Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Củng cố chất lượng nông thôn mới theo chiều sâu

Trọng Binh - 07:05 01/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và nông thôn kiểu mẫu là tiếp tục giữ vững và củng cố các tiêu chí NTM theo chiều sâu. Tới nay, trên cả nước đã có nhiều địa phương hoàn thành các tiêu chí nâng cao và kiểu mẫu tuy nhiên nhiều nơi cũng đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Tìm giải pháp để nhân rộng và lan tỏa cách làm NTM nâng cao, kiểu mẫu hiệu quả càng trở nên cấp thiết.
Tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo vẫn là mục tiêu quan trọng trong xây dựng NTM.

Phát triển theo hướng toàn diện, bền vững

Nhìn lại hành trình 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đã đạt được những kết quả quan trọng, được Đảng và Nhà nước đánh giá là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Đến hết năm 2020, Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu. Đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam) đã được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Theo Bộ NN&PTNT, xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 phải phát triển ở một tầng cao mới, theo hướng toàn diện, bền vững, gắn với tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; tiếp tục xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu đối với các xã, huyện, tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; Phấn đấu cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí nông thôn mới do UBND cấp tỉnh quy định.

Diện mạo huyện Gia Bình (Bắc Ninh) ngày càng khang trang từ khi triển khai xây dựng NTM.

Nỗ lực làm và vượt khó

Tại huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh), kể từ khi được công nhận đạt chuẩn, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, các xã NTM tập trung tuyên truyền và huy động các nguồn lực cùng chung tay xây dựng NTM nâng cao.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Gia Bình phấn đấu có 9/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó 3-4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ông Nguyễn Khắc Đạm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để thực hiện chương trình xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, Gia Bình tập trung nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn theo chuẩn NTM nâng cao ở tất cả các xã.

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, xã Đại Lai (huyện Gia Bình) vẫn nỗ lực triển khai xây dựng NTM nâng cao. Đến nay, bộ mặt NTM có nhiều khởi sắc. Những con đường liên thôn, liên xóm được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, những ngôi nhà khang trang điểm tô 2 bên đường minh chứng rõ về đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 57 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,88%.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với sự chung tay góp sức, đoàn kết nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, đến nay Đại Lai cơ bản đạt 19/19 tiêu chí NTM nâng cao”.

Bên cạnh những điểm sáng, việc triển khai xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu tại một số địa phương vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là ở những địa bàn khó khăn, miền núi.

Là địa phương cán đích NTM sớm, năm 2021, xã Hồ Sơn (huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) được lựa chọn xây dựng xã NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Qua rà soát, đến nay, xã còn 3/5 tiêu chí chưa đạt gồm: Phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; hạ tầng kinh tế - xã hội và vệ sinh môi trường. Theo ông Lưu Văn Minh - Chủ tịch UBND xã: Trong 3 tiêu chí chưa đạt, còn 6 tiêu chí thành phần đang khó khăn với địa phương.

Còn tại xã Thái Hòa (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cũng đang gặp khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, thôn dân cư kiểu mẫu. Hiện toàn xã còn 6 hạng mục tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông, môi trường, phát triển sản xuất, đào tạo việc làm, thu nhập và văn hóa. 

Theo ông Hà Cương Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã, Thái Hòa thuộc khu vực miền núi nên nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM của địa phương rất lớn. Tuy nhiên, việc huy động nguồn xã hội hóa rất khó khăn. Hai tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa và môi trường cũng đang là khó khăn lớn đối với địa phương.

Gỡ khó và lan tỏa

Bên cạnh những thành tựu từ Chương trình xây dựng NTM, Chính phủ cũng nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả NTM giữa các địa phương, giữa các vùng, miền; tư duy ngành Nông nghiệp và người dân còn chú trọng tăng quy mô, sản lượng trong sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến tiêu chí môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…

Đề xuất tiếp tục đầu tư Chương trình giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tập trung nguyên tắc “NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững…

“Chương trình cũng chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Ngày 11/10/2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

Tại Nghị quyết số 25/2021/QH15, Quốc hội quyết nghị ngân sách nhà nước bố trí cho Chương trình tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỷ đồng (bao gồm: vốn đầu tư phát triển: 30.000 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 9.632 tỷ đồng); Vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỷ đồng.

Với hành lang pháp lý, cùng sự vào cuộc nỗ lực của cả hệ thống chính trị sẽ là động lực để Chương trình xây dựng NTM tiếp tục nâng cao chất lượng và lan tỏa. Những vùng nông thôn không chỉ hoàn thiện về cơ sở hạ tầng mà còn là nơi đáng sống với môi trường trong lành, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. 

Giai đoạn 2021-2025, Chính phủ tập trung nguyên tắc “NTM là nền tảng, cơ cấu lại nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”, ngoài việc cơ bản tiếp tục các nhóm nhiệm vụ của giai đoạn trước, Chương trình tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện để đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững…

TỪ KHÓA #nông thôn mới