Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Du lịch canh nông: Hướng đi phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Tâm Nguyễn - 07:32 13/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Hiện tại nhiều địa phương trên cả nước, các mô hình du lịch canh nông đang thu hút phần lớn người lao động, qua đó giúp tăng thu nhập cho người dân, từng bước thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là tại một số tỉnh, thành, nông dân vẫn chưa biết làm du lịch canh nông đúng cách. Vấn đề đầu tư nguồn nhân lực hướng tới phát triển du lịch canh nông đang được dư luận hết sức quan tâm.

Nông dân đổi đời nhờ làm du lịch

 Vốn là một nông dân chỉ quen với cây lúa, cây ngô, trở thành bà chủ của một homestay huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, chị Hoàng Thị Phượng đã phải tự mình loay hoay thiết kế nơi ở, thực đơn cho đến các tour  tuyến trải nghiệm. Tuy nhiên, với chị khó khăn nhất vẫn là đào tạo nhân viên có kiến thức để làm du lịch, biết cách giao tiếp ứng xử, nắm bắt được tâm lý du khách là muốn trải nghiệm những nét đẹp độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân bản địa. Đây là điều không hề dễ dàng, đặc biệt là với một huyện vùng cao như Nghĩa Lộ. Chị Phượng cho biết, để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, gia đình chúng tôi đã tích cực học hỏi về chuyên môn, phòng, bàn, học chữ Thái cổ, học hát, học múa. Các cháu cũng tích cực học hỏi về công nghệ, quảng bá sản phẩm của gia đình đến với khách trên mọi miền đất nước.

Phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã  đẩy mạnh phát triển du lịch canh nông. Ví dụ hiện nay, ở Yên Bái, đã xuất hiện các điểm đến đặc trưng thuộc loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, hấp dẫn, được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm như: Du lịch tham quan vườn bưởi, vườn cây ăn trái; trải nghiệm sống và tham gia các hoạt động lao động sản xuất cùng với người dân; tham quan và trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống; thưởng thức những món ăn đặc trưng gắn liền với cây chè, cây dược liệu; lễ hội hoa tớ dày, hoa sơn tra; trải nghiệm "Một ngày làm nông dân” ở ruộng bậc thang Mù Cang Chải…

 Bên cạnh các chính sách của Trung ương, Yên Bái đã ban hành các cơ chế chính sách linh hoạt và định hướng mang tính dài hơi, chiến lược, kết hợp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch canh nông như: Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy hải sản tỉnh Yên Bái; xây dựng các giải pháp trong các đề án, chính sách, kế hoạch...

Với thế mạnh cả về cảnh quan thiên nhiên và truyền thống văn hóa độc đáo, Y Tý được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt xây dựng "Đô thị du lịch Y Tý"". Du lịch ở Y Tý tuy mới chỉ manh nha phát triển, nhưng với tiềm năng sẵn có, hứa hẹn đây sẽ là một trong những hướng đi để người dân địa phương làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Trong thời gian qua, các hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay đã được trang bị các kiến thức cơ bản như cung cấp thông tin tổng quan về du lịch cộng đồng, tập huấn kiến thức chuyên môn về các kỹ năng cơ bản về tiếp đón, phục vụ du khách cũng như văn hóa giao tiếp ứng xử. Các mô hình phát triển du lịch ở Y Tý đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần. Để phát triển du lịch, chính quyền huyện Bát Xát đã tích cực truyền thông, đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy du lịch Y Tý. Cả 3 tuyến đường nối liền Y  Tý với trung tâm huyện đều được mở rộng và xây dựng. Trong thôn bản, những con đường đất đã được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp, vệ sinh. Không chỉ thay đổi cơ sở vật chất, du lịch cũng mang lại cơ hội làm kinh tế cho người dân địa phương. Hiện nay, toàn xã đã có 53 cơ sở làm dịch vụ lưu trú du lịch, số lao động trong lĩnh vực du lịch đạt hơn 1.000 người. Lượng khách thăm quan tới Y Tý tăng trung bình 30% mỗi năm, đem lại doanh thu gần 95 tỷ đồng cho địa phương.

Lâm Đồng là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm mô hình du lịch canh nông, kết hợp du lịch và sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, tổng nguồn vốn đầu tư cho các mô hình du lịch canh nông của Lâm Đồng khoảng 377 tỷ đồng, trên diện tích hơn 300ha. Trong đó, có 212ha đất nông nghiệp, 9ha đất xây dựng, còn lại là diện tích đất khác. 

Theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, mặc dù đang đối mặt với nhiều bất cập trong xây dựng và phát triển nhưng mô hình du lịch canh nông đã khẳng được hướng đi phù hợp và mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, giúp nâng cao giá trị tổng hợp của cả ngành Nông nghiệp và du lịch. Nhiều mô hình ở tỉnh cho thấy, giá trị của 1ha canh nông kết hợp với du lịch, đã cho thu nhập đến 5 tỷ đồng/ha/năm, gấp 2,5 lần so nông nghiệp thuần túy.

Nhiều việc phải làm để khai thác tốt tiềm năng

 Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hiện cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch canh nông đang hoạt động, tuy nhiên chỉ một số nhỏ người làm du lịch canh nông được đào tạo bài bản. Điều này đòi hỏi các địa phương cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch canh nông, đặc biệt trong bối cảnh 4.0 như hiện nay, đội ngũ làm du lịch canh nông cũng phải  am hiểu về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ…

Lâm Đồng đang tập trung khuyến khích phát triển các dự án du lịch canh nông có quy mô lớn.

Theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ dừng ở việc cầm tay chỉ việc là chưa đủ, để phát triển nguồn nhân lực du lịch canh nông điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch bài bản, bồi dưỡng dài hạn trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ông Trần Nhật Lam- Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xây dựng một khung chương trình đào tạo cho cán bộ để  biết khai thác tiềm năng du lịch, cụ thể là phát huy vai trò của cán bộ thôn, trưởng thôn, các vị già làng trưởng bản… đây mới là điều kiện cần thiết để phát triển du lịch canh nông bền vững sau này. Hiện văn phòng Điều phối NTM Trung ương đang lấy ý kiến của các địa phương, đội ngũ chuyên gia để từng bước chuẩn hóa phát triển du lịch nông thôn. Đặc biệt công tác tuyên truyền cũng phải được đi trước một bước để giúp người dân hiểu du lịch là ngành nghề có lợi thế phát triển ở địa phương, đồng thời đem lại thu nhập ổn định và bền vững.

Chia sẻ tại hội nghị Phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông, diễn ra vào chiều 14/4 tại tỉnh Yên Bái, các đại biểu cho rằng, cần để người dân nhận thức được du lịch là một ngành nghề có lợi thế phát triển tại địa phương và nếu được đào tạo sẽ đem lại thu nhập tốt hơn, bền vững hơn mà không phải “ly nông”, “ly hương”. Định hướng cho lực lượng lao động nông thôn chủ động tham gia các hoạt động đào tạo du lịch, đặc biệt là tầng lớp thanh niên nông thôn tham gia các chương trình đào tạo nghề du lịch dài hạn tại các trường du lịch chuyên nghiệp sau đó quay trở về phục vụ hoạt động du lịch tại nơi họ sinh sống.

Nói về lợi ích của du lịch canh nông, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Thu nhập tăng là giá trị hữu hình, cái đích du lịch nông nghiệp hướng đến là những giá trị vô hình. Hồi sinh sức sống năng động của cộng đồng, là thay đổi hình ảnh nông nghiệp, nông thôn, là hướng đến những thế hệ làm nông mới có nhiều tri thức hơn, chuyên nghiệp hơn. Những điều tưởng chừng vô hình nhưng vẫn có thể “bán” được, “bán” giá cao, mà vẫn không bị mất đi”.

 

TỪ KHÓA #nông thôn mới