Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sức sống mới trên những vùng quê nông thôn mới Lâm Đồng

Trần Đức - 08:01 05/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày nâng cao. Sản xuất nông nghiệp từng bước hướng đến bền vững và hiện đại, chất lượng nông sản ngày càng được đảm bảo.
Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân ngày nâng cao.

Bức tranh nông thôn tươi sáng

 Đến nay toàn tỉnh hiện có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chính sự sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy chủ thể từ chính mỗi một người dân, thời gian qua, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã thực sự lan tỏa sâu rộng. Việc tham gia, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới cũng được thực hiện thường xuyên, linh hoạt với rất nhiều mô hình, điển hình, phương thức, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai, thực hiện các chương trình, mục tiêu, phong trào xây dựng nông thôn mới.

Tuyến đường đi vào thôn 3 xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên có lẽ là tuyến đường đẹp nhất khu vực này. Ông Võ Hoàng- một trong những người tiên phong xây dựng tuyến đường hoa khu vực này cho biết, hơn 10 năm qua, ông đã dày công chăm sóc, cắt tỉa, tôn tạo với quan niệm: nhà  sạch, đường sạch thì xóm làng sẽ sạch theo. Noi gương ông Võ Hoàng, người dân nơi đây cũng đồng thuận làm theo.

 Cát Tiên từ địa phương có điểm xuất phát thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Song với phương châm linh động-sáng tạo-đoàn kết-kỷ cương và trách nhiệm, sau hơn 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, kinh tế xã hội của huyện Cát Tiên có sự phát triển khá toàn diện. Huyện đã tập trung chỉ đạo đổi mới các mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, khai thác phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Đặc biệt địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế khuyến khích kích cầu, kêu gọi đầu tư cho phát triển sản xuất phù hợp với tình hình thực tế. Từ những cách làm trên đã bước đầu hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn như vùng sản xuất lúa giống chất lượng cao, vùng chuyên canh rau tại các xã ven sông Đồng Nai; vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị  lớn như sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, chôm chôm gắn với xây dựng thương hiệu lúa gạo Cát Tiên.

 Với sự linh động sáng tạo trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy chủ thể là người dân nhằm khai thác tốt tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa bàn trong tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vì vậy mà công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện chuyển biến rõ nét, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 55,2 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, 100% số xã trên địa bàn đạt tiêu chí nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 24 khu dân cư được công nhận khu dân cư tiêu biểu, 7 khu dân cư kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,8%.

 Ông Nguyễn Hoàng Phúc- Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên nhấn mạnh: Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là tổ chức sản xuất, bảo vệ môi trường, phát động phong trào điện sáng đường quê, an ninh trật tự an toàn xã hội, tổ chức ngày Chủ nhật xanh để vận động nhân dân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, cây cảnh, xây dựng vườn mẫu. Mỗi vườn mẫu cũng như các mô hình khác khi xây dựng đến khi hòan thành, huyện đều trích ngân sách địa phương động viên bà con.

Về cát Tiên hôm nay ai cũng thấy rõ bức tranh nông thôn tươi mới với những con đường bê tông sạch đẹp, môi trường cảnh quan được cải thiện, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nông dân tích cực thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Ông Nguyễn Thiện Chí - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đam Rông cho biết: Trong những năm qua, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững được các cấp Hội đồng hành với hội viên nông dân, chú trọng hỗ trợ về kĩ thuật và phát triển hiệu quả.

Sản xuất nông nghiệp trong nhà kính ở huyện Đam Rông.

 Người dân biết áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, nổi bật như các mô hình: Trồng rau, quả công nghệ tại Phi Liêng, Đạ K’nàng, Đạ R'sal; nuôi cá nước lạnh tại Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ Tông; trồng chanh không hạt ở xã Liêng S’rônh; trồng cây ăn quả (sầu riêng, bưởi da xanh, dứa, chuối Laba) ở xã Đạ Rsal, Đạ K’nàng, Phi Liêng, Liêng S’rônh, Rô Men; trồng cà phê, mắc ca ở xã Đạ K’nàng, Phi Liêng; trồng dâu, nuôi tằm ở Đạ K’nàng, Đạ M’rông, Liêng S’rônh, Rô Men...

Tương tự, hàng năm Hội Nông dân xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai đều bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội cấp trên xây dựng kế hoạch thực hiện, qua đó tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên nông dân hưởng ứng, đăng ký tham gia phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững – một trong ba phong trào thi đua lớn của Hội.

 Cùng với việc tuyên truyền các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gắn với triển khai thực hiện các công việc cụ thể như: Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích và thu nhập. Hàng năm, có trên 80% hộ hội viên đăng ký tham gia; kết quả bình xét có 75% số hộ đăng ký đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; năm 2022 có 344/435 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó có 90 hộ đạt cấp cơ sở, 149 hộ đạt cấp huyện, 94 hộ đạt cấp tỉnh và 11 hộ đạt cấp Trung ương. Xuất hiện nhiều hộ cho thu nhập tiền tỷ, trang bị sắm sửa nhiều phương tiện sinh hoạt cao cấp, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng lên, hiện nay xã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Đột phá vào nông nghiệp công nghệ cao

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên.

Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng nên những vùng quê trù phú. Chính vì thế, việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xác định đây là giải pháp then chốt đột phá để nâng cao hiệu quả nông sản cũng như mang lại thu nhập lớn cho người nông dân. Hiện Lâm Đồng được đánh giá là địa phương dẫn đầu về mức độ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông sản hàng hóa, trở thành điểm sáng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước với diện tích gần 64.000ha. Toàn tỉnh đã có 7 vùng sản xuất công nghệ cao được công nhận và đang tiếp tục đầu tư thêm 19 vùng nông nghiệp công nghệ cao khác. Sản xuất nông nghiệp từng bước hướng đến bền vững và hiện đại, chất lượng nông sản ngày càng được đảm bảo, trình độ công nghệ sản xuất phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, chè, cà phê, cây đặc sản.

 Huyện Đơn Dương đã phát triển nông nghiệp công nghệ cao từ năm 2015. Từ vài chục hecta rau trồng trong nhà lưới, nhà kính, đến nay huyện Đơn Dương đã có hơn 10.000ha rau, hoa được sản xuất theo hướng công nghệ cao. Có những mô hình sản xuất rau hữu cơ đã cho thu nhập từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/ năm. Ngành Nông nghiệp huyện đã sử dụng nhiều mô hình thông minh như: Tưới thông minh, châm phân thông minh và ứng dụng công nghệ 4.0.

Từ năm 2018, huyện Đức Trọng đã đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất  nông nghiệp công nghệ cao mang lại hiệu quả rõ rệt và ngày càng mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện  Đức Trọng cũng có khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Doanh thu đạt gấp 3 lần sản xuất bình quân của toàn huyện. Trong đó, sản xuất rau cao cấp đạt khoảng từ 300 đến 400 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, năng suất tăng bình quân từ 30 đến 35%. Nhờ chất lượng sản phẩm nâng cao đã đáp ứng nhu cầu các đơn hàng của các siêu thị, các chuỗi thực phẩm sạch để tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu sang các nước trong khu vực…

Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng nên những vùng quê trù phú. Chính vì thế, việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện. Tỉnh đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xác định đây là giải pháp then chốt đột phá để nâng cao hiệu quả nông sản cũng như mang lại thu nhập lớn cho người nông dân.

 

TỪ KHÓA #nông thôn mới