Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhà báo Dương Đình Tường: Tác phẩm phải làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn

07:48 21/06/2021 GMT+7

Những tác phẩm phóng sự của nhà báo Dương Đình Tường đã khiến nhiều lãnh đạo ở Bộ NN&PTNT và các địa phương nhận ra những vấn đề phát sinh ở nông thôn để vào cuộc xử lý kịp thời. Cũng nhờ sự dấn thân đó, anh có nhiều tác phẩm mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị đối với cơ quan quản lý nhà nước và với nông dân.

Nhà báo Dương Đình Tường trong một dịp phỏng vấn dân chài ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nhà báo Dương Đình Tường vào làm phóng viên tại báo Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2002 đến nay. Tự nhận mình là “tay ngang” không được đào tạo về báo chí, từ khi bắt làm nghề báo, ngoài viết cho báo Nông nghiệp Việt Nam, anh còn cộng tác với một số tờ “khó tính” như Tuổi trẻ, Lao động, An ninh Thế giới, không phải với mục đích lấy nhuận bút mà để rèn luyện tay nghề. Trải qua 19 năm làm nghề báo, đến nay anh đã có khoảng 1.200 tác phẩm báo chí đăng tải, trong đó có 300 – 400 phóng sự viết về đời sống của người nông dân. Với hàng ngàn chuyến đi, hàng trăm phóng sự, nhà báo Dương Đình Tường luôn để lại dấu ấn riêng của mình đó là những đề tài mới lạ, gai góc.

Nhà báo có thể chia sẻ một vài câu chuyện, trải nghiệm mà anh thấy ấn tượng trong quá trình đi và viết của mình?

Tôi quan niệm một tác phẩm có giá trị phải tác động đến cuộc sống, làm thay đổi nó, những nhân vật, vùng đất liên quan theo hướng tốt đẹp hơn. Trong “Mối lo làng quê” lần đầu tiên đề cập đến một chuyện lạ ở nông thôn, người nông dân làm đơn xin trả lại ruộng vì hiệu quả sản xuất quá thấp. Câu chuyện tình cờ có được khi tôi đến xã Lam Sơn (huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), khi phong phanh nghe câu chuyện nông dân ở đây nằng nặc xin trả lại ruộng, tôi rất bất ngờ. Làm sao những người nông dân đã từng đấu tranh, hi sinh xương máu cho một khẩu hiệu “người cày có ruộng” lại trả lại ruộng? Cho đến khi nhìn chồng đơn với những chữ viết nguệch ngoạc, những dòng lên xuống như hàng đất lật của một người mới tập đi cày, một cảm xúc xót xa chợt xâm chiếm lấy tôi. Vào tận nhà những người nông dân viết đơn xin trả ruộng mới hay số đông họ phần đa là người già, rất có kinh nghiệm làm nông nghiệp, yêu ruộng đồng mãnh liệt nhưng sức khỏe đã hạn chế. Trước đây, người già không làm ruộng thì con cháu họ làm thay nhưng giờ người trẻ số đi bán mặt cho phố phường, số ở lại cũng chẳng còn thiết tha với hạt lúa, củ khoai. Quần quật nắng mưa, sương gió một vụ lờ lãi giỏi để ra được 100.000đồng/sào, vừa đủ một cái phong bì đám cưới, đám ma. Sau khi báo đăng tải, trở thành một sự kiện nóng ở trong Quốc hội và thúc đẩy nhà nước phải dồn điền đổi thửa, “cởi trói” thêm cho khu vực nông thôn.

Chán ruộng, trả lại ruộng là thiểu số ở vùng đồng bằng sông Hồng trong khi đó ở nhiều vùng vấn đề ruộng đất lại là một cơn địa chấn xé tan sự thanh bình vốn có của nông thôn, xé tan biết bao sợi dây ruột thịt, họ hàng khiến làng mạc chia lìa, dòng họ ly tán, bố con, anh em ruột thịt đấu đá lẫn nhau. Khi tôi đến xã Tam Cường (Tam Nông, Phú Thọ), anh nông dân Hán Văn Thanh ở khu 3 thôn Tự Cường tiếp tôi với một cái tay trắng xóa vì băng bó bột. Cứ như lời của anh, đó là đòn thù khủng bố vào một người dám đứng lên tố cáo những sai phạm ở địa phương. Đòn thù gãy xương, thâm thịt ấy không đau bằng thứ đòn mềm khiến cho gia đình anh phải chia đôi cả bàn thờ bố mẹ. Anh em ruột người theo phe bảo vệ đất thì thờ bố mẹ riêng, người theo phe nhận tiền đền bù cũng thờ bố mẹ riêng, ra đường họ không thèm nhìn mặt nhau đã đành đến ngày giỗ bố mẹ cũng nhất định không thèm gặp gỡ. Tôi nhớ khi cái bóng xiêu vẹo của anh Thanh vừa khuất khỏi tầm mắt, đang và lưng bát cơm rau với một gia đình lão nông thì một người đàn bà trung niên vác gậy xồng xộc đến, miệng sa sả chửi rủa. Người đàn bà đó hóa ra chính là vợ anh Thanh, vốn lành hiền chẳng qua lo cho việc chồng mình dám đi kiện, sợ bị trả thù tiếp, mà lần sau có lẽ không chỉ bị gãy tay như lần này nên mới đứng ra ngăn cản.

Sức khỏe và ô nhiễm môi trường luôn là mối quan tâm của toàn xã hội. Trong các huyện ngoại thành Hà Nội nổi lên có Mê Linh – vựa hoa của thành phố nhưng cũng là nơi sử dụng thuốc trừ sâu nhiều nhất, gấp khoảng 10 – 15 lần so với những huyện trồng lúa. Tại đây dân đi phun thuốc phải chụp kín mặt nạ phòng độc, nhiều người còn sử dụng bể chứa bằng nhựa loại 1.000 lít để hòa thuốc rồi dùng máy bơm công suất cao để xịt. Hóa chất bốc lên tạo thành một làn sương phủ kín không gian khiến cho bất kỳ ai đi qua cũng cảm thấy hoa mắt, chóng mặt. Trong quá trình tìm hiểu thông tin, tôi cũng gặp một số trở ngại nhất là chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, quản lý bởi họ e ngại trách nhiệm. Đây cũng là vấn đề chung của các nhà báo khi tác nghiệp, rất thiếu sự hợp tác, cung cấp thông tin từ phía có thẩm quyền nên để có được thông tin hai chiều là rất vất vả…

Tất cả những thông tin, cảm xúc đó được tôi chuyển tải hết vào trong bài. Loạt phóng sự điều tra “Thuốc độc ở chính trong ta” do báo Nông nghiệp Việt Nam đi tiên phong đó đã gây tác động mạnh mẽ cho xã hội nhất là khi được hàng loạt đài truyền hình, báo, đài tiếng nói, trang mạng như VTV, Nhân dân, Lao động, Zing.vn, VTC, Vietnamnet, VOV… tiếp sức, thực hiện phản ánh, tìm hiểu tiếp. Chủ đề thuốc sâu ở trong máu đã thu hút sự quan tâm của hàng chục triệu người trong suốt mấy tháng 7 – 8 của năm 2018. Nhiều cuộc họp và hội thảo đã diễn ra ở Bộ NN&PTNT, Cục Bảo vệ Thực vật để bàn cách hạn chế việc lạm dụng thuốc. Cụ thể đến năm 2020 cắt giảm 30% tên sản phẩm thương mại thuốc BVTV hiện đang lưu hành tại Việt Nam, tức khoảng 1.000 sản phẩm (hiện tại đang có trên 4.000 sản phẩm).

Nhà báo Dương Đình Tường được trao đạt giải B – Giải báo chí Quốc gia năm 2019.

Loạt bài “Những hạt ngô máu” (Nhiều độc giả vẫn còn nhớ loạt bài “Những hạt ngô máu” anh viết năm 2016 ở Sơn La, anh đã thực hiện phóng sự này như thế nào?

“Những hạt ngô máu” được đăng tải trên báo Nông nghiệp Việt Nam từ ngày 14/9 đến ngày 16/9/2016 phản ánh về tình trạng hàng trăm người dân ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị mất đất sản xuất bởi hình thức đầu tư vật tư nông nghiệp theo dạng tín dụng đen của các đại lý. Đề tài này đến bất chợt trong một lần đi hội nghị đầu bờ về giống ngô mới ở thị trấn khi nghe một người dân kể về việc phải trả lãi quá cao khi mua giống ngô của một đại lý.

Có được thông tin trên, tôi bỏ dở cuộc hội nghị, gói gọn tư trang gồm máy ảnh, máy tính, quyển sổ và vài bộ quần áo vào ba lô, mượn xe máy của dân đi xuống các bản làng ở xã Phiêng Pằn và xã Chiềng Lương. Đúng vào dịp sau lũ quét, đường xá hỏng, xe máy không thể đi được, tôi buộc phải gửi xe để đi bộ trong bùn đất, vượt dốc, băng suối để tiếp cận hiện trường. Khi xuống đến nơi, từ người lớn đến trẻ con trong bản đều nhìn tôi với ánh mắt không thiện cảm vì tất cả họ đang bị mất trâu, mất ruộng, đang mang một khoản nợ lớn nên kẻ lạ nào vào cũng nghĩ là lừa đảo. Phải giơ thẻ nhà báo, giải thích hồi lâu, nhờ Trưởng bản lẫn Bí thư bản biết tiếng dân tộc dịch cho, họ mới đồng ý tiếp chuyện.

Khai thác thông tin từ bà con trong bản, được biết, thời điểm đó chỉ riêng trên địa bàn 2 xã Phiêng Pằn và Chiềng Lương đã có 269 hộ vay nợ không có khả năng trả phải gán đất cho các chủ nợ với diện tích là 405ha, tổng số nợ trên 15,6 tỷ đồng, phải đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình. Đi sâu vào tìm hiểu, điều tra tôi nhận thấy những thủ đoạn tinh vi của các chủ đại lý khi họ “giam” người dân bằng những giấy vay nợ không ghi gốc và lãi mà chỉ ghi tổng nợ để trốn tránh cơ quan pháp luật điều tra. Họ làm giàu trên xương máu của đồng bào.

Những bằng chứng đăng tải trên báo đã có tác động mạnh mẽ đến dư luận, hàng loạt cơ quan báo chí khác cùng vào cuộc. Loạt bài đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đến xã hội khiến tỉnh Sơn La đã tổ chức 10 cuộc họp bàn cách tháo gỡ cho bà con nông dân. Bí thư tỉnh ủy Sơn La sau đó đã chỉ đạo cơ quan công an phải vào cuộc, điều tra loại hình tín dụng đen qua đầu tư nông nghiệp trên địa bàn. Loạt bài đã giúp cho cuộc sống của cả ngàn nông dân trồng ngô huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La thay đổi theo hướng tích cực, nợ nần bị khoanh lại, đất đai được trả về, nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi được triển khai. Đặc biệt ngân hàng chính xã hội huyện cũng tích cực hỗ trợ bà con vay vốn phát triển cây mía, các cây ăn quả tạo thêm thu nhập.

Trong quá trình tác nghiệp gặp gỡ khai thác thông tin từ nông dân, làm sao để những người nông dân không e ngại, sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện với mình?

Tôi là người làm báo bị ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng, nghĩa là trong quá trình tác nghiệp cố gắng chứng kiến hành động của nhân vật, thậm chí làm cùng, ăn cùng, ở cùng với nhân vật của mình. Từng ngủ cùng gà, lợn trên thuyền chợ ở hồ thủy điện Hòa Bình hay ngủ trên một chiếc giường… đỡ đẻ của một trạm xá sơ sài ở vùng miền núi tỉnh Quảng Ninh, xay ngô bằng tay làm mèn mén cùng người Mông, ăn thịt chuột gác bếp của người Dao, chứng kiến những đứa trẻ khóc ré lên khi chụp ảnh hay thèm thuồng mỗi khi mẹ đi chợ về xem có tí bột canh nào trộn cơm ăn. Trong nhiều chuyến công tác không ít lần tôi đến với những bản làng biệt lập, không điện, không sóng điện thoại, không biết tiếng Kinh, đồ ăn chỉ là tóp mỡ, chuột rừng gác bếp hay củ khoai, củ sắn, bắp ngô nhưng cũng thành quen.

Những nẻo đường miền núi, hải đảo cứ cuốn tôi vào những thứ lạ lùng và nghèo khó cho đến khi trở về với đồng bằng, thực hiện loạt bài “Mối lo làng quê” mới chợt giật mình. Giật mình về những “vùng trũng”, về khoảng cách giàu nghèo thành thị – nông thôn, về những bức xúc đất đai ở làng, về cả một thế hệ thanh niên bị đánh cắp ước mơ, khù khờ chẳng kém gì ông cụ.

Nếu cứ “dí” ống kính máy ảnh hay ghi âm vào người nông dân thì thường chỉ khai thác được thông tin bề nổi mà thôi bởi họ hay nghĩ, nhà báo đang phỏng vấn ta đây. Tuy nhiên khi ăn cùng, làm cùng, ở cùng giống như những người bạn, người đồng nghiệp của họ ngoài công việc, thu nhập, đời sống của nông dân thì ta lại thường biết thêm được những dự định, hoài bão, khát vọng, ước mơ của họ nữa.

Điều quan trọng là mình không làm điều gì xấu mà thực tâm muốn giúp họ nên thấy ai cũng gần gũi. Có những phóng sự, tôi đã ở tại một làng trong một tuần lễ, tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng đi nương, đi rẫy để từ đó hiểu hơn về cuộc sống và tâm tư của họ.

Đọc các bài phóng sự của Dương Đình Tường, thấy nhà báo có bút pháp rất riêng biệt. Chọn phong cách riêng như vậy, Nhà báo muốn hướng đến, và tạo ra những hiệu ứng gì trong các bài báo?

Là một người sinh ra và lớn lên ở nông thôn tôi luôn mong muốn nói lên được một phần nào tiếng nói của người nông dân. Trong chiến tranh họ đã phải chịu gian khổ, hi sinh quá nhiều nhưng trong hòa bình, giữa thời phôi thai của kinh tế thị trường thân phận họ vẫn còn nhiều chìm nổi của sự thiếu kiến thức, của được mùa mất giá, của dịch bệnh thiên tai… nhưng họ thường ngại nói ra những tâm tư, khát vọng sâu kín ấy hoặc không biết nói ra.

Nông thôn nói chung và nông thôn miền Bắc nói riêng là một kho báu bất tận với nhà báo nếu biết cách khai thác bởi nó không lộ thiên mà phải tìm tòi, khám phá với nhiều lớp vỉa khuất lấp sau vỏ bọc bên ngoài bình thường.
Tôi quan niệm đề tài giống như con xúc xắc vậy. Mỗi lần tìm thấy đề tài tôi cố gắng tìm hiểu tất các góc độ của con “xúc xắc” ấy, một chấm, hai chấm, ba chấm, bốn chấm thường chưa muốn dừng lại mà phải tìm tiếp năm chấm, sáu chấm – những góc độ sâu nhất của đề tài rồi mới bắt tay vào viết. Chỉ như thế tôi mới thấy hết sự hứng thú của nông thôn. Và có thể nhờ đó mà tôi nhận được sự đồng cảm từ phía độc giả, nhất là những người nông dân.

Theo kinh nghiệm của anh, cần phải chắt lọc các thông tin, chọn lọc các chi tiết như thế nào cho đắt giá để tạo hiệu ứng ấn tượng sâu sắc cho bài báo?

Phóng sự trên báo chí ngày càng ít đi theo tôi bởi hai lý do. Thứ nhất, là bởi bây giờ là xã hội thông tin, độc giả có xu hướng đọc nhanh nên không thích đọc kiểu phóng sự kiểu “dây cà, dây muống” tả lan man trên giời, dưới bể, thể hiện quá nhiều cảm xúc, trải nghiệm thậm chí là dịp để khoe chữ nghĩa của người viết nhưng lại không mấy hữu ích cho độc giả.

Bởi thế mà bản thân phóng sự cũng cần phải có sự thay đổi, viết sâu nhưng hàm lượng thông tin phải thật nhiều, thật độc quyền, thật tin cậy và thật hữu ích. Các dạng longform hay emagazine ngày nay có nhiều hơi hướng phóng sự như vậy.

Thứ hai, bản thân người viết cũng thay đổi. Thế hệ tôi rất nhiều người vào nghề bằng con đường viết phóng sự, thành công, nổi tiếng. Nhưng số người gắn bó với phóng sự cứ dần rơi rụng. Họ chọn con đường khác để thích nghi, để tiếp cận với độc giả nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Tôi thấy một số người khi viết phóng sự cứ tham nhiều chi tiết nên bài cứ như quả mít, mỗi cái gai là một chi tiết, mới đọc thì hấp dẫn đấy nhưng không biết cái nào là chính cái nào là phụ. Và “quả mít” ấy khi ném vào ai cũng chẳng thể sát thương vì nhiều gai nên dàn đều lực ra. Tôi quan niệm khi viết phải chọn lọc một vài chi tiết thật đắt, cốt chuyện mạch lạc sao cho kết cấu bài như một ngọn giáo phóng thẳng thì mới có sức công phá tốt được. Chính những sự giản dị, dễ hiểu ấy mà bài viết có thể lay động cảm xúc của độc giả từ đó thay đổi trong những hành động của họ theo hướng tốt đẹp hơn.

Cảm ơn nhà báo Dương Đình Tường!

Đến nay, nhà báo Dương Đình Tường đã đoạt hàng chục giải thưởng báo chí, trong đó có 6 giải thưởng báo chí Quốc gia gồm 4 giải B, 1 giải C và 1 Khuyến khích.

Chu Minh Khôi (thực hiện)