chương trình trồng lúa “tưới nước tiết kiệm, ngập khô xen kẽ” của GIZ (Tổ chức hợp tác phát triển của Đức) hỗ trợ kỹ thuật, tỉnh huyện ủng hộ, xã xuất ngân sách xây bờ bao mương xương cá, bà con hiến đất, gom lại thành cánh đồng mẫu lớn, nên mới thành công như hôm nay.

Cây lúa là lựa chọn duy nhất của Nam Hưng, thế nhưng vào mùa khô, con kênh này sẽ trơ đáy bởi hạn mặn, thuyền bè không đi lại được.

Ông Hương nói thêm, vụ Đông – Xuân hồi trước thất lắm vì không có nước mùa khô. Bây giờ đó lại là vụ trúng đều và sản lượng cao nhất, 7-8 tấn/ha là bình thường. Cái hay của phương pháp này là tháo nước ra, vô hợp lý từng thời điểm, lượng nước trên ruộng ít nên tiết kiệm phân nửa giống, phân bón và chi phí xử lý cỏ dại sâu bọ. Nên tính ra, mỗi công chi phí còn chừng 2 triệu, trừ hết chi phí cầm chắc 5-7 triệu/công, mà trước kia chỉ được chừng 3 triệu/công, mà có khi mơ còn không thấy. Vì nghề nông còn phụ thuộc vào bão lũ, sâu rầy, dịch bệnh. Theo ông Hương, vụ này vậy là “thất”, còn cỡ 5-6 tấn vì mưa nhiều quá, xử lý không kịp. Nhưng cái chính là bà con đã có cách đối phó với cái khô hạn cuả biến đổi khí hậu, vừa cười vui ông Hương vừa chỉ ra đám lúa đang vào thu hoạch rộ, vàng nặng trĩu hạt.

Cần có thêm những cánh đồng… ít nước

Hàng chục nông dân tham gia mô hình đều đồng tình khẳng định, cách trồng lúa kiểu mới này đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Anh Lê Thanh Tuấn cho biết, chỉ với hơn 100ha thực hiện ở ấp Nam Hưng nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống an sinh xã hội của ấp và của những xã viên nâng cao thấy rõ. Thanh niên cũng mê làm giàu trên đất của mình bởi lúa trúng mùa, nên anh bỏ ý định đi Bình Dương lập nghiệp. Theo anh, với một xã nghèo như Vĩnh Hưng có hơn 1.000 ha, nhưng đều nằm trong vùng đất thiếu nước nghiêm trọng hàng năm, nhất là mùa khô, dễ bị xâm mặn thì giải quyết vấn đề nước cho cây lúa gắn chặt an sinh xã hội nơi đây. Bởi vậy’, mô hình lúa tiết kiệm nước không những đang là cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp và thu nhập của người dân, mà còn gắn chặt với phát triển kinh tế xã hội. Nhưng muốn được thành công, đòi hỏi chi phí ban đầu không nhỏ, 100ha mô hình này, bà con góp công góp đất, xã đã phải bỏ ra 1,5 tỷ xây dựng kênh mương xương cá. Nếu áp dụng toàn xã, con số gấp hàng chục lần xã không kham nổi.

Ông Lê Thanh Tuấn (áo xanh), Chủ tịch UBND xã Nam Hưng cho hay, trồng lúa ở vùng đất khô hạn đã không lo bởi phương pháp xen kẽ ngập khô.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Tam, Bí thư xã Vĩnh Hưng chia sẻ, đó cũng là điều trăn trở của anh em. Nhiều năm nay, xã đã thử áp dụng mô hình cây trồng, vật nuôi khác nhưng không thành công bởi đặc điểm chất đất và điều kiện thiếu nước nơi đây. Mô hình lúa tiết kiệm nước ở Nam Hưng là lựa chọn duy nhất để phát triển kinh tế. Xã đang đề nghị huyện bàn cách hỗ trợ nhân rộng, mong sao cuộc sống bà con đỡ vất vả và khấm khá hơn từ chính mảnh đất của họ, bao đời chỉ độc canh cây lúa. 

Bài, ảnh: Hoàng Quân