Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân An Giang đẩy mạnh triển khai Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao năm 2022

Thanh Bình - 07:11 06/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua, Tổ phòng chống lao Hội Nông dân tỉnh An Giang đã tổ chức triển khai các hoạt động của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022.

Tư vấn, chia sẻ và hỗ trợ điều trị 100% số người mắc bệnh lao điều trị lao

Các chỉ tiêu và hoạt động cụ thể của Dự án Quỹ toàn cầu Phòng chống lao tại An Giang trong năm 2022 bao gồm: 100% số hộ gia đình có bệnh nhân lao được truyền thông, tư vấn, hỗ trợ; các hộ nông dân cam kết phòng chống lao, tự giác đi khám bệnh và khi phát hiện ra bệnh lao điều trị lao theo DOTS; Phát hiện trên 80% số người nghi mắc lao, lao/HIV và đặc biệt là lao kháng đa thuốc trên địa bàn đi khám lao tại cơ sở y tế; Tư vấn, chia sẻ và hỗ trợ điều trị 100% số người mắc bệnh lao điều trị lao theo DOTS; người mắc lao, lao/HIV, lao kháng đa thuốc từ Trung tâm 05, 06 trở về; Không có bệnh nhân bỏ điều trị; Tư vấn, vận động và hỗ trợ trên 50% đối tượng nguy cơ lao tiềm ẩn đi khám, sàng lọc và điều trị tại các cơ sở y tế.

Dự án được triển khai tại 10 xã của 3 huyện 4 xã Cần Đăng, Bình Hòa, Vĩnh Hanh, Hòa Bình Thạnh của huyện Châu Thành; Huyện Phú Tân chọn 3 xã, gồm các xã Tân Trung, Tân Hòa, Bình Thạnh Đông; Huyện Thoại Sơn chọn 3 xã, gồm các xã Vĩnh Trạch, Định Thành, Định Mỹ).

Theo ông Lê Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Tổ trưởng Tổ phòng chống lao tỉnh, Dự án “Quỹ toàn cầu phòng chống lao trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2023” là cơ sở, động lực quan trọng giúp Hội Nông dân tỉnh tiếp tục thực hiện công tác phòng chống lao trong thời gian tới một cách hiệu quả, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 như mục tiêu Chính phủ đã cam kết với Tổ chức Y tế thế giới.

Thực hiện hoạt động của Dự án tại cơ sở, vừa qua, Hội Nông dân xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân) phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức đoàn đi thăm hỏi, động viên bệnh nhân bị bệnh Lao trên địa bàn 7 ấp của xã.

Đại diện Trạm y tế và Hội Nông dân xã (bên phải) đến thăm hỏi, động viên bệnh nhân lao.

Được biết hiện toàn xã đang quản lý tổng số là 15 bệnh nhân đang điều trị lao, 12 người có nguy cơ lao tiềm ẩn, qua thăm hỏi, động viên các bệnh nhân uống thuốc đúng theo phát đồ mà trạm Y tế xã hướng dẫn, động viên người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, quan tâm về chế độ dinh dưỡng, do đó sức khỏe các bệnh nhân cũng tiến triển rất tốt, do đa số bệnh nhân nằm trong độ tuổi lao động tự nuôi sống bản thân và gia đình nên ảnh hưởng đến thu nhập kinh tế gia đình.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phương - Chi hội trưởng ấp Bình Đông 2 tặng quà động viên bệnh nhân lao trong ấp.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã cũng đã động viên những thành viên trong gia đình thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân có nguy cơ lao tiềm ẩn đi xét nghiệm để kịp thời phát hiện điều trị sớm vì bệnh có khả năng lây nhanh và rộng. Những người mắc bệnh lao tiềm ẩn không truyền nhiễm và không có triệu chứng là do hệ thống miễn dịch của họ đang bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn.

Thăm hỏi, động viên người có nguy cơ tiềm ẩn lao ấp Bình Trung 2.

Để công tác phòng chống lao đạt được hiệu quả cao phải cần có sự chung sức của cả cộng đồng, trong đó cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu sâu hơn về tác hại của bệnh Lao, quan tâm chăm sóc bệnh nhân Lao, thay đổi phác đồ điều trị không còn phù hợp, quan tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho bệnh nhân lao, vì đa số những bệnh nhân này là lao động chính trong gia đình và có hoàn cảnh khó khăn, có như thế công tác phòng chống Lao trong thời gian tới mới đạt được hiệu quả cao.

Tăng cường truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình kết hợp phòng chống bệnh lao

Mới đây, Hội Nông dân huyện Phú Tân đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình và phòng chống bệnh lao cho hội viên, nông dân nhân Ngày gia đình Việt Nam. Chủ trì hội nghị có ông Lê Hùng Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang; Ông Trịnh Tuấn Ngọc - Phó Giám đốc Sở Tư pháp An Giang; Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thanh Hằng và trên 70 cán bộ, hội viên nông dân của 3 xã Tân Trung, Tân Hòa, bình Thạnh Đông tham dự.

Ông Trịnh Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp An Giang đã thông tin nội dung tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình tại hội nghị, bao gồm: Chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, quyền và nghĩa vụ của các thành viên gia đình; truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam; tác hại của bạo lực gia đình; biện pháp, mô hình, kinh nghiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình; kiến thức về hôn nhân gia đình; kỷ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa và các nội dung khác có liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình.

Bác sĩ chuyên khoa I Hồ Thị Thanh Hằng đã thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh lao và một số yêu tố liên quan đến sự lây lan của bệnh lao. Theo bác sĩ Hằng: “Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây nên. Vì vậy chúng ta cần tuân thủ các biện pháp phòng tránh như: kiểm soát vệ sinh môi trường, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh, thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân của người bệnh. Một điều đặc biệt lưu ý là bệnh lao do vi khuẩn gây ra, không phải là bệnh di truyền. Hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu tuân theo phác đồ điều trị của cơ sở y tế”.

Ông Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch Hội ND An Giang đến thăm, tặng quà cho hộ ông Nguyễn Văn Phú (ấp Mỹ Hóa 1).

Nhân dịp này, ông Lê Hùng Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang; bà Lư Thị Kim Thùy, Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh An Giang cùng với ông Phạm Văn Hồ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Tân đến thăm, tặng quà cho hộ ông Nguyễn Văn Phú (ấp Mỹ Hóa 1) đang điều trị bệnh lao được 4 tháng và ông Châu Văn Rở (ấp Vàm Nao) đang điều trị 5 tháng. Do các bệnh nhân đều thuộc diện khó khăn, Hội Nông dân tỉnh tặng cho mỗi hộ 10kg gạo và hỗ trợ 500.000 đồng tiền mặt để bệnh nhân có điều kiện dưỡng bệnh tốt hơn. Ông Lê Hùng Cường đã động viên, an ủi, chia sẻ với các bệnh nhân, tạo động lực, khích lệ tinh thần để họ cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm khỏi bệnh để có cuộc sống khỏe mạnh như trước đây.

 

Cà Mau: 100% dân số được tiếp cận chương trình chống Lao
Những năm qua, chương trình chống Lao của Cà Mau đã được triển khai rất hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi bệnh trên 95% trường hợp mắc. Theo thống kê từ chương trình chống Lao của tỉnh, hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm (khoảng 5-6%), số người tử vong vì bệnh Lao giảm nhanh hơn.