Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bến Tre phát huy vai trò của nông dân trong bảo vệ môi trường

Thanh Bạch - 07:02 21/01/2022 GMT+7
Thời gian qua, tỉnh Bến Tre có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó vai trò chủ thể của Hội Nông dân đã được phát huy. Thông qua các phong trào do Hội Nông dân các cấp phát động, hội viên nông dân trong tỉnh đã tích cực hưởng ứng, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường tại địa phương ngày càng “xanh - sạch - đẹp”.
Nông dân Bến Tre và các đoàn thể tham gia nhặt rác tại bãi biển nhân Ngày Môi trường Thế giới.

Nhận thức của nông dân về bảo vệ môi trường được nâng cao

Theo ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre đánh giá: Năm 2021, qua 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp, vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) nông thôn đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Nhận thức của người dân, đặc biệt là nông dân về BVMT đã được nâng lên đáng kể. Nông dân đã tích cực tham gia các hoạt động BVMT tại địa phương, tự giác thực hiện các phần việc liên quan đến hộ gia đình, chất lượng môi trường sống nông thôn ngày càng được cải thiện.

Nếu năm 2011 có 75,7% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và 39,9% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh thì đến nay đã có 99,5% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trên 73% hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia và gần 93% hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh; 66,7% hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường; 11,8% hộ đăng ký dịch vụ thu gom rác và gần 81% hộ có đào hố chôn lấp hoặc đốt rác trong vườn nhà...

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận nông dân về BVMT mặc dù đã có chuyển biến nhưng cơ bản vẫn còn thấp, chưa ý thức được sâu sắc tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, vì thế chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong hành động.

Cùng với đó, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh tuy cao nhưng phân bổ không đều giữa các địa phương; tình trạng sử dụng cầu tiêu ao cá vẫn còn; tỷ lệ hộ đăng ký thu gom rác thấp, đa phần xử lý bằng biện pháp chôn lấp hoặc đốt chưa đảm bảo vệ sinh; một số mô hình phân loại rác thải tại nguồn chưa hiệu quả và thiếu tính bền vững…
Bên cạnh việc tuyên truyền cho hội viên nông dân bảo vệ môi trường sống, vừa qua Hội Nông dân Bến Tre đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường biển. Lớp tập huấn có 70 cán bộ, hội viên, nông dân, ngư dân tham dự. Nội dụng tập huấn gồm: Luật Biển Việt Nam; Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng, khai thác, bảo vệ các vùng biển một cách bền vững phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; ứng phó với biến đối khí hậu, phòng chống và cảnh báo thiên tai; bảo vệ đa dạng sinh học biển, hệ sinh thái; phòng, chống ô nhiễm môi trường biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, xử lý chất thải từ hoạt động kinh tế biển, ứng phó sự cố tràn dầu; khai thác tài nguyên biển, phát triển du lịch biển; giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trong sinh hoạt và sản xuất…

Ông Trần Dương Thuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre cho biết: Lớp tập huấn này là một trong những hoạt động thuộc Dự án “Nông dân, ngư dân Bến Tre chung tay bảo vệ môi trường biển, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa”. Thông qua dự án nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên, nông dân và qua đó chuyển biến thành hành động thiết thực để bảo vệ môi trường biển sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương….

Các tín đồ đạo Cao đài Ban Chỉnh xã Mỹ Thạnh (huyện Ba Tri) cùng người dân làm vệ sinh, tạo cảnh quang môi trường xanh – sạch – đẹp. 

Thực hiện thành công mục tiêu “Bến Tre xanh - Bến Tre đáng sống”

Ngay từ đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào “Ngày Chủ nhật nông thôn mới” tại 142 xã trên địa bàn tỉnh với mục tiêu nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, nhất là nông dân khu vực nông thôn trong thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới trong công tác BVMT.

Mục tiêu thứ hai của phong trào là đổi mới cách thức tuyên truyền, chuyển từ tập trung phổ biến chủ trương sang hành động cụ thể, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng Nông thôn mới, nhất là trong thực hiện các tiêu chí thuộc trách nhiệm của hộ gia đình, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ. Từ khi phát động đến nay, có 2.231 lượt xã thực hiện chủ đề về môi trường, đã thu hút 634.163 lượt người tham gia, trong đó nông dân tham gia chiếm khoảng 55%.

Cùng với đó, Hội Nông dân đã triển khai xây dựng nhiều mô hình BVMT như: Mô hình tuyến đường hoa, mô hình hàng cây nông dân, nông dân tham gia BVMT, mô hình phân loại rác thải tại nguồn…  Các hoạt động đã thu hút được sự tham gia của đông đảo nông dân trên địa bàn, từ đó vai trò chủ thể của nông dân trong BVMT đã được phát huy.

Vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quy định về “Giải thưởng môi trường tỉnh Bến Tre” để kịp thời khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cộng đồng và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVMT trên địa bàn. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã thông qua Đề án nâng cao nhận thức và năng lực để xây dựng “Bến Tre xanh - Bến Tre đáng sống” giai đoạn 2021 - 2026; đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Trong đó, về công tác tuyên truyền BVMT, sẽ tập trung đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng truyền thông, tuyên truyền. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình BVMT trong cộng đồng dân cư như: “Hộ gia đình xanh - sạch - thân thiện - nghĩa tình”; “Khu dân cư tự quản về môi trường”, “ấp nông thôn mới kiểu mẫu”; “Tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - tiết kiệm năng lượng”; “Phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn”; “Chợ xanh - sạch - an toàn vệ sinh thực phẩm - văn minh thương mại”; “Trường học xanh - sạch - năng động”; BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Thông qua tham gia các mô hình, nông dân sẽ nhận thấy được lợi ích thiết thực từ việc BVMT, từ đó hình thành những hành vi thân thiện với môi trường, từng bước phát huy vai trò, vị trí của mỗi người nông dân trong BVMT. 

“Nhận thức của nông dân là một thách thức lớn đối với việc BVMT. Vì vậy, công tác truyền thông, tuyên truyền là đặc biệt quan trọng. Đây là biện pháp tốn ít kinh phí và nếu làm tốt thì có thể biến ý thức BVMT thành một chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm xã hội cho mỗi nông dân, hướng đến xây dựng thành công một “Bến Tre xanh - Bến Tre đáng sống”.
Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bến Tre.