Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Ngư dân Bình Thuận vươn khơi bám biển trong mùa dịch

07:05 29/08/2021 GMT+7

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thị trường xuất khẩu bấp bênh, trong khi đó giá xăng dầu tăng, hoạt động du lịch, nhà hàng cũng tạm dừng, dẫn đến sức mua nội địa giảm. Tuy nhiên, đa số các chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn nỗ lực vươn khơi để kiếm thêm thu nhập trong vụ cá Nam. Nhờ siết chặt công tác phòng chống dịch và sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp nên nghề khai thác hải sản ở tỉnh Bình Thuận không bị gián đoạn.

Tàu của anh Lê Văn Minh cùng bạn thuyền đang nhận đá cho chuyến biển tiếp theo.

Vươn khơi đón mùa cá Nam

Thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, ngư dân tỉnh Bình Thuận bước vào vụ khai thác cá Nam, mùa khai thác chính trong năm. Trong khi ở một số tỉnh, thành ven biển, sản lượng khai thác không được như mong muốn thì ngư trường của tỉnh Bình Thuận đang hoạt động khá sôi động, sản lượng hải sản dồi dào.

Từ sáng sớm, tại Cảng cá Phan Thiết, anh Lê Văn Minh (phường Lạc Đạo, TP. Phan Thiết) cùng bạn thuyền đang tất bật chuyển vật dụng thiết yếu cho chuyến ra khơi tiếp theo. Con tàu hơn 500CV của anh Minh hành nghề pha xúc đánh bắt cá cơm, đang vào mùa nên từ tháng 7 đến nay, anh đi liên tục và chuyến nào cũng đầy ắp những giỏ cá cơm tươi ngon.

Anh Minh chia sẻ: “Mới đầu vụ cá Nam nhưng luồng cá cơm xuất hiện nhiều, nên kích thích các tàu hành nghề ra khơi. Đi chuyến nào cũng được vài tấn cá, nhưng giá đang rẻ chỉ khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg, nên chúng tôi chỉ được vài triệu đồng/chuyến. Đi biển ít tiếp xúc người lạ và tàu của tôi chỉ đánh bắt vùng đảo Côn Sơn nên hạn chế lây lan dịch Covid-19”.

Vốn quen với nắng, gió và hơi biển, nhưng nay, anh Minh cùng bạn thuyền cũng tuân thủ đeo khẩu trang trong suốt quá trình cập cảng, tiếp tế nhiên liệu. Trước khi xuất bến, anh Minh phải khai báo y tế và khi đánh bắt trở về cũng phải báo nhân viên cảng cá trước 1 giờ để quản lý, nộp nhật ký hành trình và ký cam kết trong công tác phòng chống dịch.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Các nhà hàng, quán ăn cũng dừng hoạt động, du lịch ngưng trệ nên lượng hải sản tiêu thụ cũng chững lại. Theo nhiều ngư dân ở Phan Thiết, hải sản hiện nay được các tiểu thương thu mua có giá giảm so với mọi năm vì nhiều chợ đầu mối lớn bị phong tỏa, nhiều tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 nên giao thương vô cùng khó khăn.

Một tiểu thương thu mua hải sản ở Phan Thiết chia sẻ: “Chi phí vận chuyển tăng cao, xăng dầu lại tăng giá, tài xế phải xét nghiệm 3 ngày 1 lần, mà lượng cá đầu vụ cá Nam chưa nhiều nên chủ yếu tiêu thụ ở địa phương. Không chỉ vậy, các đơn hàng ở nhiều tỉnh, thành đều bị cắt giảm, nên chúng tôi thu mua sản lượng cũng ít hơn”.

Là một trong những cơ sở thu mua hải sản lớn nhất tại TP. Phan Thiết, từ sau khi TP. HCM thực hiện Chỉ thị 16, việc xuất hàng của Công ty TNHH Bích Thanh vào TP. HCM gặp trở ngại nên đơn vị đã tìm hướng khác để tiếp tục thu mua hải sản cho ngư dân. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì việc thu mua hải sản cho ngư dân. Các kho lạnh chứa hàng đang được mở, đồng thời xúc tiến nhiều kênh tiêu thụ. Việc thu mua không thể dừng vì ảnh hưởng lớn đến ngư dân, nhất là các bạn hàng của mình. Bên cạnh đó, việc thu mua cũng là để duy trì sản xuất cho công nhân”- ông Đỗ Văn Thanh, Giám đốc Công ty Bích Thanh, nói.

Hoạt động thu mua cá khi các tàu cập bến.

Bám biển và làm tốt công tác phòng dịch

Trước đó (ngày 24.7.2021), UBND thị xã La Gi đã quyết định đóng cửa Cảng cá La Gi. Tuy nhiên, thời điểm này đang vào chính vụ cá Nam, địa phương quyết định cho các loại tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được đăng kỳ hoạt động trở lại nhằm tạo điều kiện cho ngư dân được vươn khơi, cải thiện cuộc sống nhưng phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt phòng chống dịch.

Dù hiện nay giá cá xuống thấp, nhưng anh Trịnh Văn Thái (phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết) vẫn ra khơi, nhưng đi ngắn ngày so với trước để kịp bán cá tươi cho các chợ. Không chỉ để đảm bảo cuộc sống gia đình mà còn góp phần tạo ra nguồn thực phẩm cung cấp cho các địa phương đang khó khăn trong thời điểm này. Dịch Covid-19 còn ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến thủy sản nên tác động dây chuyền đến thị trường tiêu thụ của ngư dân. Hiện việc tiêu thụ cá chủ yếu là các chợ nhỏ, lẻ. Dịch bệnh diễn biến phức tạp và gặp khó khăn về đầu ra nhưng hầu hết các ngư dân vẫn tổ chức đánh bắt bình thường.

Vừa khai thác, đánh bắt, nhưng các ngư dân trong tỉnh vẫn chấp hành tốt công tác phòng chống dịch tại các cảng. Chốt kiểm soát dịch tại Cảng cá Phan Thiết vẫn túc trực 24/24h, nhắc nhở các ngư dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho người ra vào ngay cổng và cầu cảng dành cho tàu cá. Hàng ngày, các kíp trực của nhân viên cảng cá còn thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở bà con, nhất là ngư dân mới từ biển về thực hiện đeo khẩu trang phòng chống dịch theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Duyệt – Đội trưởng Đội điều hành bến (Cảng cá Phan Thiết) cho biết, dù khó khăn nhưng nhiều tàu thuyền vẫn duy trì các chuyến đi biển. Nếu tàu nào xuất bến từ vùng dịch hoặc đi qua các tỉnh có dịch, Ban quản lý cảng sẽ phối hợp với lực lượng Y tế và Biên phòng để kiểm tra y tế các ngư dân trước, sau đó mới cho tàu xuất cá. Các thông tin chủ tàu và thuyền viên đều được lưu lại để tra cứu khi cần thiết.

Là 1 trong 3 ngư trường lớn nhất cả nước, trữ lượng khai thác đánh bắt hải sản hàng năm của tỉnh Bình Thuận đạt khoảng 240.000 tấn hải sản các loại. Do đó, dù cuộc sống ngư dân những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, giá bán sụt giảm, trong khi chi phí mỗi chuyến biển tăng lên rất nhiều, nhưng nhiều ngư dân trong tỉnh vẫn kiên trì, nỗ lực bám biển, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, theo đề xuất của các doanh nghiệp thu mua hải sản tại Bình Thuận, cần có cơ chế để mặt hàng hải sản tiếp cận tốt hơn với thị trường TP. HCM trong bối cảnh dịch hiện nay. Trong đó, có ý kiến đề xuất việc phân luồng nhập hàng về thành phố sao cho vừa bảo đảm nguyên tắc an toàn, vừa không bị đứt quãng.

“Dù khó khăn nhưng nhiều tàu thuyền vẫn duy trì các chuyến biển. Nếu tàu nào xuất bến từ vùng dịch hoặc đi qua các tỉnh có dịch, Ban quản lý cảng sẽ phối hợp với lực lượng y tế và biên phòng để kiểm tra y tế các ngư dân trước, sau đó mới cho tàu xuất cá. Các thông tin chủ tàu và thuyền viên đều được lưu lại để tra cứu khi cần thiết”.
Ông Nguyễn Văn Duyệt.

Tâm Công