Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Có nên điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Minh Hoa - 07:18 07/11/2021 GMT+7
Thời tiết giao mùa là cơ hội để dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng. Trong điều kiện nhiều địa phương đang phải đối mặt với dịch Covid-19 thì câu hỏi của nhiều bệnh nhân lúc này là nếu bị sốt xuất huyết có nên điều trị tại nhà không?, nếu có thì điều trị thế nào?.
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không tự ý điều trị tại nhà.

Nguy cơ dịch chồng dịch 

Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Đặc biệt thời điểm giao mùa hiện nay, dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng, làm dấy lên nỗi lo “dịch chồng dịch”.

Trong giai đoạn thời tiết nắng mưa thất thường, là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với tốc độ lây lan nhanh chóng. Tất cả mọi người đều có thể bị mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có sức đề kháng kém.

Theo các chuyên gia y tế, giai đoạn từ nay đến hết tháng 1 năm sau là cao điểm của dịch sốt xuất huyết, với đỉnh dịch có thể xuất hiện trong tháng 11 và 12. Cộng với dịch Covid-19 đang hoành hành, tiềm ẩn nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm 2021, cả nước ghi nhận tích lũy hơn 25.000 trường hợp sốt xuất huyết và có xu hướng gia tăng mùa cuối năm. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, để tránh chồng chéo dịch bệnh, vừa phòng dịch Covid-19 vừa phòng sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dọn dẹp sạch sẽ nơi mình làm việc, sinh sống từ trong nhà ra xung quanh nhà, tránh ao tù nước đọng làm nơi muỗi đẻ trứng dẫn đến phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt, có thể thả cá để diệt lăng quăng. Nên sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày... để tránh muỗi đốt. 

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều địa phương đang có dịch Covid-19, người dân cần chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện sớm. Nếu thấy có dấu hiệu sốt cao, đau đầu... cần thông báo trước cho nhân viên y tế để được hướng dẫn trước khi đến khám tại các cơ sở y tế. Nhân viên y tế sẽ có tư vấn kịp thời cho bệnh nhân.

Tổ chức phun hóa chất các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội. Ảnh minh họa

Chỉ điều trị tại nhà với trường hợp được chỉ định 

Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM cho biết, cần phải nhận biết sớm, điều trị nhanh với bệnh nhân sốt xuất huyết. 

BS Tiến cho biết các triệu chứng thông thường của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao đột ngột lên 39 - 400C trong 2 ngày đầu. Bước sang ngày thứ 3 có thể xuất huyết ở những vùng da mỏng như da mặt, mặt trong cánh tay, vùng cổ... Các trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, các triệu chứng của sốt xuất huyết như sốt, đau mỏi cơ... rất dễ nhầm lẫn với Covid-19, hoặc cùng lúc trẻ có thể mắc cả 2 loại virus. Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, hiện Bệnh viện Nhi đồng thành phố đang tiếp nhận và điều trị cho hơn 5 trẻ vừa nhiễm Covid-19, vừa bị sốt xuất huyết.

“Với bệnh nhân có dấu hiệu sốt, đau đầu, cùng lúc phải làm 2 xét nghiệm mới xác định được 2 loại bệnh này vì chúng có biểu hiện tương đồng. Nếu trẻ nhiễm đồng thời Covid -19 và sốt xuất huyết thì quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều. Phải vừa điều trị Covid-19, vừa theo dõi tình trạng bệnh của sốt xuất huyết để kịp thời truyền dịch chống sốc nếu diễn biến nặng”, BS Tiến cho hay.

TS.BS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời điểm hiện tại đang là đỉnh dịch của bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân chỉ điều trị tại nhà khi có chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý điều trị. 

Bác sĩ Cường cũng đã chỉ ra những sai lầm khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà người dân cần tránh. Đó là tự ý sử dụng thuốc hạ sốt và hạ sốt dồn dập. Do bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao.

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em.

Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm.

Người mắc sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc aspirin và ibuprofen, vì 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
“Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt có thành phần paracetamol, tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng trong 24 giờ”, TS.BS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo.

Bác sĩ Cường cũng cho biết bệnh sốt xuất huyết không có kháng thể miễn dịch đối với những người đã mắc bệnh. Do vậy, người từng mắc vẫn có thể mắc lại. Mỗi người có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người vì hiện nay có 4 tuýp virus sốt xuất huyết.

“Tất cả người dân đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người mắc sốt xuất huyết nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể, bổ sung đủ chất dinh dưỡng, ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước bù dịch”, bác sĩ Cường nói. 

Bên cạnh việc tránh những sai lầm trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân những việc cần làm khi bị sốt xuất huyết phải điều trị ở nhà. Đó là, trong những ngày đầu mắc bệnh, chỉ cần uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù dịch hay truyền nếu có chỉ định của bác sĩ.

Nếu người bệnh được chẩn đoán sốt xuất huyết thì cần được làm các xét nghiệm công thức máu, tiểu cầu hằng ngày để bác sĩ có thể đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị, tránh tình trạng người bệnh phải vào viện quá muộn, gây những biến chứng đáng tiếc. 

”Người bệnh tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng với với bệnh sốt xuất huyết, dùng kháng sinh không khỏi bệnh”. 
TS.BS. Đỗ Duy Cường - Trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai.