Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng an toàn

07:16 16/10/2021 GMT+7

Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang thúc đẩy nghề nuôi thủy sản biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và quốc phòng, an ninh vùng biển, hải đảo. Qua đó, góp phần tích cực tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, tạo sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

Nuôi cá lồng bè trên biển tại xã Hòn Nghệ huyện Kiên Lương.

Hình thành vùng thủy sản quy mô lớn

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, từ nay đến năm 2022, tỉnh này sẽ đầu tư phát triển nuôi biển với hai ngành nghề chính là nuôi cá lồng bè và nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ theo hướng an toàn, hiệu quả. Từ đó, góp phần ổn định tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Trong những tháng còn lại của năm, tỉnh sẽ phát triển nuôi cá lồng bè trên biển 5.500 lồng với sản lượng dự kiến 5.200 tấn. Nuôi nhuyễn thể với diện tích 25.250ha và dự kiến sản lượng thu hoạch 71.700 tấn; 150ha ngọc trai với sản lượng 100.000 viên.

Năm 2022, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển nuôi cá lồng bè trên biển với 6.000 lồng, dự kiến sản lượng thu hoạch 9.300 tấn. Nuôi nhuyễn thể trên diện tích 25.560ha, dự kiến sản lượng thu hoạch 74.880 tấn và 250ha ngọc trai, sản lượng 150.000 viên. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng. Diện tích mặt nước nuôi lồng 7.000ha (nuôi trai ngọc 100ha), nuôi nhuyễn thể 24.000ha. Sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó nuôi lồng bè 29.870 tấn, nuôi nhuyễn thể 83.660 tấn và ngọc trai 260.000 viên. Giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút 18.510 lao động vào lĩnh vực nuôi biển.

Về nuôi cá lồng bè trên biển, tỉnh Kiên Giang sẽ phát triển theo hướng tập trung, liên kết sản xuất bền vững tại các xã như Hòn Nghệ (Kiên Lương), Lại Sơn (Kiên Hải), Tiên Hải (TP. Hà Tiên) và Gành Dầu (TP. Phú Quốc) với các giống chất lượng cao như: Cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng Mỹ, cá chim vây vàng, cá chẽm… Tỉnh cũng sẽ nuôi nhuyễn thể tập trung ở các vùng bãi triều dọc theo bờ biển ở các huyện gồm Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên và An Minh, với các đối tượng nuôi như hến biển, sò huyết, sò lông, vẹm xanh, nghêu lụa. Còn nuôi ngọc trai ở Phú Quốc.

Tỉnh khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý, có hiệu quả mặt nước nuôi biển nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của cộng đồng cư dân ven biển, hải đảo, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, ảnh hưởng môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Đồng thời, phát triển nuôi biển của tỉnh Kiên Giang thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang nuôi biển công nghiệp, quy mô lớn với công nghệ hiện đại, phát triển bền vững.

Mô hình nuôi cá bớp ở xã Thổ Châu cho hiệu quả kinh tế cao.

Chú trọng liên kết bền vững

Xã đảo Thổ Châu (thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) từ 20 năm nay, nghề nuôi cá lồng bè đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Với lợi thế nguồn nước biển địa phương sạch, trong, người dân đã triển khai làm lồng bè nuôi các loài cá như bớp, mú… Hiện, địa phương có 46 hộ nuôi cá lồng bè với diện tích mặt nước khoảng 3ha.
Để ổn định đầu ra của nghề nuôi lồng bè nơi đây, địa phương đang xúc tiến thành lập hợp tác xã để người dân làm nghề nuôi cá lồng bè ở Thổ Châu có nguồn đầu ra đảm bảo, ổn định lợi nhuận, cải thiện đời sống gia đình, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Ông Nguyễn Thái Thông – Chủ tịch Hội ND xã Thổ Châu cho biết, bước đầu xã thành lập được một tổ hợp tác nuôi cá lồng bè với 5 hộ tham gia. UBND xã và Hội ND hiện xúc tiến thành lập hợp tác xã để tăng cường liên kết, giúp nghề nuôi cá lồng bè Thổ Châu có đầu ra ổn định.

“Trong thời gian chưa thành lập được hợp tác xã, địa phương có thể thành lập thêm tổ hợp tác, tạo điều kiện cho người dân vay vốn trước mắt. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đang xúc tiến làm hồ sơ cho vay một số hộ nuôi trồng cá lồng bè, khoảng 50 triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, Hội ND xã Thổ Châu cũng đề nghị với Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc tạo điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, cách thức chăm sóc, phòng, chữa bệnh cá bớp cho người dân” – ông Thông cho hay.

Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết, hình thành vùng nuôi quy mô lớn và đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ là hướng chủ đạo để phát triển bền vững nghề nuôi biển ở Kiên Giang. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp về đất đai, mặt nước nuôi biển, cơ chế chính sách để đẩy mạnh sản xuất thu hút các nhà đầu tư vào nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, các chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi thủy sản và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng các hình thức liên kết, hợp tác giữa sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trong phát triển nuôi biển; đảm bảo an toàn dịch bệnh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học. Về phía các ngành chức năng cũng linh hoạt trong việc phối hợp với các huyện, thành phố có nuôi biển tập huấn, tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện các quy định về cấp phép nuôi biển, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi lồng bè theo quy định.

Tỉnh chú trọng công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng bè, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ cho tổ chức và hộ dân nuôi biển; xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh trong vùng nuôi biển đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn nuôi cá lồng bè theo mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về vật liệu mới như: Kết cấu lồng bè bằng nhựa, lồng lưới chịu lực; sử dụng thiết bị máy móc phụ trợ, chiếu sáng trên bè bằng năng lượng mặt trời; liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao, sử dụng thức ăn công nghiệp thay thế cho thức ăn cá mồi, cá tạp.

Công tác kiểm dịch giống thủy sản nuôi biển cũng được tỉnh tăng cường. Theo đó, Kiên Giang sẽ tổ chức giám sát chủ động dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản nuôi biển. Điều này nhằm kịp thời phát hiện, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trị, xử lý dịch bệnh. Đồng thời, nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, biện pháp phòng tránh một số hiện tượng gây hại cá nuôi lồng bè nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh, nâng cao hiệu suất vùng nuôi.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang có 7.500 lồng nuôi biển, trong đó nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, nuôi thủy sản khác 900 lồng. Giá trị sản xuất đạt 7.546 tỷ đồng, thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển 18.510 người.
Theo Sở NN&PTNT Kiên Giang.

Huy Hải