Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xuất khẩu tăng mạnh đầu năm 2024, ngành Gỗ vẫn đứng trước nhiều nguy cơ

Thanh Phong - 16:31 13/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngay trong những tháng đầu năm ngành Gỗ xuất khẩu có nhiều tín hiệu tích cực khi xuất siêu đạt hơn 2,4 tỷ USD.

Số liệu của Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, ngay trong 2 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Cũng trong 2 tháng vừa qua, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 355 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ 2023. Tính chung xuất siêu 2 tháng đầu năm ước đạt 2,465 tỷ USD.

Bên cạnh những kết quả đạt được nói trên, giới chuyên môn nhận định ngành Gỗ vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho hay, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và Israel – Hamas, sự bất ổn trên Biển Đỏ còn diễn biến phức tạp, khó lường có thể ảnh hưởng tiêu cực tới ngành Gỗ.

Ngành Gỗ đứng trước nhiều thách thức khi các thị trường siết chặt quy định nhập khẩu.

Đồng thời, một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, không làm ảnh hưởng đến suy thoái, mất rừng, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm; thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng về điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại (đang áp dụng với Trung Quốc) đối với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo thông báo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, kết luận cuối cùng về điều tra xem xét phạm vi sản phẩm dự kiến được ban hành vào ngày 5 tháng 4 năm 2024.

Đối với điều tra lẩn tránh thuế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng đã tiếp tục gia hạn thời gian ban hành kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của vụ việc tới ngày 19 tháng 4 và ngày 18 tháng 7 năm 2024.

Vụ việc điều tra phạm vi sản phẩm và lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ lần lượt khởi xướng từ tháng 5 và tháng 6 năm 2022. Tháng 9 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành thông báo điều chỉnh kết luận sơ bộ tháng 3 năm 2023, theo đó liệt kê 3 trường hợp tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam có các bộ phận sản xuất tại Trung Quốc thuộc phạm vi của lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.

Trước đó, theo Cục Phòng vệ thương mại, từ tháng 4 năm 2020 đến nay, Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với tủ gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá là từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp là từ 13,33% đến 293,45%.

Theo thông tin từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu tại thị trường Hoa Kỳ ngày càng chặt chẽ hơn. Cụ thể, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đang sửa đổi, bổ sung tổng cộng 22 nội dung liên quan một số quy định trong điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Những nội dung nói trên bao gồm cả những cách xác định một số trợ cấp mới như bảo hiểm xuất khẩu, xóa nợ, thuế trực tiếp…; tác động của khí nhà kính nhằm bổ sung cho chính sách thương mại nằm trong Dự luật do các nghị sỹ yêu cầu chính quyền Tổng thống Biden cho tiến hành nghiên cứu cường độ phát thải đối với hoạt động sản xuất một số hàng hóa nhất định bên trong và bên ngoài nước Mỹ.

Với thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng của EU (còn gọi là EUDR) của Liên minh châu Âu, tháng 12/2024 có hiệu lực. Với quy định về xác định nguồn gốc gỗ của Việt Nam hiện chưa quy định cụ thể. Thị trường Ấn Độ áp dụng tiêu chuẩn đánh giá nhà máy mới, tiêu chuẩn BIS, áp dụng vào đầu năm 2024. Tất cả những điều đó sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt.

Thị trường Canada, tỷ giá thấp so với USD, khiến hàng hóa Việt Nam khó cạnh tranh và lợi thế thuế quan mà CPTPP mang lại cho hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ dần mất. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản yêu cầu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này sử dụng nguồn gỗ có nguồn gốc rõ ràng ngày càng cao.