Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kỹ năng nghề giúp gia tăng năng suất, chuỗi giá trị nông nghiệp

14:23 14/02/2021 GMT+7

Xây dựng bộ kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao kỹ năng cho lao động nông nghiệp mà còn giúp nâng cao chuỗi giá trị nông nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa.

Lao động chế biến thủy sản.

Đôi bên đều cần kỹ năng

Nói về việc trang bị kỹ năng nghề cho lao động, chuyên gia lao động việc làm cho rằng đây là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Không chỉ doanh nghiệp, bản thân người lao động cũng mong muốn được tăng cường kỹ năng cho người lao động.

Công ty TNHH MTV Long Mạnh là một trong những Công ty lớn đầu tư sản xuất tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao ở huyện Hòa Bình tỉnh Bạc Liêu. Từ nhiều năm nay, Công ty đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến nhất vào nuôi trồng tôm siêu thâm canh. Tổng diện tích nuôi trồng của công ty lên tới hơn 15 héc ta. Việc áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, công ty đòi hỏi người lao động cần phải có những kỹ năng nhất định.

Anh Võ Công Thân, lao động làm việc Công ty TNHH MTV Long Mạnh chia sẻ, để làm tốt công việc của mình, anh phải tham gia lớp học sơ cấp về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng.

“Theo tôi thấy, lao động qua đào tạo nắm được quy trình chăn nuôi nhanh hơn. Tôi cho rằng nông dân nên tham gia lớp học nuôi trồng thủy sản để có thể nắm rõ quy trình nuôi, hiểu được bệnh về con tôm”, anh Thân chia sẻ.
Ông Long Văn Nghĩa – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh cho biết, trước đây 1 hộ nuôi 1.000m2 cần 4 lao động, nay chỉ cần 1-2 lao động. Tuy nhiên, lao động trong nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đòi hỏi khắt khe hơn, và để đáp ứng, người lao động cần phải qua đào tạo kỹ càng.

“Thứ nhất, lao động phải qua trường lớp; Thứ hai, là lao động phải có ý thức; Thứ ba, là phải có kỹ năng. Lao động hội tụ đủ 3 yếu tố đó sẽ làm rất tốt công việc và mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTBXH) cho rằng trình độ của người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Vì nhiều nghề công nghệ giản đơn, yêu cầu các kĩ năng giản đơn nên người lao động ít được quan tâm, bản thân họ cũng không có động lực trong việc trau dồi kỹ năng nghề, việc đào tạo cho họ còn chưa được chú trọng. Có khoảng 34,5% người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp là lao động giản đơn.

“Tuy nhiên, có thể thấy, người lao động và chủ doanh nghiệp đều mong muốn được phát triển kỹ năng của mình. Người lao động cần phải trang bị, cập nhật kỹ năng liên tục. Kỹ năng nào thiếu, cần, thì chúng ta cần bám vào thị trường, xu thế phát triển của khoa học công nghệ, khảo sát điều tra liên tục, thì mới có thể nói chính xác được”, ông Trường nói.

Ông Trường cũng nói thêm hiện nay, trên thế giới đã có những trang trại thông minh, trang trại số ứng dụng công nghệ cao, giúp người nông dân áp dụng khoa học hiện đại vào sản xuất. Vì thế ngoài những kỹ năng truyền thống mà người nông dân đang sử dụng khi canh tác, họ cần liên tục cập nhật những kỹ thuật mới, kỹ năng mới để phát triển năng lực của mình, phát triển khả năng canh tác cũng như chất lượng sản phẩm.

Kỹ năng quyết định tiêu chuẩn sản phẩm

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác phát triển (Bộ NN&PTNT) cho rằng việc đào tạo kĩ năng nghề có thể chia làm 2 loại: Một là, đào tạo nghề (lâu dài, có bằng cấp); hai là, tập huấn, huấn luyện (ngắn hạn), bổ sung nâng cao kĩ năng cho những người trực tiếp tham gia, thay đổi năng suất nông nghiệp trong phạm vi hẹp.

“Đặc biệt, bộ kĩ năng nghề nông nghiệp cần đáp ứng 4 vấn đề: Nâng cao kĩ năng nghề để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế; Đào tạo những lao động làm việc mang tính chất đặc thù. Thí dụ những người sử dụng thuốc trừ sâu, từ xưa đến nay họ chưa được tập huấn bài bản để đảm bảo sức khỏe cho lao động, bảo vệ môi trường; Đào tạo kĩ năng nghề cũng cần chú trọng tới những biến đổi trên thế giới như xu thế biến đổi khí hậu; Đào tạo những người quản trị nông nghiệp. Một giám đốc kinh doanh có thể học kinh tế, nhưng một giám đốc kinh doanh nông nghiệp cần phải có chuyên môn bên cạnh quản trị”, ông Thịnh nói.

Bày tỏ quan điểm trước những vấn đề trên PGS.TS Nguyễn Thị Thuận, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng không chỉ nông dân, doanh nghiệp, HTX đều có nguyện vọng được đào tạo kỹ năng nghề. Kỹ năng nghề mang lại rất nhiều lợi ích cho các bên có liên quan các trường, cơ sở đào tạo và người lao động. Vì thế ban hành kỹ năng nghề sẽ góp phần định hướng cho các cơ sở đào tạo và nhiều doanh nghiệp biết được các kỹ năng cần thiết để áp dụng vào thực tiễn góp phần tăng chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.

Nông nghiệp ngày nay không phải như xưa nữa, có nhiều vấn đề cần quan tâm: Ví dụ như đất như thế nào, nước thế nào, hóa chất bảo vệ ra sao?…

“Phương pháp thực hiện các biện pháp sản xuất trong nông nghiệp lâu nay thường cha truyền con nối. Trước kia chỉ đủ lương thực để ăn, giờ phải nghĩ đến chất lượng sản phẩm để tăng giá trị sản phẩm đó”, bà Thuận nói.
Dẫn chứng cho vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận cho ví dụ về giá tiền gạo ST25 cao gấp nhiều lần gạo chúng ta thường sản xuất. Điều đó cho thấy kỹ năng nghề rất quan trọng. Từ kỹ năng để đo đạc đất đã đủ tiêu chuẩn chưa để ra gạo an toàn, ngon, dẻo đều xuất phát từ kỹ năng. Kỹ năng đó đều kéo nhiều yếu tố đi theo đấy là công nghệ mới, máy móc thiết bị mới. “Tôi thấy rằng hiện nay bà con trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu nhiều về công nghệ, máy móc thiết bị. Vì thế cũng cần tăng đào tạo kỹ năng mới này để giúp nông dân ứng dụng”, bà Thuận cho hay.

Về phía cơ sở đào tạo, bà Bùi Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế, kỹ thuật và thủy sản Bắc Ninh cũng đánh giá cao tầm quan trọng của Hội đồng kỹ năng nghề trong lĩnh vực nông nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia có những định hướng về những kỹ năng nghề còn thiếu hụt, cần bổ sung của lao động làm nông nghiệp để nhà trường sẽ dựa vào đó làm tốt hơn công tác đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực cho đất nước. Đặc biệt mong muốn Hội đồng kỹ năng ngành sớm ban hành bộ kỹ năng nghề trong nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản để nhà trường có định hướng đào tạo những năng lực cần thiết cho học sinh, sinh viên, giúp lao động tiệm cận được với trình độ sản xuất trong nước cũng như quốc tế”, bà Hạnh kỳ vọng.

“Năm 2019, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) lần đầu tiên Việt Nam triển khai thí điểm mô hình quản trị kỹ năng ở cấp ngành với việc thành lập Hội đồng Kỹ năng nghề Quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Sáng kiến nhằm hỗ trợ phát triển kỹ năng, thúc đẩy tăng năng suất và tăng cường khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân trong lĩnh vực quan trọng hiện đang sử dụng hơn 32% lực lượng lao động này. Sau hơn 1 năm thành lập, Hội đồng đã ban hành báo cáo đánh giá kỹ năng lao động làm trong ngành Nông nghiệp ở 4 nghề: Mộc mỹ nghệ, lâm sản, thủy sản, chế biến. Tới đây, Hội đồng sẽ nghiên cứu, dự báo, ban hành bộ kỹ năng nghề cho lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Sau đó sẽ tiến hành thí điểm triển khai đào tạo”.

Nguyệt Tạ