Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Khó và dễ trong xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP

Minh Tú - 07:08 07/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100 điểm của thang điểm. Việc xây dựng câu chuyện sản phẩm, tạo ra sự khác biệt không chỉ góp phần lôi cuốn khách hàng, mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Nhưng để xây dựng một câu chuyện sản phẩm thật lôi cuốn, ấn tượng với khách hàng là không hề dễ dàng.

Hiểu đúng về câu chuyện sản phẩm

Trước khi bắt đầu về câu chuyện sản phẩm, chúng ta cần phải hiểu đúng về OCOP, xin khẳng định, OCOP không phải là chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Hiểu đúng như vậy, thì người dân, cộng đồng và lãnh đạo địa phương đang cố gắng đạt tiêu chí sản phẩm OCOP sẽ có mục tiêu là không phải mang sản phẩm để đi thi, để nhận giải.

Bản chất của chương trình OCOP là một chương trình kinh tế, trong đó, người dân và cộng đồng sẽ là đối tượng thụ hưởng chính khi thương hiệu sản phẩm thành công, Do đó, một sản phẩm OCOP ra đời phải có thể có quy mô không lớn, nhưng nó phải độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, tính địa phương của cộng đồng làm ra sản phẩm.  

" Một cộng đồng một sản phẩm" - Bản chất của chương trình OCOP là một chương trình kinh tế

Trong hoàn cảnh hiện nay, các chủ thể tham gia Chương trình OCOP chủ yếu là hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn, nên không đủ tiềm lực để quảng cáo sản phẩm. Hơn nữa, sản phẩm làm ra không nhiều để đưa vào các kênh phân phối lớn nên phải khai thác, tiếp cận thị trường theo một cách khác, dựa vào sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. Và, câu chuyện sản phẩm chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

"Câu chuyện sản phẩm" là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua, nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm. Ví dụ như vùng đất cổ Sơn Tây có tới bốn đặc sản tiến vua là dơi Sài Sơn, cá chép Cấn Khánh, gà mía Đường Lâm và rau muống Linh Chiểu (nguồn gốc làng Linh Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Một bó rau muống thông thường chỉ có giá từ 5 nghìn đến 10 nghìn đồng, nhưng rau muống Linh Chiểu với câu chuyện “tiến vua” hiện nay có giá tới 100.000 đồng một bó và mua cũng không dễ.

Trong bộ Tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, câu chuyện sản phẩm chiếm 10/100. Và rõ ràng, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó.

Những câu chuyện sản phẩm thành công

Nói về đặc sản Hà Nội, dân Thủ đô có câu: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây”. Trong đó, sâm cầm là một loài chim cỡ trung bình, nặng 0,5-0,8 kg, thân bầu, to hơn con le le và nhỏ hơn con vịt trời. Sâm cầm một món ăn được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, một thời là vật phẩm tiến vua chỉ dòng dõi quý tộc mới được thưởng thức. Thịt sâm cầm với đặc tính thịt mềm, đỏ tươi, giàu đạm nên được coi là đại bổ và được nhiều thực khách săn đón. Sâm cầm rất thích hợp với người bị thiếu máu, người cao tuổi thể tạng suy yếu, phụ nữ mới sinh, trẻ em gầy còm suy dinh dưỡng.

Vua Tự Đức vào năm trị vì thứ 17 đã ban một chiếu chỉ riêng về loài chim này. Do nhà vua sức khỏe yếu, hiếm muộn nên vào năm 1864 đã ban chiếu, yêu cầu người dân trong cả nước, đặc biệt là vùng Nghi Tàm (Tây Hồ) cống nạp 10 đôi chim sâm cầm, được tuyển chọn kỹ lưỡng, vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm. Từ đó, Sâm cầm còn được gọi với tên món ăn của vua chúa.

Sâm cầm, một câu chuyện sản phẩm hấp dẫn nhờ yếu tố "Tiến Vua"

Ngày nay, Sâm cầm đã được nuôi tại một số trang trại phía Bắc nhưng giá cả vẫn rất cao. Giá sâm cầm mua trực tiếp tại một trang trại nổi tiếng ở Hà Nam là khoảng 1,2 triệu/ kg. Còn nếu thưởng thức tại một nhà hàng tại quận Thanh Xuân chuyên về sâm cầm giá lên tới 2 triệu đồng/kg. Rõ ràng, với câu chuyện sản phẩm “sâm cầm tiến Vua”, nhà hàng đó đã thu lợi rất lớn nhờ thực hiện theo mô hình Tháp Nhu cầu Maslow. Theo đó, nhà hàng có thể thỏa mãn được nhu cầu lớn nhất của khách hàng là “thể hiện bản thân”, được ăn món ăn của vua, được phục vụ như một vị vua ,,,

Tiếp theo là câu chuyện sản phẩm của du lịch Tuyên Quang khi đạt nhiều chứng nhận sản phẩm OCOP du lịch. Sản phẩm OCOP du lịch Homestay 99 ngọn núi đã đi trước với việc xây dựng câu chuyện truyền thuyết về chàng trai Tài Ngào gắn với chiếc Cọc Vài Phạ (cọc buộc trâu trời). Truyền thuyết kể lại rằng Tài Ngào là chàng trai to lớn, khỏe mạnh phi thường và rất có hiếu với mẹ già, có tình yêu thương dành cho bà con dân làng. Để rồi khi lớn lên Tài Ngào đã dùng sức khỏe phi thường của mình trị thủy, dâng nước giúp cho bà con tránh được hạn hán (truyền thuyết này trước đây có hay không thì người dân nơi đây cũng không khẳng định)

Lúc này, đi sau, Homestay Nà Muông không thể sử dụng một câu chuyện sản phẩm như sản phẩm OCOP trước đó, và Tổ hợp tác dịch vụ Homestay thôn Nà Muông đã sáng tạo ra một câu chuyện mới kể về những văn hóa đặc sắc của địa phương qua một nhạc cụ dân tộc cổ truyền, đàn tính, Đến với Nà Muông, du khách không những được tham quan các thắng cảnh nổi tiếng mà còn được đắm chìm trong một không gian văn hóa đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân tộc Thái. Thưởng thức những đêm văn nghệ đậm đà bản sắc người dân tộc Thái như những câu chuyện kể về con người và núi rừng Lâm Bình qua lời Then, lời Cọi, Páo dung, múa khèn... Ở địa phương hiện có tới 107 đội văn nghệ, 5 Câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Đặc biệt, ở một số thôn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn có từ 2 - 3 đội văn nghệ với 7 - 15 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Không gian văn hóa đặc sắc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người dân tộc Thái cũng là một câu chuyện sản phẩm thành công 

Có thể nói, giá trị văn hóa, lịch sử, những dấu ấn của địa phương trong sản phẩm... tưởng như vô hình, nhưng lại rất có giá trị làm nên thương hiệu sản phẩm. Do đó, để giúp chủ thể tham gia Chương trình OCOP sáng tạo ra những câu chuyện sản phẩm có ý nghĩa, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, cộng đồng cùng chung tay bảo tồn, phát triển sản phẩm đặc trưng; mở các lớp tập huấn, xây dựng bộ bài giảng cho từng nhóm đối tượng, từng nhóm sản phẩm; mở rộng mạng lưới tư vấn, nhất là các chuyên gia về văn hóa, mỹ thuật công nghiệp, công nghiệp chế biến khi tư vấn cho các chủ thể OCOP. Đặc biệt, cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ưu tiên tôn vinh các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện bản sắc địa phương.

Và chúng ta cũng cần lưu ý, nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 cũng đã lưu ý các địa phương khi tham gia chương trình đó là "không được làm theo phong trào, phải làm theo quy luật cung cầu; trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương."

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương”

Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023
(Tapchinongthonmoi.vn) Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang mới đây đã công bố Kế hoạch tổ chức Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Theo đó, Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18 đến 23-11-2023 tại trục đường Chiến Thắng Sông Lô, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).