Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xây dựng nông thôn mới ở Bảo Thắng: Nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân

Thu Hằng - 16:12 26/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Qua các mô hình hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu hàng hóa; thực hiện chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân; phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững… đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) trong phát triển nông nghiệp, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân và đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM trên địa bàn.

Hội Nông dân huyện Bảo Thắng có 16.763 hội viên, cán bộ, hội viên nông dân trong huyện luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên, góp phần tích cực đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM).

  Phát triển mô hình kinh tế đúng, trúng, không dàn trải

 Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, Hội Nông dân huyện Bảo thắng đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đến 100% cơ sở Hội; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Tính đến đầu năm 2023 toàn huyện có 3.546 hộ SXKD giỏi, chiếm gần 17 % tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Trong đó: Hộ sản xuất giỏi cấp Trung ương 19 hộ; cấp tỉnh 263 hộ; cấp huyện 880 hộ; cấp xã 2.384 hộ; Hộ nghèo vượt khó có 125 hộ.    

Một góc thôn văn minh ở xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, người dân bảo nhau giữ gìn cảnh quan môi trường đường, làng, ngõ xóm sạch sẽ

 Hội Nông dân huyện Bảo Thắng chú trọng hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu hàng hóa; triển khai các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dựa trên tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

 Với việc xây dựng thành công mô hình cá chép lai năm 2022, Hội Nông dân huyện đã giúp nghề nuôi thủy sản của địa phương phát triển bền vững hơn. Trước đó, Hội đã giúp một số xã thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp nuôi cá thực hiện liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Với sự kết nối của Hội Nông dân huyện, nông dân xã Gia Phú đã liên kết với 1 doanh nghiệp tại Hải Dương để trồng đậu đũa quả sau thu hoạch sẽ muối chua để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Mới đây, đã xuất khẩu thành công gần 10 tấn đậu đũa ngâm muối sang Nhật Bản,  mở ra cơ hội lớn cho nông dân Bảo Thắng trong việc đưa các sản phẩm nông sản của huyện ra thị trường quốc tế.

 Không dàn trải, căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng, thế mạnh của từng vùng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; cách làm nay của Hội Nông dân huyện góp phần thực hiện Nghị quyết 10 của tỉnh về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Hội Nông dân huyện đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng Chính sách xã hội với hội viên, nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất. Đến nay, tổng số tiền dư nợ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội do các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện quản lý là trên 158 tỷ đồng cho 3.654 lượt hộ vay thực hiện vào các dự án nuôi trâu, bò, lợn nái sinh sản, gà thả đồi, cây ăn quả, nuôi thủy sản, trồng hoa công nghệ cao..., hàng năm tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 207 lao động.

Trước đây gia đình chị Nguyễn Thị Ngát (xã Xuân Giao- huyện Bảo Thắng) chỉ nuôi vài con bò nên thu nhập không cao. Để khai thác lợi thế đất đai, chị Ngát đã vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò sinh sản. Được chính quyền địa phương và Hội  Nông dân xã hướng dẫn quy trình chăm sóc, phòng bệnh đầy đủ, chỉ sau 1 năm mô hình đã đem lại hiệu quả rõ nét. Đến nay, đàn bò của gia đình chị đã phát triển lên 17 con, mang lại nguồn thu gần 200 triệu đồng/năm.

Nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời

Đến năm 2020, huyện BảoThắng có 11/11 xã  đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Sơn Hà và Xuân Quang; là huyện đầu tiên của tỉnh Lào Cai về đích NTM vào năm 2020, huyện đang phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao.  

 Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt gần 65 triệu đồng/người/năm (tăng 34,9 triệu đồng so với năm 2018),  tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 7,91%. Năm 2023, huyện phấn đấu thu nhập bình quân của người dân đạt 72 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên 1ha đất canh tác đạt 110 triệu đồng; có thêm ít nhất 5 sản phẩm OCOP...

Bưởi Múc được xếp hạng ocop 
Nhiều hộ ND ở thị trấn phố Lu (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có thu nhập cao từ nghề trồng hoa

 Cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện đang chuyển biến rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, phát triển sản xuất hàng hoá gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đã xây dựng thành công vùng lúa thâm canh cao sản, ngô hàng hóa, đậu tương hàng hóa, trồng chè, chăn nuôi đại gia súc, thâm canh nuôi thủy sản, trồng cây vụ Đông trên đất 2 vụ lúa. Nông dân phát huy tốt vai trò chủ thể, trực tiếp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm, trên 98% diện tích lúa ruộng được gieo cấy bằng các giống lúa lai, giống kỹ thuật có năng suất cao; giá trị sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ước đạt 106 triệu đồng/ha; hình thành các trại chăn nuôi gà, lợn tập trung với quy mô lớn theo hướng công nghiệp. Đặc biệt đã hình thành nhiều vùng sản xuất thâm canh, quy hoạch các cơ sở sản xuất chế biến. Phát triển 06 sản phẩm hàng hóa đặc trưng của huyện như: Bưởi Múc, Na Xuân Quang, Quế, Cá chép lai, Gà vườn đồi, Đào cảnh Xuân Quang. Đến nay, huyện Bảo Thắng đang là địa phương dẫn đầu về số sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên với 30 sản phẩm, đã có 15/30 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Nhờ làm tốt công tác quản lý vốn cũng như hướng dẫn phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, theo chương trình xây dựng NTM đã thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế, trang trại, gia trại chăn nuôi ngày càng nhiều và phát triển theo hướng tập trung, liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo an toàn sinh học, có thể kể đến mô hình hợp tác xã chăn nuôi Xuân Tiến luôn duy trì khoảng 60.000 con gà/năm, hàng tháng HTX xuất ra thị trường khoảng 40.000 tấn gà thịt và hàng triệu quả trứng gà, mang lại nguồn thu khá ổn định cho 15 thành viên HTX.

Có thể nói những hoạt động của các cấp Hội Nông dân ở Bảo Thắng trong 5 năm qua đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, sức mạnh nội lực của cộng đồng dân cư, chăm lo đời sống và tinh thần của nhân dân ngày càng tốt hơn, dân chủ cơ sở ngày càng được mở rộng, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nhân dân thôn Làng Mạ, xã Trì Quang (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) tích cực hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn

 Ông Phạm Hồng Phong - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Hội Nông dân huyện luôn phát huy vai trò là chủ thể, nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để thực hiện tốt phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao và phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội đã luôn bám sát chỉ đạo, kịp thời đưa những chủ trương của Đảng bộ huyện, của Hội Nông dân tỉnh Lào Cai về với hội viên nông dân, như  đưa những chủ trương về vay vốn, thông qua Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh; xây dựng tổ hội nghề nghiệp, phát triển kinh tế. Đặc biệt, qua các phong trào này, giúp cho hội viên nông dân đoàn kết gắn bó và duy trì được tinh thần phát triển kinh tế tại địa phương. Từ đó phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế, người nông dân đã chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật, làm chủ trên đồng đất quê hương của mình, tạo ra giá trị kinh tế cao.

TỪ KHÓA #nông thôn mới