Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bữa sáng ăn khoai lang có tốt cho sức khoẻ?

13:27 14/11/2023 GMT+7
Khoai lang là thực phẩm được nhiều người yêu thích và ăn vào bữa sáng, vậy nhưng bữa sáng ăn khoai lang có tốt không?

Khoai lang là một trong những thực phẩm quen thuộc của người Việt. Khoai lang giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ và đặc biệt rẻ tiền nên được nhiều người yêu thích. Vậy nhưng ăn khoai lang vào bữa sáng có tốt không?

Ăn khoai lang đúng cách sẽ tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Bữa sáng ăn khoai lang có tốt không?

Theo các chuyên gia, thường xuyên ăn khoai lang vào bữa sáng rất tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là những lợi ích bạn sẽ nhận được nếu thường xuyên ăn khoai lang vào bữa sáng.

Cải thiện táo bón

Theo trang Sohu, trong cuộc sống ngày nay, chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh thường dẫn đến tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, đặc biệt với người làm văn phòng, thường xuyên phải ngồi nhiều, không có thời gian để chuẩn bị bữa sáng, có thói quen đặt đồ ăn mang về, dẫn đến tình trạng táo bón ở nhiều người trẻ.

Là loại ngũ cốc thô phổ biến nhất, khoai lang giàu chất xơ hòa tan trong nước, làm tăng cảm giác no hiệu quả, giảm lượng thức ăn nhiều calo khác và cũng giúp tăng khối lượng chất thải. Khoai lang cũng hỗ trợ nhu động ruột, thúc đẩy bài tiết các chất có hại ra ngoài.

Ngoài ra, chất pectin trong khoai kích thích tiết dịch tiêu hóa, tác dụng nhất định trong việc cải thiện tình trạng táo bón, điều hòa hệ vi khuẩn đường ruột.

Nguồn vitamin C dồi dào

Khoai lang cung cấp cho cơ thể nguồn vitamin C dồi dào giúp tăng sản xuất collagen cho làn da luôn tươi trẻ và tăng độ đàn hồi. Vitamin C cũng rất cần thiết cho xương và răng, tốt cho tiêu hoá và giúp giảm stress.

Giúp giảm cân hiệu quả

Khoai lang có hàm lượng tinh bột thấp, không chứa chất béo giúp ngăn ngừa quá trình chuyển hóa thức ăn thành mỡ tích tụ. Ngoài ra, ăn khoai lang còn cho bạn cảm giác no lâu hơn, cơn đói của bạn sẽ đến chậm hơn, vì thế khoai lang là món ăn rất quan trọng với các bạn đang muốn giảm cân nhanh.

Trong khoai lang có nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, nhưng không nên lạm dụng quá nhiều hoặc thay bữa ăn chính bằng khoai vì sẽ gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe.

Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng thì nên ăn 1-2 củ khoai lang mỗi sáng là tốt nhất, cần kết hợp ăn thêm các món ăn khác như thịt, cá, rau… để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Làm sạch mạch máu, hạ mỡ máu

Thông thường, các mạch máu sẽ dày lên và cứng lại theo tuổi tác. Nếu duy trì ăn sáng bằng khoai lang trong thời gian dài, chất xơ trong khoai sau khi được hấp thu có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa lipid. Các chất carotene, axit folic và vitamin của khoai lang cũng có thể đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu hiệu quả, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, hạ mỡ máu.

Cải thiện sức đề kháng

Là một loại ngũ cốc thô có giá trị dinh dưỡng tương đối cao, khoai lang chứa nhiều vitamin, khoáng chất và nguyên tố vi lượng, có thể bổ sung dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể con người, mang lại hiệu quả tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể chống lại bệnh tật, cải thiện đề kháng.

Giảm mỏi mắt

Với những người thường xuyên làm việc với máy tính, việc đối mặt bức xạ trong thời gian dài sẽ khiến mắt bị khô, mỏi và gặp các vấn đề khác.

Carotene, vitamin A và các dưỡng chất khác trong khoai lang sẽ tác động lên võng mạc, giúp nuôi dưỡng thần kinh thị giác, giảm tình trạng khô mắt, mỏi mắt, bảo vệ tầm nhìn mắt. Nếu ăn khoai lang trong thời gian dài, sức khỏe mắt sẽ được cải thiện.

Bảo vệ dạ dày

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh thường gây đau và ảnh hưởng đến dạ dày. Một khi dạ dày có vấn đề, khả năng tiêu hóa và hấp thụ sẽ bị giảm, quá trình giải độc của cơ thể cũng bị ảnh hưởng, từ đó tác động xấu tới sức khỏe tổng thể.

Do khoai lang rất giàu cellulose, nếu ăn thường xuyên có thể tăng tốc độ chuyển hóa đường tiêu hóa một cách hiệu quả, thúc đẩy thải các chất có hại trong phổi và dạ dày, giảm bớt gánh nặng cho dạ dày, giảm khó chịu đường tiêu hóa.

Những điều cần lưu ý khi ăn khoai lang

Khoai lang tốt nhưng các chuyên gia khuyến cáo bạn tuyệt đối không nên lạm dụng khoai lang thay cơm. Để cơ thể nhận được những lợi ích tuyệt vời nhất từ khoai lang bạn cần lưu ý những nguyên tắc sau:

Kết hợp với cơm, thức ăn

Thay vì mỗi bữa bạn ăn từ 1 - 2 chén cơm thì bạn có thể thay thế bằng 1 - 2 củ khoai. Điều này sẽ giúp bạn giảm được 20 - 25% lượng calo mà đáng lẽ cơ thể phải nạp vào. Tuy nhiên, mỗi ngày bạn chỉ nên thực hiện cách này 1 bữa để tránh gây nhàm chán, thiếu chất, ảnh hưởng đến hiệu quả giảm cân.

Đối với những người thừa cân, béo phì việc thay thế một phần cơm bằng khoai lang không chỉ giúp giảm calo mà không ảnh hưởng đến thói quen ăn uống, dễ thích nghi với việc giảm cân.

Thời điểm thích hợp để ăn khoai lang giảm cân

Thay vì lựa chọn các loại mì, phở, bún thì bạn có thể lựa chọn khoai lang cho bữa sáng. Chỉ với một sự thay đổi đơn giản như vậy nhưng mang lại hiệu quả giảm cân bất ngờ, cụ thể là hiệu quả gấp 4 so với các làm bình thường. Ngoài ra, để bổ sung thêm năng lượng cho cả ngày dài, bạn có thể kết hợp khoai lang với sữa chua hoặc một ít salad.

Ngoài bữa sáng, bạn có thể ăn khoai lang giảm cân vào buổi trưa. Được biết, đây là thời điểm hiệu quả nhất để giảm cân. Bởi hàm lượng canxi trong khoai lang phải mất 4 - 5 tiếng mới có thể được hấp thu vào cơ thể. Đặc biệt, việc hấp thụ canxi cũng bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời, nhất là trong khoảng thời gian 2 - 5 giờ chiều.

Những người không nên ăn khoai lang

Báo VietNamNet dẫn lời Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết, mặc dù khoai lang là món ăn được coi là tốt cho cơ thể, nhưng cần hạn chế ăn khi cơ thể trong các trường hợp sau:

Người mắc bệnh thận

Những người mắc bệnh thận tuyệt đối nên tránh ăn khoai lang vì trong khoai chứa nhiều chất xơ, kali, vitamin… Khi thận yếu, khả năng loại bỏ kali không tốt sẽ gây nhiều tác hại cho tim.

Người đang đói

Khoai lang chứa nhiều đường, nếu ăn nhiều lúc đói sẽ làm tăng tiết dịch vị, nóng ruột, ợ chua, trướng bụng. Vì vậy, bạn không nên ăn khoai lang khi bụng đói. Bạn nên luộc chín kỹ khoai để hủy chất men.

Người mắc bệnh dạ dày

Ăn khoai lang khi đói sẽ kích thích tiết axit dạ dày, dễ dẫn đến đau bụng, viêm loét dạ dày. Đặc biệt những người đau dạ dày mạn tính, ăn khoai lang khi đói càng làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Trên đây là những lợi ích của việc ăn khoai lang vào bữa sáng và những điều cần lưu ý khi ăn khoai lang. Hãy ăn khoai lang đúng cách để cơ thể nhận được những tác dụng tốt nhất nhé.

Theo VOV