Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp

08:19 19/02/2021 GMT+7

Để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại hóa, thích ứng với cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu việc cần làm lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện chuyển đổi số điều cần làm thúc đẩy hoạt động đào tạo nghề có ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xa hơn là nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông nghiệp.

Ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học trực tuyến trong các cơ sở GDNN (Dạy học ứng dụng chuyển đổi số trường CĐ Cơ điện Hà Nội).

Chuyển đổi số trong dạy nghề đóng vai trò quyết định

Hiện nay trong nông nghiệp đã ứng dụng khá nhiều chuyển đổi số. Từ việc sử dụng điện thoại thông minh trong quét, tìm kiếm nguồn gốc sản phẩm, cho tới việc ứng dụng robot máy bay không người lái phun thuốc; hay việc sử dụng công nghệ tưới và chăm sóc tự động trong trồng rau…

Chuyển đổi số không chỉ góp phần giảm sức lao động, tăng năng suất mà còn tăng giá trị cho nhiều sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển (Bộ NN&PTNN) cho rằng chuyển đổi số trong nhà nước khác với sản xuất kinh doanh, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp.

Để thực hiện chuyển đổi số, bắt buộc đơn vị phải có được công nghệ, thứ 2 là có mô hình quản trị tốt. Vì thế nếu không có hướng quản trị thì không thể chuyển đổi số.

“Đơn cử như để chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, từng hộ, từng nghề, từng HTX phải định hình được mô hình sản xuất kinh doanh. Từ đó, mới đưa công nghệ mới vào cuộc để chuyển đổi số”, ông Thịnh nói.

Các chuyên gia ngành Nông nghiệp cũng cảnh báo, không thể thực hiện chuyển đổi số trước khi hoàn thiện quy trình sản xuất hay nói cách khác là xây dựng mô hình quản trị. Nếu làm ngược thì quá trình chuyển đổi số thất bại. Muốn xây dựng mô hình quản trị đòi hỏi nhân lực phải được đào tạo, có khả năng tư duy quản trị tốt. Để làm được điều này nông dân của chúng ta cần được đào tạo nghề theo hướng hiện đại.

Mới đây trong Tọa đàm “Tăng cường xây dựng Kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp”, ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng thừa nhận chuyển đổi số là câu chuyện thời sự trong thời kỳ 4.0. Theo ông Trường nếu chúng ta không chủ động chuyển đổi thì tự nó cũng sẽ chuyển đổi. Bản thân lao động nông nghiệp đang chuyển đổi liên tục, người dân ai cũng có một chiếc smatphone. Nhiều nông dân ứng dụng máy móc trong sản xuất, buôn bán…

Ông Trường cũng chia sẻ, mới đây Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã đưa nội dung chuyển đổi số vào việc xây dựng các bộ kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp để tiến hành đào tạo. Trong Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia, tất cả lao động đều được quy định năng lực chuyển đổi số. Tùy từng công việc, từng lĩnh vực, mà trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho lao động nói chung và lao động nông nghiệp nói riêng. Đây sẽ là nhóm năng lực cơ bản trong kỹ năng của lao động.

“Vấn đề cốt lõi phải thực hiện chuyển đổi số trong GDNN ngay từ khâu đào tạo. Từ khi có dịch Covid-19, các cơ sở đào tạo đã nhận thức được tầm vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Chính vì thế nhiều trường đã nhanh tay chuyển đổi số ngay trong khâu đào tạo, giới thiệu việc làm”, ông Trường nói thêm.

Sử dụng máy bay trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Các trường phải làm ngay

Hiện nay Chính phủ đang đặt mục tiêu thực hiện chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống. Chính bởi vậy, GDNN trong đó có đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển đổi số cũng không thể nằm ngoài mục tiêu đó.

Ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho biết chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu được đặt ra trong các chương trình, đề án của Chính phủ. Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, chúng ta hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và doanh nghiệp công nghệ số. Trong các quan điểm thì đặt ra vấn đề con người là vấn đề trung tâm, con người ở đây bản chất là lực lượng lao động. Tổng cục trưởng cho rằng một trong những rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số chính là vấn đề nhận thức, một trong thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen.

“Trong Chỉ thị của Thủ tướng có đặt ra 2 đề án cần triển khai trong thời gian tới, đó là Đề án chuyển đổi số trong GDNN và Đề án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin trong lực lượng lao động. Phấn đấu hết năm 2020 phải có 70%, đến năm 2025 là 80%, đến năm 2030 là 90% lực lượng lao động được trang bị kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản. Và đây cũng là đáp ứng mục tiêu thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững” – ông Dũng nhắc lại.

Hiện nay để bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số, nhiều cơ sở đào tạo cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi. Trường Cao Đẳng Cơ điện Hà Nội là một ví dụ. Nhà trường tiếp tục hoàn thiện hệ thống phần cứng, phần mềm, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhằm chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ 4.0 vào nhà trường đảm bảo có giải pháp căn cơ đáp ứng cho hiện tại, và tương lai, phù hợp với phát triển số của Việt Nam và trên Thế giới.
Thực hiện chủ trương lớn này, ngay từ bây giờ nhiều cơ sở đào tạo đã thực hiện chuyển đổi số. Ông Đồng Văn Ngọc cho biết, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đang triển khai các chương trình đào tạo từ xa – tự học có hướng dẫn (đào tạo trực tuyến) trên cả nền tảng website và điện thoại di động; chương trình học, đăng ký nhập học hoàn toàn trực tuyến; song song với áp dụng hệ thống thông minh tích hợp công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).

“Hiện nay nhà trường đang tiến hành dự án phát triển hệ sinh thái thông minh với nguồn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để kết nối, chia sẻ, phản biện giữa nhà trường – sinh viên – nhà tuyển dụng… Đây là bước quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của trường này, từ khâu tuyển sinh tới cung cấp nhân lực cho doanh nghiệp”, ông Ngọc cho biết thêm.
Còn tại Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh, Trường cũng đã ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào đào tạo các ngành nuôi cấy con giống, nuôi trồng chế biến hải sản…

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thủy sản Bắc Ninh chia sẻ: “Mặc dù còn khó khăn, nhưng nhà trường quyết thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong đào tạo nghề. Mục tiêu phải nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động”.

”Thực hiện chuyển đổi số thành công không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề mà còn tăng năng suất lao động, chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp mà xa hơn là góp phần tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia”.
Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục GDNN)

Minh Anh