Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lạng Sơn: Duy trì 130 mô hình tuyên truyền pháp luật cho nông dân đạt hiệu quả

Dương Anh - 07:11 16/11/2021 GMT+7
Thời gian qua, hoạt động của mô hình câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, kịp thời tham gia hòa giải các mâu thuẫn cho hội viên và nhân dân.
Được tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật nông dân Lạng Sơn tích cực xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Làm đường giao thông nông thôn tại xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). Ảnh:H.X

Chú trọng tuyên truyền pháp luật cho nông dân

Ông Hoàng Văn Ngôn - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, UBND các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân’’, chúng tôi đã chỉ đạo các cấp Hội lựa chọn xây dựng mô hình CLB “Nông dân với pháp luật’’.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đang duy trì hoạt động của gần 130 CLB “Nông dân với pháp luật” với hơn 2.500 thành viên. Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả, là nơi để cán bộ, hội viên giao lưu, học tập, nâng cao hiểu biết pháp luật. Đồng thời, các thành viên câu lạc bộ cũng là hạt nhân tham gia tuyên truyền, giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Các CLB thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, tập hợp những người có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhiệt tình tuyên truyền giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư. Trong đó, ban chủ nhiệm bao gồm 3 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã và công chức tư pháp – hộ tịch xã. Thành viên nòng cốt là bí thư, trưởng khối, thôn, đại diện một số đoàn thể thôn. Đây là những người am hiểu về pháp luật, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật cho hội viên và nhân dân. Đồng thời, ban chủ nhiệm các CLB thường xuyên nắm bắt tâm tư, kịp thời phản ánh nguyện vọng của nông dân đến cấp ủy, chính quyền.

Tại huyện miền núi Chi Lăng, ông Đinh Văn Huy- Chủ tịch Hội Nông dân xã Quan Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 1 CLB "Nông dân với pháp luật" đang hoạt động hiệu quả với số lượng 33 thành viên. CLB thường xuyên sinh hoạt theo quý hoặc tổ chức sinh hoạt lồng ghép với các hoạt động sinh hoạt chi hội. Thông thường, CLB tổ chức tuyên truyền về các kiến thức liên quan đến Luật Đất đai, Luật Môi trường... giúp người dân hiểu rõ và nắm được những quy định của Nhà nước liên quan đến pháp luật. Nhờ đó, các tranh chấp về dân sự, đất đai, hôn nhân gia đình… xảy ra ngày càng ít, tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp được hạn chế.

Bà Hoàng Thị Thanh Mai - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thống Nhất, Chủ nhiệm CLB “Nông dân với pháp luật’’ xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình cho biết: Sau sáp nhập năm 2020, chúng tôi kiện toàn lại CLB với 68 thành viên. CLB sinh hoạt định kỳ theo quý, nội dung sinh hoạt về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của nông dân như: Hôn nhân và gia đình, đất đai, giao thông đường bộ, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng…

“Nếu như trước đây, các cuộc sinh hoạt chủ yếu tuyên truyền một chiều, thì từ năm 2020 trở lại đây, ban chủ nhiệm tăng cường đối thoại, hỏi đáp pháp luật để thành viên tham gia. Nhờ đó các nội dung dễ hiểu, dễ nhớ hơn, CLB hoạt động hiệu quả hơn”- bà Mai thông tin.

Anh Vy Thanh Tùng, hội viên Chi hội Nông dân khối 4, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc cho biết: Tôi thường xuyên được các cấp Hội Nông dân tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là các thành viên của CLB “Nông dân với pháp luật’’ thị trấn. Trong các cuộc sinh hoạt chi Hội, chúng tôi đều được nghe phổ biến chính sách, pháp luật, giải đáp thắc mắc. Nhờ đó, chúng tôi chấp hành nghiêm pháp luật, vươn lên sản xuất kinh doanh, mỗi năm, tôi thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi của gia đình.

Hoà giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn tại cơ sở

Song song với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, CLB “Nông dân với pháp luật’’ còn làm tốt vai trò phối hợp giải quyết đơn thư, các vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở. Từ năm 2020 đến nay, các CLB phối hợp với Hội Nông dân cơ sở giải quyết trên 800 đơn thư, khiếu nại của hội viên nông dân; hòa giải thành trên 1.000 vụ việc tranh chấp trong hội viên và nhân dân. Qua đó, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong nông dân.

TP.Lạng Sơn là 1 trong những đơn vị Hội ND thực hiện tốt công tác hoà giải cơ sở. Trong 9 tháng đầu năm 2021, các tổ hòa giải trên địa bàn TP.Lạng Sơn đã hòa giải thành công 65/75 vụ việc mâu thuẫn, đạt tỷ lệ hơn 86% (tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó chủ yếu mâu thuẫn là về hôn nhân gia đình, tranh chấp đất đai, môi trường nông thôn...

Kể về vụ việc hòa giải tiêu biểu tại khối phố, bà Dương Thị Thiểu, tổ viên tổ hòa giải khối Cửa Đông, phường Chi Lăng, TP.Lạng Sơn cho biết: Năm 2020, tổ chúng tôi hòa giải thành công vụ vợ chồng trẻ mâu thuẫn, vợ viết đơn ly hôn do chồng thường xuyên ghen tuông vô cớ, mắng chửi. Nắm được vụ việc, chúng tôi đã gặp riêng từng người để nghe rõ ngọn ngành, phân tích đúng sai, hậu quả của ly hôn với con cái, sau đó tổ chức cuộc hòa giải có cả vợ chồng. Sau nhiều lần thuyết phục, hai vợ chồng đã hóa giải mâu thuẫn, sống với nhau hạnh phúc.

Điểm nổi bật trong các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở mà Hội Nông dân Lạng Sơn đang triển khai đó là quan tâm bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoà giải viên ở cơ sở.

Ông Đinh Văn Kiều, hoà giải viên ở khối 10, phường Tam Thanh, TP.Lạng Sơn cho biết: Hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, tôi thường xuyên được tham gia các hội nghị tập huấn kỹ năng hòa giải. Thay vì chủ yếu giới thiệu nội dung Luật Hòa giải ở cơ sở, tại các lớp bồi dưỡng, báo cáo viên tập trung giúp chúng tôi các kỹ năng như: Lắng nghe, khai thác thông tin, chứng cứ về vụ việc, tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, sử dụng ca dao, tục ngữ trong hoạt động hòa giải ở cơ sở… với những tình huống, ví dụ rất cụ thể. Nhờ đó, chúng tôi được nâng cao kiến thức, kỹ năng áp dụng vào công tác, hằng năm, tỷ lệ hòa giải thành của khối phố đạt trên 80%.

Có thể nói, CLB “Nông dân với pháp luật’’ là mô hình hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phong trào hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức Hội Nông dân các cấp. Đơn cử như năm 2020, toàn tỉnh có 10.777 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp (tăng 1.552 hộ so với năm 2019); số hộ hội viên đạt gia đình văn hóa 90.157 hộ (tăng 5.440 hộ so với năm 2019).

Từ năm 2020 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Lạng Sơn, trong đó có các CLB “Nông dân với pháp luật’’ đã tổ chức tuyên truyền pháp luật được hơn 1.600 cuộc với hơn 17.000 lượt người nghe. Cũng từ năm 2020 đến nay, Hội Nông dân Lạng Sơn đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội, tuyên truyền pháp luật cho cán bộ Hội Nông dân cơ sở, Chi hội trưởng Nông dân trên địa bàn tỉnh. Riêng, trong năm 2020, Hội Nông dân tỉnh tổ chức 3 hội thi: “Tiếng hát đồng quê”, ‘’Nông dân tham gia tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ”, “Cán bộ nông dân cơ sở giỏi”. Các lớp tập huấn, hội thi là dịp để cán bộ hội, các CLB “Nông dân với pháp luật” học tập kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, vận động nông dân tại cơ sở.

 

TỪ KHÓA #bài pháp luật