Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phạt 90 triệu khi đổi 100 USD: Cần xem xét sửa quy định cho hợp lý

22:25 25/10/2018 GMT+7

Vụ việc cơ quan chức năng xử phạt người dân vì hành vi đổi 100 USD ở tiệm vàng không có giấy phép kinh doanh ngoại tệ được đánh giá là hợp lý nhưng mức xử phạt lên tới 90 triệu đồng, theo các chuyên gia là mức phạt quá nặng.

Mức phạt mua bán ngoại tệ trái phép nên phải căn cứ vào quy mô nhiều hay ít. Ảnh: Internet.

Trước đó, ngày 23/10, UBND TP. Cần Thơ đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 90 triệu đồng đối với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã mang đổi 100 USD tại tiệm vàng. Đồng thời, ông Rê còn bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.

Với tiệm vàng, UBND TP. Cần Thơ cũng phạt 295 triệu đồng vì nhiều vi phạm, trong đó có việc nhận đổi 100 USD của ông Rê, đồng thời tịch thu số ngoại tệ đã đổi.

Ngay khi thông tin về vụ việc này được công bố, nhiều chuyên gia đã có các ý kiến bình luận. Theo đó, các chuyên gia đều cho rằng, hành vi bán ngoại tệ của người dân là trái quy định pháp luật và phải bị xử phạt, song mức phạt lên tới 90 triệu đồng cho hành vi bán ngoại tệ trong vụ việc này là quá cao.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Basico, mức độ xử phạt lên tới 90 triệu đồng cho hành vi đổi 100 USD là quá nặng, bất hợp lý và bất công ở chỗ khung xử phạt không tính theo giá trị, tính chất, mức độ vi phạm và số lần tái phạm.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, với quy định hiện nay, việc đổi 1 USD hay hàng nghìn USD thì khung xử phạt vẫn từ 80-100 triệu đồng là điều bất hợp lý, đặc biệt là áp dụng cho cá nhân.

“Mức phạt này ngang bằng mức phạt các hành vi như gây tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm…, trong khi những hành vi này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với hành vi đổi ngoại tệ trái phép”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.

Được biết, liên quan đến công tác quản lý ngoại tệ, Thông tư số 20/2011/ TT-NHNN ngày 29/8/2011 quy định việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 96/NĐ-CP/2014 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, theo đó, khoản 3 điều 24 của Nghị định 96 nêu rõ: xử phạt 80 – 100 triệu đồng đối với hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép đổi ngoại tệ…

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, cơ quan chức năng cần xác định hành vi đổi 100 USD của người dân là vô tình hay cố ý trước khi đưa ra mức xử phạt. Đồng thời, cần tăng cường việc truyền thông, tuyên truyền để người dân nắm rõ quy định pháp luật.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, qua sự việc này, đến lúc phải nghiên cứu xem có cần thiết sửa đổi Nghị định 96 hay không để phù hợp với bối cảnh mới. Nghị định 96 ra đời năm 2014, thời điểm đó thị trường ngoại hối, thị trường vàng tương đối phức tạp và biến động mạnh, mọi hành vi mua bán ngoại tệ dù ít hay nhiều đều bị phạt như nhau.

“Nhưng hiện nay, thị trường đã ổn định chúng ta cần xem xét mức phạt đó còn phù hợp hay không? Chúng ta có thể phạt nhưng phải căn cứ vào quy mô nhiều hay ít, mức phạt cho hành vi vi phạm 100 USD phải khác vi phạm 100.000 USD”, chuyên gia Cấn Văn Lực đề xuất.

Như vậy, quy định của pháp luật hiện hành không có những mức phạt cụ thể cho các mức ngoại tệ giao dịch khác nhau. Đây được cho là bất cập của quy định pháp luật và việc áp dụng quy định này vào cuộc sống đã cho thấy sự thiếu thực tế, do đó cần đưa ra các mức xử phạt phù hợp hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với các cửa hàng mua bán ngoại tệ trái phép cần xử lý nghiêm. Đối với cá nhân thực hiện mua bán ngoại tệ, mức xử phạt ban đầu chỉ nên mang tính chất răn đe, cảnh cáo để người dân nhận thức được sai phạm và không tái phạm. Với những trường hợp tái phạm nhiều lần và tính chất, mức độ của vụ việc là nghiêm trọng thì cần bị xử phạt nặng.

Bên cạnh đó, hiện nay người dân mang ngoại tệ vào ngân hàng bán thì dễ nhưng khi họ cần thì mua ngoại tệ lại rất khó, thủ tục phức tạp… điều này cũng dẫn đến thói quen mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do. Vì vậy, cần khắc phục các hạn chế này và tuyên truyền sâu rộng hơn những quy định mua bán ngoại tệ để người dân nắm rõ.

H.Anh