Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giáo dục đại học Việt Nam, cần cuộc đại phẫu thuật

00:32 30/03/2018 GMT+7

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, hiện chất lượng của lực lượng lao động được đào tạo trình độ đại học vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

Lực lượng lao động trình độ đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh internet.

Tại Hội thảo Tham vấn chiến lược giáo dục đại học do Ngân hàng thế giới phối hợp với  Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức ngày 29/3, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ ra thực tế, hiện Việt Nam thiếu các nghiên cứu khoa học có chất lượng quốc tế từ các cơ sở giáo dục đại học; Hạn chế về tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; Thiếu chính sách tạo động lực hiệu quả đối với đầu tư của xã hội, doanh nghiệp cho giáo dục đại học; Cơ chế tài chính cho giáo dục ở cấp quốc gia lẫn cấp cơ sở chưa hiệu quả và thiếu bền vững.

Những hạn chế này sẽ trở nên thách thức hơn khi Việt Nam tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra những thay đổi sâu sắc về cơ cấu ngành, nghề lao động và những yêu cầu mới về năng lực và kỹ năng của người học. Ngoài ra, công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản về mô hình đào tạo, phương thức dạy và học với sự phát triển của đào tạo mở trực tuyến. Đặc biệt, tự do thương mại, dịch vụ sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt về cung, cầu nguồn nhân lực bậc cao giữa các quốc gia, trước mắt là trong cộng đồng ASEAN.

“Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém mà giáo dục đại học Việt Nam đang gặp phải, trong đó, một nguyên nhân quan trọng là thiếu một chiến lược phát triển dài hạn và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục đại học của thế giới; một chiến lược được xây dựng trên cơ sở các nghiên cứu thực chứng, luận cứ khoa học vững chắc và đúc rút thực tiễn phát triển giáo dục đại học của các quốc gia trên thế giới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT xác định tầm nhìn hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam là có khả năng đáp ứng hiệu quả nhu cầu nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức; tiên phong và dẫn dắt quá trình đổi mới, sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước; hội nhập toàn diện với hệ thống giáo dục đại học thế giới, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh và sự thịnh vượng của quốc gia.

Với tầm nhìn đến năm 2035, Bộ GD&ĐT mong muốn xây dựng và triển khai Chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2021-2030 để hiện thực hóa tầm nhìn này. Theo đó, chiến lược đề ra: Tăng cường năng lực quản lý nhà nước và quản trị đại học; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường chất lượng và sự phù hợp của đào tạo và nghiên cứu khoa học; Đảm bảo tài chính bền vững cho giáo dục đại học; Tăng cường minh bạch thông tin, truyền thông.

ĐH