Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Nội - “ngôi sao sáng” trên bản đồ xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Tâm - 16:35 12/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, Hà Nội được Trung ương đánh giá là “lá cờ đầu” của cả nước trong xây dựng nông thôn mới.

Việc hoàn thiện tiêu chí NTM nâng cao tại nhiều xã đã góp phần đưa vùng ngoại thành Hà Nội trở thành "những miền quê đáng sống". Diện mạo nông thôn đổi thay đổi tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại.

Bức tranh nông thôn nhiều điểm sáng

Đến nay, Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Còn 3 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đáng chú ý, đến hết năm 2021 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%, trong đó có 5 huyện không còn hộ nghèo gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì.

 Xã "nông thôn mới nâng cao" Liên Ninh, huyện Thanh Trì ngày càng khang trang, sạch đẹp.

“Bức tranh” nông thôn mới năm 2022 của Hà Nội ngày càng có nhiều điểm sáng. Những tác động từ kết quả xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu đã và đang góp phần làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đã đạt trên 54 triệu đồng/người/năm. Một số huyện có thu nhập bình quân tính theo đầu người dân cao như: Đan Phượng đạt 66 triệu đồng/người/năm, Gia Lâm đạt 65 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức đạt 64 triệu đồng/người/năm… Đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang.

Công tác y tế, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đến nay, 100% trạm y tế xã có bác sĩ công tác tại trạm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội đạt 91,5%. 75,15% hộ gia đình có sử dụng ít nhất một điện thoại thông minh; 98% các thôn phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng...

 Toàn thành phố có 1.695 trang trại. Các trang trại đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị, sản lượng, đồng thời, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, Hà Nội có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng), 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó ngành thực phẩm có 1.071 sản phẩm, ngành đồ uống có 35 sản phẩm, ngành thảo dược có 17 sản phẩm, ngành thủ công mỹ nghệ có 492 sản phẩm, ngành vải và may mặc có 34 sản phẩm.

Ngoài ra, Hà Nội cũng quan tâm tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, tuần hàng nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại.

Tiếp tục xây dựng những miền quê đáng sống

Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội đã và đang tạo ra "những miền quê đáng sống", người dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tại các xã, huyện đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM, tỷ lệ lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đều đạt rất cao, người dân khi được hỏi đều đồng tình, hồ hởi với công tác xây dựng  NTM trên địa bàn. Nhiều những tấm gương bà con tự nguyện hiến đất, hiện vật để làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa; đóng góp trí tuệ, sức người, sức của, cùng chung tay làm đổi thay diện mạo quê hương.

 Diện mạo làng quê đổi mới ở xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì.

Vạn Thắng, xã cuối của huyện Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội khoảng 70km, vừa được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao cách đây không lâu. Đặc điểm địa hình khiến mỗi năm địa phương chỉ trồng 1 vụ lúa, mùa nước cao sẽ quây ruộng thành ao nuôi cá. Tập quán canh tác lúa kết hợp chăn nuôi thuỷ sản có từ lâu nhưng 4 năm gần đây, từ khi xây dựng hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, được công nhận chứng chỉ VietGAP, hiệu quả kinh tế theo bà con có cao hơn trước rõ rệt.

Ông Đỗ Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì phấn khởi chia sẻ: “Sự đồng lòng vào cuộc của người dân là yếu tố quyết định. Tổng hợp lại, chúng tôi có trên 50 ngàn ngày công của người dân tự nguyện hỗ trợ; về nguồn lực kinh phí, đã tiếp nhận hỗ trợ trên 30 tỷ đồng bằng tiền mặt và hiện vật”.

Người dân tự nguyện góp công, góp của, góp đất đai, cùng nhau làm đường, xây hạ tầng, đường xá khang trang. Nỗ lực chung góp lại, đổi lấy một diện mạo, làng xã NTM, với môi trường, cảnh quan, chất lượng đời sống khác hơn.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội cho biết, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, tiếp tục giữ vững vị thế lá cờ đầu của cả nước, trong năm 2023, Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội sẽ tham mưu Thành ủy - UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với mục tiêu xây dựng NTM nâng cao. Việc tiếp theo là kịp thời phổ biến, tuyên truyền đầy đủ các văn bản của cấp trên, thông qua các hội nghị và các phương tiện truyền thông, nhằm động viên, khích lệ, huy động nội lực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận trong nhân dân.

Hà Nội cũng sẽ tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM nâng cao, trong đó, chú trọng đầu tư nguồn lực cho các chỉ tiêu về trường học, nước sạch, y tế. Đồng thời thường xuyên giám sát, định kỳ tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao tại các đơn vị, địa phương để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hà Nội sẽ phát huy tài nguyên vốn có là làng nghề, văn hóa truyền thống, kết hợp với sức mạnh công nghệ để tạo sự khác biệt trong phát triển. Thành phố chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái để vừa tạo ra giá trị thặng dư, vừa phát triển cộng đồng hướng đến văn minh, nâng cao chất lượng nông nghiệp, nông thôn...

Ngoài ra, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực và tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ chiến lược về tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các xã dân tộc miền núi; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng các quy ước, hương ước, phát huy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, tình làng, nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn, chung tay xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn cùng với đời sống vật chất tinh thần phong phú, đa dạng để các xã trở thành miền quê đáng sống.

Các địa phương nông thôn thủ đô sẽ tiếp tục đẩy nhanh phát triển điều kiện sinh hoạt (điện, đường, trường, trạm, y tế, giáo dục, dịch vụ…) theo hướng đô thị; giữ vững và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng “nông thôn mới, đô thị văn minh” với các mô hình cụ thể, việc làm cụ thể.

Mỗi huyện xây dựng từ 1-2 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao

 Mới đây, phát biểu kết luận Hội nghị  giao ban Ban Chỉ đạo Quý I/2023 về việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của Chương trình 04-CTr/TU trong năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025 , Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, nhiệm vụ bao trùm năm 2023 là Thành phố có thêm 3 huyện (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới; 05 huyện (Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai) đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với đó, mỗi huyện xây dựng từ 1-2 mô hình sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao và hướng về cơ sở để nâng cao đời sống nhân dân.