Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phát huy thế mạnh vùng miền trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022-2025

Bảo Minh - 15:39 05/08/2022 GMT+7
Ngày 5/8/2022 tại Hà Nội, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cùng các đại biểu đại diện cho UB MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, Hội LHPN Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam cùng lãnh đạo UBND các tỉnh, Văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh cùng 2.500 đại biểu tham dự tại các điểm cầu trong cả nước

Mục tiêu cụ thể của Chương trình xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết: Mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng từ 17 đến 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu khai mạc Hội nghị

Như vậy, so với giai đoạn 2016-2020, Chương trình 2021-2025 đã bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, cấp xã, huyện; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và cấp thôn đạt chuẩn NTM. Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Phạm vi, quy mô và thời gian thực hiện Chương trình:

Phạm vi thực hiện trên địa bàn nông thôn của cả nước, bao gồm: Các thôn, các xã, các huyện, các thị xã và thành phố thuộc tỉnh có xã của 63 tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

Quy mô thực hiện: Chương trình thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), 644 đơn vị cấp huyện có xã (bao gồm cả 74 huyện nghèo) thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2021-2025. Thời gian thực hiện đến hết năm 2025.

Các nội dung thành phần của Chương trình:

Giai đoạn 2021-2025, Chương trình được thiết kế với 11 nội dung thành phần và 54 nội dung cụ thể. Mặc dù Chương trình vẫn giữ kết cấu 11 nội dung thành phần như giai đoạn 2016-2020, nhưng trong 54 nội dung cụ thể, đã bổ sung những điểm mới để tập trung triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, đó là: (1) Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa các kênh phân phối, tiêu thụ nông sản, trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử (bài học từ hơn 02 năm phòng, chống đại dịch Covid-19); (2) Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, xây dựng NTM thông minh (giai đoạn 2016 – 2020 chưa đề cập); (3) Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy sự đa dạng, phong phú về các giá trị văn hóa ở nông thôn, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình trải nghiệm, du lịch NTM; tăng cường kiểm kê, ghi danh các di sản văn hoá; (4) Giữ gìn và khôi phục cảnh quan truyền thống của nông thôn Việt Nam, tăng tỉ lệ trồng hoa, trồng cây xanh phân tán; thu gom, tái chế, tái sử dụng các loại chất thải (phụ phẩm nông nghệp, chất thải chăn nuôi, bao gói thuốc BVTV, chất thải nhựa) theo nguyên lý tuần hoàn; xây dựng cộng đồng dân cư không rác thải nhựa (giai đoạn 2016 – 2020 chưa đề cập); (5) Cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nông thôn; đẩy mạnh hệ thống theo dõi và khám chữa bệnh trực tuyến,… (giai đoạn 2016-2020 mới chỉ tập trung vào xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở); (6) Tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc và bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương (giai đoạn 2016 – 2020 chưa đề cập); (7) Chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông nghiệp (chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp); (8) Đưa Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, vấn đề lấy ý kiến hài lòng của người dân, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp”, “Chương trình trí thức trẻ tình nguyện”,... trở thành một trong những nội dung trọng tâm triển khai thực hiện (giai đoạn 2016 - 2020 chưa đề cập),…

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NNPTNT điều hành Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NNPTNT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định về xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xây dựng 6 chuyên đề chuyên sâu và phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025.

Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình, tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết sau 10 năm thực hiện, trong giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 06 chương trình chuyên đề, gồm: (1) Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); (2) Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM; (3) Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; (4) Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; (5) Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM; (6) Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM.

Đây là những nội dung trọng tâm, liên quan đến nhiều nội dung thành phần, cần có sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và được tập trung chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương (các bộ, ngành trung ương) đến địa phương (tỉnh, huyện xã) để nâng cao chất lượng của các tiêu chí NTM, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

Dự kiến trong Quý III/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan tổ chức các Hội nghị triển khai các chương trình chuyên đề để định hướng chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện.

Đối với cấp xã, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao và Quy định về xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Quy định các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn NTM được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đây là điểm quy định mới để tháo gỡ các khó khăn cho một số địa phương trong giai đoạn 2016-2020.

Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng phát biểu tại Hội nghị.

Đối với cấp huyện: Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021-2025 - Quy định thống nhất áp dụng trong toàn quốc để thực hiện, đánh giá, xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM. - Yêu cầu: (1) Có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM (đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM giai đoạn 2011-2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025); (2) Có ít nhất 10% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao; (3) Có 100% số thị trấn trên địa bàn đạt chuẩn đô thị văn minh; (4) Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt từ 90% trở lên.

- Về tiêu chí huyện NTM: Giữ nguyên bố cục và số lượng 09 tiêu chí, bao gồm 36 chỉ tiêu (tăng 22 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020), trong đó: Điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung 03 tiêu chí (gồm các tiêu chí số: 3, 8, 9); lược bỏ 02 chỉ tiêu cũ (chỉ tiêu 9.1 và 9.2); bổ sung 24 chỉ tiêu mới cho phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các chính sách mới ban hành trong thời gian qua và yêu cầu thực tế xây dựng huyện NTM. Như vậy, số chỉ tiêu được bổ sung mới là khá nhiều.

Tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng 

Kết quả thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về NTM giai đoạn 2016 – 2020:

1. Về quy hoạch: Có 8.196 xã hoàn thành tiêu chí về Quy hoạch, đạt 99,6%; 2. Về hạ tầng kinh tế - xã hội: 6.678 xã (81,2%) đạt tiêu chí Giao thông; 7.939 xã (96,5%) đạt tiêu chí Thủy lợi; 7.797 xã (94,8%) đạt tiêu chí Điện; 6.602 xã (80,2%) đạt tiêu chí Trường học; 6.657 xã (80,9%) đạt tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa; 7.827 xã (95,1%) đạt tiêu chí Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 7.844 xã (95,3%) đạt tiêu chí Thông tin và Truyền thông; 6.989 xã (85,0%) đạt tiêu chí về Nhà ở dân cư; 3. Về kinh tế và tổ chức sản xuất: 6.333 xã (77,0%) đạt tiêu chí về Thu nhập; 6.638 xã (80,7%) đạt tiêu chí về Hộ nghèo; 8.182 xã (98,8%) đạt tiêu chí về Lao động có việc làm; 7.372 xã (89,6%) đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất. 4. Về văn hóa - xã hội - môi trường: 7.752 xã (94,2%) đạt tiêu chí Giáo dục và đào tạo; 7.763 xã (94,4%) đạt tiêu chí về Y tế; 7.592 xã (92,3%) đạt tiêu chí về Văn hóa; 6.449 xã (78,4%) đạt tiêu chí về Môi trường và An toàn thực phẩm. 5. Về hệ thống chính trị: 7.454 xã (90,6%) đạt tiêu chí về Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 7.946 xã (96,6%) đạt tiêu chí về Quốc phòng và An ninh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương bố trí cho Chương trình giai đoạn 2021-2025 là 39.632 tỷ đồng (gồm: 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 9.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp). Căn cứ các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương của Chương trình tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương có liên quan xây dựng phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:

- Phân bổ cho 51 tỉnh, thành phố theo tiêu chí, hệ số phân bổ cho đối tượng xã, huyện và tỉnh ưu tiên: 32.900 tỷ đồng (gồm 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển, 5.900 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp), chiếm 83% tổng kế hoạch vốn NSTW của Chương trình;

 - Phân bổ 594 tỷ đồng (kinh phí sự nghiệp) cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai các nội dung thành phần của Chương trình, các nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chiếm 1,5%).

Ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình phát biểu tại Hội nghị.

- Dự kiến dành 2.050 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển) để bố trí thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ADB (Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài 11 chính để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025). Trường hợp nguồn vốn nước ngoài của Chương trình vốn vay ADB được Quốc hội cho phép tăng thêm ngoài tổng nguồn vốn 30.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, 2.050 tỷ đồng nêu trên sẽ được bổ sung cho các tỉnh theo các tiêu chí, hệ số phân bổ quy định tại Quyết định số 07/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Dự kiến dành 3.446 tỷ đồng (gồm: 450 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 2.996 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) để phân bổ cho 06 chương trình chuyên đề hỗ trợ thực hiện Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

-  Bố trí 642 tỷ đồng (gồm: 500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 142 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp) hỗ trợ địa phương thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương.

Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Kết quả đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2022:

Cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn NTM (tăng 2,4% so với cuối năm 2021), trong đó, có 803 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021); có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 41 đơn vị so cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước);

18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP: Đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong tổng số 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 4.273 chủ thể, có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.

Chương trình "không mặc đồng phục" ở tất cả các địa phương

Để thực hiện thành công Chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đề nghị các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các địa phương tập trung chỉ đạo và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được giao.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022 đã được Chính phủ giao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021-2025;

Tiếp tục quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng NTM; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho cán bộ và người dân về xây dựng NTM và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; triển khai hiệu quả Chương trình truyền thông phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; tăng cường quán triệt Chương trình MTQG xây dựng NTM đến cấp uỷ, chính quyền, cán bộ các cấp, người dân cộng đồng ở cơ sở.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NNPTNT phát biểu kết luận Hội nghị.

Tăng cường đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực, nhận thức, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng NTM cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, người dân và cộng đồng.

Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp để huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ thực hiện Chương trình (bao gồm cả các nguồn viện trợ, tài trợ, vay ưu đãi… của các tổ chức quốc tế; nguồn vốn tín dụng, huy động của các tổ chức, doanh nghiệp và đóng góp tự nguyện của người dân); chủ động lồng ghép, cân đối nguồn lực của 02 chương trình MTQG còn lại, các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo hoàn thành các tiêu chí NTM, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025 đã được giao, nhất là mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.

Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục phối hợp với Bộ NNPTNT xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung được phân công, để hướng dẫn các địa phương thực hiện; chủ động, tích cực tham gia vào thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình theo phân công; thực hiện giám sát, phản biện xã hội trong quá trình thực hiện Chương trình; tiếp tục thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025”.

"Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới với tư duy mới, Chương trình "không mặc đồng phục" ở tất cả các địa phương mà cần linh hoạt, đan xen giữa nông thôn và thành thị. Hạn chế sao chép, rập khuôn mà tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp để tạo thêm việc làm tại chỗ theo phương châm "ly nông bất ly hương", gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Là Chương trình có tính trải rộng, nên lãnh đạo các địa phương không nên vì tiến độ mà để xảy ra sai phạm. Xây dựng NTM giai doạn tới còn là hoàn thiện những nội dung chuyên đề, đi đúng hướng để tạo ra nhiều giá trị mới cho nông nghiệp, nông thôn. bởi nông thôn là nơi gìn giữ, trọng dụng đời sống tinh thần, tình đất, tình người", Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận.

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện 698/CĐ-TTg ngày 4/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.