Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo vệ tài sản trí tuệ: Những nỗ lực tự cứu chính mình

22:19 30/10/2018 GMT+7

Việc xử phạt vi phạm sở hữu trí tuệ chủ yếu dựa vào các biện pháp hành chính đã không đủ răn đe, chế tài, nên cuối cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu thiệt, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Các doanh nghiệp đã phải tự cứu chính mình.

Thực trạng đáng báo động

Trong năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện gần 35.000 vụ với trị giá hàng vi phạm lên đến 907 tỷ đồng. Cụ thể, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 1.064 vụ, vi phạm về nhãn hàng hóa 26.367 vụ, hàng giả các loại như giả chất lượng, công dụng, bao bì, chỉ dẫn địa lý hơn 8.000 vụ….

Theo ông Nguyễn Hữu Linh – Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Thậm chí dược phẩm mà vẫn có thể làm giả, có thể nói là một tội ác.

Ông Nguyễn Phương Minh -Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ, dẫn chứng Báo cáo 301 của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) năm 2018 cho thấy, năm 2017 Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi về tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nạn vi phạm bản quyền và bán hàng giả mạo trực tuyến vẫn phổ biến.

Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại một siêu thị.

Theo ông Minh, nhiều hàng hóa sử dụng công nghệ cao, khó sản xuất đã được gia công ở nước ngoài và chuyển về Việt Nam tiêu thụ, hàng hóa không đòi hỏi kỹ thuật cao thì sản xuất ngay tại các khu công nghiệp, làng nghề trong nước đưa về vùng sâu vùng xa bán cho dân nghèo. Chẳng hạn nạn làm giả phân bón tràn lan khiến nông dân lãnh đủ. Doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc lại khó phát triển dễ dẫn đến tình trạng “cá bé diệt cá lớn và thất thu ngân sách”.

Theo ông Nguyễn Văn Bách -Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, việc vi phạm sở hữu trí tuệ, bán buôn hàng giả không những gây thiệt hại lớn mà còn dẫn đến sự phá sản của doanh nghiệp do người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm. Tình trạng này cũng làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước e ngại, có thể hạn chế đầu tư vào Việt Nam hoặc đã đầu tư nhưng không dám mở rộng sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Doanh nghiệp: Tự cứu chính mình trước khi bị xâm phạm

Tại Hội thảo Chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ do Trung tâm Ứng dụng công nghệ khai thác quyền sở hữu trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vừa qua, đại diện CTCP khóa Việt Tiệp chia sẻ: Để chống hàng giả, Việt Tiệp phải tiến hành cùng lúc nhiều giải pháp, từ đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại với kinh phí 35-40 tỷ đồng/năm, cải thiện các khâu chủ chốt liên quan đến chất lượng để sản phẩm khó bị ăn cắp bản quyền, nhái nhãn hiệu.

Lực lượng chức năng phát hiện hành vi gian lận thương mại khi dùng nhãn mới dán đè lên nhãn gốc của sản phẩm.

Việc đầu tư này giúp Việt Tiệp nâng cao năng suất 2 lần, sản phẩm tốt hơn, giá thành hạ trung bình 10% nên hàng giả sẽ khó có thể thu lợi nhuận. Việt Tiệp còn phải nâng cấp bao bì thật hấp dẫn và nổi bật với tem chống giả công nghệ xác thực truy xuất nguồn gốc để người dùng dễ dàng phân biệt, song song với việc quảng bá sản phẩm, tuyên truyền việc chống hàng giả đến khách hàng.

Với hệ thống 2.000 cửa hàng bán lẻ, Việt Tiệp tăng cường giám sát đảm bảo các nhà bán lẻ được hưởng các chính sách ưu đãi để họ thấy quyền lợi khi đưa sản phẩm chính hãng tới tay người tiêu dùng. CTCP khóa Việt Tiệp là một trong số ít doanh nghiệp đạt được hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu trước nạn hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ đang ngày một gia tăng.

Tương tự, đại diện Công ty TNHH một thành viên thép Miền Nam -VNSTEEL cho biết, nhiều năm nay doanh nghiệp đã bảo vệ thương hiệu thông qua nhóm giải pháp marketing và bán hàng. Cụ thể, VNSTEEL đã ký kết hợp đồng độc quyền với nhà phân phối, tổ chức mạng lưới phân phối độc quyền trong chuỗi nhằm đồng nhất về nhận diện thương hiệu, giúp người tiêu dùng phân biệt hàng chính hãng. Ngoài ra, công ty còn chủ động thực hiện phòng vệ thương mại và thiết lập quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Phương Sơn -Giám đốc đối ngoại AMWAY Việt Nam cho hay, công tác tuyên truyền, giáo dục người tiêu dùng về nâng cao cảnh giác với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Đặc biệt là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm… đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý khi phát hiện vi phạm cũng như có giải pháp xử phạt mang tính răn đe cao hơn để tránh tình trạng tái phạm.

Thanh Vinh