Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cuộc cách mạng về nông nghiệp tự nhiên

20:03 22/02/2018 GMT+7

Nông nghiệp hữu cơ chính là cuộc cách mạng về nông nghiệp tự nhiên, một nền nông nghiệp thuần khiết mà những nhà đầu tư nông nghiệp sạch và xanh ở Việt Nam cần hướng đến.

Có lẽ nên dẫn lại lời của ông Masanobu Fukuoka – một nông dân Nhật nổi tiếng trên thế giới, người đã đạt được cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ trong nông nghiệp tự nhiên hay nông nghiệp hữu cơ. Ông là tác giả cuốn sách đã được dịch sang hơn 20 thứ tiếng “Cuộc cách mạng một cọng rơm”: “Tôi tin rằng chỉ một cọng rơm cũng có thể làm nên một cuộc cách mạng. Thoạt nhìn, cọng rơm có vẻ mong manh và không đáng kể gì. Khó có ai tin rằng nó khơi nguồn cho một cuộc cách mạng. Nhưng tôi đã đi đến chỗ nhận ra được sức nặng và quyền năng của cọng rơm này. Đối với tôi, cuộc cách mạng này rất thực!”.

Học hỏi triết lý của người Nhật 

Ông Fukuoka chia sẻ trong cuốn sách về quá trình thực hành làm nông nghiệp tự nhiên đượm tinh thần vô vi, mang đậm tính triết học. Ở đó, ông đã trả cho đất đai sự sống tự nhiên vốn có của nó, chứ không phải để đất đai phục vụ tham vọng của con người.

“Cuộc cách mạng một cọng rơm” mà ông Fukuoka chia sẻ cũng chính là cuộc cách mạng về nông nghiệp tự nhiên, một nền nông nghiệp thuần khiết. Điều này đã lan tỏa và truyền cảm hứng cho không ít chủ doanh nghiệp Việt Nam hướng đến một lối sống tự nhiên khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch và xanh.

Những bài học trước đây về phát triển nông nghiệp của chính nước Nhật trong thập niên 1960 – 1970 đã khiến họ phải nhìn nhận lại vai trò của nông nghiệp hữu cơ đối với đời sống con người, vật nuôi và môi trường sinh thái. Không chỉ nước Nhật, nông nghiệp hữu cơ đến nay đã thực sự giữ một vai trò trung tâm trong chính sách nông nghiệp và môi trường quốc gia của hầu hết các nước.

Nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta muốn cổ súy cho Việt Nam hôm nay không phải là nông nghiệp hữu cơ thời hoang sơ, mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm.

Khi đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Đại Thắng, chủ trang trại hữu cơ Bảo Châu (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, được mệnh danh là trang trại chăn nuôi hữu cơ đầu tiên và sạch nhất Việt Nam) đã xem những lời cảnh giới của ông Fukuoka như “ngôi sao chỉ đường” trên con đường làm nông nghiệp hữu cơ của mình.

Như chia sẻ của ông Thắng, vật nuôi được sống trong môi trường sạch sẽ và gần với điều kiện sống tự nhiên của chúng, nên khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh và sạch bệnh. Quan trọng hơn là thức ăn cho vật nuôi do chính trang trại này tự chế biến theo phương pháp lên men vi sinh hữu hiệu từ những nguồn nguyên liệu như cám gạo, ngô, đậu tương… hoàn toàn tự nhiên và được kiểm soát.

Hướng đi của trang trại này là một trong những điển hình của nền nông nghiệp hữu cơ Việt hiện nay. Nhưng phải hiểu, nền nông nghiệp truyền thống vốn dĩ đã là một nền nông nghiệp hữu cơ. Còn hiện nay, nông nghiệp hữu cơ hiện đại phải được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn hẳn nền nông nghiệp GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).

Hãy để đất mẹ thiên nhiên che chở 

Nông nghiệp hữu cơ theo định nghĩa của Liên Hợp quốc là “hệ thống canh tác và chăn nuôi tự nhiên, không sử dụng hóa chất làm phân bón và thuốc trừ sâu, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người và vật nuôi”. Ở các nước trên thế giới, nông dân từ lâu đã trồng trọt theo phương thức hữu cơ, trong khi đó, canh tác hữu cơ theo hiểu biết quốc tế lại khá mới đối với Việt Nam. Thậm chí, số diện tích đất canh tác hữu cơ dường như còn khá khiêm tốn.

Một trang trại chăn nuôi hữu cơ ở Đà Lạt (Lâm Đồng)

Theo Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL), năm 2017, Việt Nam có 76.666ha đất canh tác hữu cơ (chiếm khoảng 0,7% diện tích đất nông nghiệp).

Ts. Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT tại Australia) cho rằng việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta muốn cổ súy cho Việt Nam hôm nay không phải là nông nghiệp hữu cơ thời hoang sơ, mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và quan tâm. Để có một nền nông nghiệp hữu cơ như vậy, Australia là một ví dụ đáng để Việt Nam tham khảo. Lấy chính sách xuất khẩu và nông nghiệp sạch và xanh “clean & green agriculture” làm động lực phát triển, nông nghiệp hữu cơ Australia đã xây dựng một quy trình sản xuất tốt mang tính quốc tế.

Quan trọng hơn, hệ thống kiểm tra của Australia mà Việt Nam cần học hỏi chính là ở sự nghiêm khắc cực cao, minh bạch và hiệu quả. Nhờ vậy, sản phẩm hữu cơ Australia là một trong những mặt hàng uy tín, được tin cậy nhất thế giới.

Mặc dù chuỗi giá trị nông nghiệp hữu cơ Australia trên thực tế chưa phải lúc nào cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn khác nhau của các nước nhập khẩu, nhưng nền nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cần học hỏi ở việc họ luôn bảo đảm an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng.

Ngành hữu cơ Australia luôn điều chỉnh qua từng thời kỳ, trong đó sự hỗ trợ tối đa về mặt kỹ thuật, quy trình và pháp lý của Bộ Nông nghiệp và địa phương là vô cùng quan trọng.

Thay lời kết, xin nhắc lại lời ví von của một vị chủ doanh nghiệp Việt khi làm nông nghiệp hữu cơ từ nguồn cảm hứng “cách mạng cọng rơm”: “Con người được sinh ra từ đất mẹ thiên nhiên và hãy để đất mẹ thiên nhiên che chở cho chúng ta. Chúng ta hãy cùng làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn! Hãy làm hết sức mình để bảo vệ tự nhiên, bảo vệ sức khoẻ và cùng lan tỏa ý nghĩa đó cho tất cả mọi người”.

Thế Vinh