Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Dân vận khéo, “chìa khóa” thành công trong xây dựng nông thôn mới ở Cẩm Thuỷ

Việt Tùng - 07:46 12/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với việc thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, cùng với công tác dân vận khéo, đang là “chìa khóa” để huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa xây dựng thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Khi quy chế dân chủ được phát huy

Sau hơn 13 năm triển khai Chương trình xây dựng NTM, xã Cẩm Tâm đã huy động được hơn 330 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực huy động từ nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi là 10 tỷ đồng. Nhờ đó, nhiều công trình “Lòng dân – Ý Đảng” đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp.

 Đến nay, hơn 16km đường giao thông chính của xã và các thôn cơ bản đã được nhựa hóa và bê tông; trung tâm văn hóa - thể thao và thư viện xã được đưa vào sử dụng với diện tích 555m2, có quy mô 300 chỗ ngồi, với đầy đủ trang thiết bị phục vụ hội họp, các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương; 4/4 thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn, trở thành vùng quê đáng sống...

Còn nhớ, năm 2012, sau hơn 1 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã mới chỉ có 2 tiêu chí đạt chuẩn NTM. Các tiêu chí còn lại đều là những tiêu chí khó, đòi hỏi nguồn lực lớn. Vốn là xã có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiện không thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển chậm nên xã Cẩm Tâm bước vào xây dựng NTM với không ít những khó khăn, thách thức. Bên cạnh những thiếu thốn về các công trình cơ sở hạ tầng, thì một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Ông Lê Văn Trung - Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy (Thanh Hóa) thường xuyên họp, chỉ đạo, quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, tinh thần lấy dân làm gốc, thực hiện tốt quy chế dân chủ, xem đây là "chìa khóa" để huyện xây dựng thành công NTM và NTM nâng cao.

Đứng trước những khó khăn đó, lãnh đạo xã là họp, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tìm mọi cách linh hoạt, sáng tạo để về đích NTM một cách nhanh nhất, bền vững nhất. Điển hình tại Đại hội Đảng bộ xã Cẩm Tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đã quyết nghị chương trình trọng tâm là “Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu và phát triển ngành Nông nghiệp bền vững; phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và xây dựng xã NTM”. Để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2022 Cẩm Tâm trở thành xã NTM, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã tập trung cụ thể hóa chương trình trọng tâm bằng đề án, kế hoạch xây dựng NTM. Xác định việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính là “chìa khóa” tạo sự đồng thuận trong nhân dân, từ xã đến thôn đã phát huy rộng rãi quy chế dân chủ, bằng việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của người dân vào xây dựng đề án, kế hoạch xây dựng NTM. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của một bộ phận nhân dân về trách nhiệm, vai trò chủ thể trong xây dựng NTM, xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại” vào sự đầu tư của Nhà nước.

Với phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ” nên nhiều nội dung trong xây dựng NTM đã được cấp ủy, chính quyền xã và các thôn công khai để nhân dân được trực tiếp bàn bạc và quyết định, nhất là các khoản đóng góp xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa. Bằng việc phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, xã Cẩm Tâm đã khơi dậy được nguồn lực, sức dân cho nhiệm vụ kiến thiết, xây dựng quê hương.

Nhờ có cách làm hay, sáng tạo trong dân vận, vận dụng tốt quy chế dân chủ, tinh thần đoàn kết, sự góp sức của toàn thể nhân dân, con em đi làm ăn xa, doanh nghiệp… để cùng chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, xã Cẩm Tâm đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, hiện đang xây dựng xã NTM nâng cao.

Lãnh đạo huyện Cẩm Thủy trao bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM cho xã Cẩm Tâm.

Trước đó, để tạo bước phát triển toàn diện về diện mạo nông thôn, cuối năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cẩm Thủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025”. Cùng với việc đưa nhanh nghị quyết đi vào cuộc sống, huyện Cẩm Thủy xác định, phát huy và thực hiện tốt QCDC ở cơ sở chính là “chìa khóa” để khơi dậy sức dân trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM.

Theo báo cáo của huyện Cẩm Thủy, trong nửa nhiệm kỳ qua, tổng số vốn huy động xây dựng NTM là 5.540 tỷ đồng. Thông qua nguồn lực huy động được, huyện đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hệ thống đường giao thông, thủy lợi, công sở xã, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa theo hướng đồng bộ. Qua đó, phục vụ đắc lực, hiệu quả cho nhiệm vụ kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, Cẩm Thủy đã đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM; có 10/16 xã đạt chuẩn NTM; có 1 xã đạt chuẩn NTM cao.

Cẩm Tú lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới

Xã Cẩm Tú có 1.636 hộ dân, với 6.495 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Mường chiếm gần 52%. Năm 2015, Cẩm Tú vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, một trong những xã về đích NTM đầu tiên của huyện Cẩm Thủy. Với thành tích đó, Cẩm Tú tiếp tục được huyện Cẩm Thủy lựa chọn làm điểm về xây dựng NTM nâng cao.

Với nhiệm vụ mới này, Đảng ủy, UBND xã đã chủ động rà soát, đánh giá lại mức độ đạt chuẩn của từng tiêu chí để tập trung xây dựng kế hoạch thực hiện, phương án huy động nguồn lực một cách phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn công khai chủ trương, kế hoạch thực hiện xây dựng NTM nâng cao đến cán bộ, đảng viên và nhân dân được biết, được tham gia bàn bạc, đóng góp ý kiến, chọn phương án khả thi nhất để tổ chức thực hiện.

Mặt khác, cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm khơi dậy lòng dân, sức dân trong thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, nhất là việc đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã Cẩm Tú đã huy động được gần 370 tỷ đồng cho xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, ngân sách Trung ương và tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ là 40 tỷ đồng; ngân sách huyện khoảng 8,4 tỷ đồng; ngân sách xã 19,4 tỷ đồng; vốn lồng ghép 5,8 tỷ đồng; doanh nghiệp 13,42 tỷ đồng; nguồn lực đầu tư của nhân dân là chủ đạo với hơn 287 tỷ đồng.

Giáo dục là lĩnh vực đang được huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) quan tâm đặc biệt.

Từ nguồn vốn huy động, xã đã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông thôn. Minh chứng rõ nét là toàn xã đã nhựa hóa, bê tông hóa được 35km đường giao thông; bê tông và cứng hóa 34km đường trục chính nội đồng. 8/8 thôn của xã Cẩm Tú đều có nhà văn hóa khang trang, với quy mô xây dựng từ trên 120 chỗ ngồi, được trang bị cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của nhân dân. Khu thể thao các thôn cũng được quy hoạch xây dựng với diện tích từ 960m2 đến 1.610m2 và có đầy đủ các dụng cụ tập luyện thể dục, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Từ lòng dân, sức dân, đến đầu năm 2023, Cẩm Tú đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phong trào thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe ở huyện Cẩm Thủy luôn được chú trọng.

Vừa qua, tại thôn Cẩm Hoa, xã Cẩm Tú đã ra mắt mô hình Khu dân cư “Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” gắn với  xây dựng NTM nâng cao. Thôn Cẩm Hoa có 212 hộ với 865 nhân khẩu. Đây là thôn được xã Cẩm Tú chỉ đạo xây dựng điểm để nhân rộng mô hình. Sau khi triển khai, Chi ủy, Ban công tác Mặt trận, Ban cán sự xóm đã tích cực huy động, phát huy mọi nguồn lực và sự đồng lòng ủng hộ của cải vật chất, ngày công của nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn dân. Cụ thể, từ nguồn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân xóm 1 đã xây dựng các tuyến đường điện sáng, đường cờ nông thôn của xóm 3,6km; vận động cán bộ nhân dân tích cực hưởng ứng ngày thứ bảy, chủ nhật xanh vì nông thôn mới (NTM) nâng cao; tổ chức tổng vệ sinh các tuyến đường, trồng hoa 2 bên lề đường. 

Phong trào thi đua nhà sạch, vườn đẹp ngõ văn minh đã được đông đảo các hộ gia đình chăm lo xây dựng từ nơi ăn, chốn ở đến nơi sinh hoạt hàng ngày, đời sống sạch sẽ khoa học, ngăn nắp tạo nề nếp sinh hoạt gia đình thuần phong mỹ tục, thường xuyên chăm sóc chỉnh trang vườn nhà theo hướng quy hoạch từ chuồng trại đến vườn rau…

Thanh Hóa: Hơn 7.000 cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện tỉnh Thanh Hóa có hơn 76.000 cán bộ, công chức, thì có tới 7.144 cán bộ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm 9,1%. Cán bộ có trình độ học vấn ngày càng cao, đang là thế mạnh để Thanh Hóa thực hiện thắng lợi lời dạy của Bác Hồ “trở nên tỉnh kiểu mẫu”.