Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cây làm giàu trên vùng đất ATK Định Hoá

07:07 09/09/2021 GMT+7

Vùng đất cách mạng An toàn khu (ATK) Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) năm xưa “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, thì ngày nay những cánh rừng: Mỡ, keo lại, bạch đàn… đặc biệt là khoảng 2.700ha quế đang giúp người dân ATK Định Hoá vươn lên làm giàu.

Cây quế đang sinh trưởng và phát triển tốt trên mảnh đất lịch sử cách mạng ATK Định Hoá.

Thu nhập đều hàng năm

Định Hóa là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với khoảng 34.400ha. Trong đó diện tích rừng sản xuất là 17.831ha. Từ nhiều năm nay, rừng được xác định là một tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế huyện.

Để phát triển kinh tế rừng, người dân huyện Định Hoá thường trồng các loại cây như: Mỡ, lim, lát, keo lai, bạch đàn… Nhưng những năm gần đây, cây quế đang được người dân tích cực trồng, cây đã đến kỳ cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Không giống như những loại cây khác trồng 1 lần thu hoạch 1 lần, quế là cây trồng khá đặc biệt. Người trồng quế từ năm thứ 5 trở đi có thể thu hoạch đều qua từng năm cho đến khi đạt 15-20 năm thì khai thác trắng thu hoạch toàn bộ. Tất cả những bộ phận của cây quế từ rễ, thân, vỏ đến những chiếc lá đều có giá trị sử dụng.

Quế là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, vỏ quế tươi được thu mua với giá 20.000-30.000 đồng/kg; thân cây gỗ quế 2,8 triệu đồng/m3 (cao gấp 1,5 lần so với gỗ keo). Vỏ cây quế thường được sử dụng làm thuốc, gia vị cho các món ăn hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm phong phú. Tinh dầu quế chiết xuất từ lá, vỏ quế là một trong những hương liệu sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp y dược, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, hương liệu. Ngoài ra, thân cây quế cũng là một loại gỗ rất tốt thường được sử dụng để chế tạo các đồ gia dụng.

Là người tiên phong trồng với 2ha quế ở huyện Định Hoá, ông Phạm Văn Giang (thôn Thâm Yên, xã Tân Thịnh) cho biết: Từ năm 2015 gia đình ông đã tham gia Dự án trồng quế của huyện Định Hoá. Sau 5 năm trồng đến năm 2019, gia đình đã bắt đầu cắt tỉa cành lá của một số cây to để bán, mỗi năm được 20 tấn, giá bán ổn định 1.500 đồng/kg, thu về 30 triệu đồng.

“Từ năm thứ 6 trở cây phát triển mạnh, nguồn thu từ cành, lá mỗi năm tăng nên thu nhập sẽ cao hơn. Ước tính nếu như để đến 15 năm khai thác toàn bộ sẽ cho thu hoạch khoảng 300 triệu đồng/ha, như vậy bình quân 1ha quế cho nhập 500 triệu trong vòng 15 năm. Kinh tế đem về sẽ hơn nhiều so với các loại cây trồng lâm nghiệp khác”, ông Giang cho biết.

Những vườn quế đang bắt đầu góp phần vào thay đổi cuộc sống cho người dân ATK Định Hoá.

Cây trồng chủ lực

Quế là cây trồng đã được người dân huyện Định Hoá đưa vào trồng theo dự án Định canh, định cư từ cuối những năm 1990, với diện tích khoảng 200ha. Trong quá trình trồng và khai thác hơn 30 năm qua, cây quế Định Hoá cho năng suất và chất lượng không kém gì cây quế vốn nổi tiếng ở tỉnh Yên Bái.

Ông Lý Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá cho biết: Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây quế, năm 2015, huyện Định Hoá đã triển khai thí điểm Dự án trồng xen cây quế vào diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất với diện tích khoảng 104ha tại 70 hộ dân ở 6 xã của huyện, gồm: Linh Thông, Quy Kỳ, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Bảo Linh và Phượng Tiến, kết quả mang lại rất khả quan.

Đến năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Định Hóa đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ/HU về đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực, mỗi năm huyện chỉ đạo thực hiện trồng trên 500ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000ha quế, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ các nhà máy trên địa bàn. Cây quế sẽ là cây trồng tích cực góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng ở Định Hoá lên 60% vào năm 2025…

Là đơn vị thực hiện triển khai Dự án trồng quế trên địa bàn huyện Định Hoá, ông Trần Minh Hà – Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa cho biết: Để giúp người dân hiểu và nắm được kiến thức trong phát triển cây quế, thời gian qua, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Định Hoá mở 220 lớp cho 10.648 lượt người. Vì vậy sau 5 năm triển khai thực hiện Dự án trồng quế trên địa bàn cho thấy, cơ bản các hộ dân đều trồng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống đạt trên 85% cây sinh trưởng phát triển tốt.

Giờ đây người dân huyện Định Hoá đã chủ động gieo ươm và phát triển cây quế. Trồng quế tuân thủ đúng khung thời vụ (vụ Xuân từ tháng 2 đến tháng 3, vụ Thu từ tháng 9 đến tháng 11). Kinh nghiệm để cây quế được trồng có tỷ lệ sống cao và sinh trưởng tốt ở các loại đất: Nhiều mùn, tơi xốp, đất đỏ vàng, đất vàng, đất có tầng đất dầy trên 50cm, đất phục hồi sau nương rẫy, còn cây bụi mọc rải rác.

Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện Định Hóa đã trích ngân sách trên 12 tỷ đồng để hỗ trợ người dân thực hiện Dự án trồng quế. Tập trung chủ yếu ở các xã: Kim Phượng, Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh, Tân Dương, Bảo Linh… Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác cành lá, tỉa thưa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Nông sản chủ lực của tỉnh Thái Nguyên

Tại Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên đã xác định sản phẩm quế là 1 trong số 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Mục tiêu đến 2025 diện tích quế sẽ đạt 6.500ha, giá trị đạt 2.762,5 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất đạt 425 triệu đồng/ha/chu kỳ (10 năm).

Theo ông Lý Văn Thắng, từ năm 2015 huyện Định Hóa đã có Dự án về phát triển cây quế và bước đầu đã đem lại hiệu quả, đến nay lại có thêm Đề án của tỉnh Thái Nguyên. Chắc chắn trong thời gian tới cây quế sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người dân khu ATK Định Hoá.

Để phát triển vùng quế Định Hóa một cách bền vững, UBND tỉnh và huyện đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh khuyến khích xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm từ cây quế; tư vấn, hỗ trợ, thu hút và khuyến khích nhiều các doanh nghiệp tham gia chế biến sâu các sản phẩm quế đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Gắn các chương trình phát triển cây quế với các Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, Chương trình xây dựng nông thôn mới…

Với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực, mỗi năm huyện chỉ đạo thực hiện trồng trên 500ha quế, phấn đấu đến năm 2030 toàn huyện trồng được 10.000ha quế, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ các nhà máy trên địa bàn. Cây quế sẽ là cây trồng tích cực góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ của rừng ở Định Hoá lên 60% vào năm 2025…

Hoàng Tính