Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tây Ninh xây dựng nông thôn thành 'nơi đáng sống'

Hải Long - 07:50 22/08/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Tây Ninh”, tỉnh Tây Ninh lấy người dân nông thôn làm chủ thể, trọng tâm phát triển, phấn đấu trở thành tỉnh có nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, sản xuất có hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở thị xã Trảng Bàng

Vùng biên khởi sắc

Hiện 20/20 xã biên giới Tây Ninh đều đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) và đang trên đà xây dựng NTM nâng cao. Điểm nổi bật nhất khi xây dựng NTM ở Tây Ninh là thực hiện đồng bộ giữa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gắn với phát triển sản xuất, nâng cao đời sống tinh thần của cư dân nông thôn. Đặc biệt so với các xã nội địa, tốc độ xây dựng NTM tại khu vực biên giới đang cao hơn.

Tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu, một vùng quê được cho là nghèo nhất nhì của tỉnh, đời sống người dân thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu tập trung cho cây lúa. Với nông dân nơi đây việc ứng dụng KHKT vào nông nghiệp còn là gì đó xa lạ, thương mại dịch vụ cũng không phát triển, an sinh xã hội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là hệ thông giao thông nông thôn thủy lợi còn rất nhiều khó khăn trở ngại. Đó là những thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng NTM ở đây.

 Từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với nguồn lực đầu tư từ các cấp và địa phương, bộ mặt nông thôn ở Long Phước đã dần đổi mới, đường giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiện sạch đẹp, làm cho người dân hết sức phấn khởi. Toàn xã có 37km đường giao thông đều được trải nhựa, đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm, không còn cảnh lầy lội như trước nữa.

Xã cũng đầu tư hệ thống thủy lợi bằng bê tông được 17 tuyến kênh, với chiều dài trên 8km, phục vụ chủ động tưới tiêu cho khoảng 2.380ha. Đây là điều kiện giúp người dân chủ động tăng gia sản xuất, đa dạng các loại cây trồng vật nuôi, thâm canh tăng vụ, biết ứng dụng KHKT vào sản xuất, từ đó kinh tế gia đình không ngừng được nâng lên. Từ những kết quả đạt trong xây dựng NTM, xã đang đặt mục tiêu xây dựng NTM nâng cao vào năm 2024.

Xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên là 1 trong những điểm sáng điển hình về xây dựng NTM ở huyện biên giới Tây Ninh. Được công nhận xã đạt chuẩn NTM từ năm 2019 nên cơ sở y tế giáo dục được đầu tư bài bản, đời sống kinh tế của đồng bào Khmer dần ổn định, người dân an tâm lao động sản xuất, từng bước cải thiện đời sống. Đến nay thu nhập bình quân đầu người 200 triệu đồng/ hộ/ năm.

 Thời gian qua, việc triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Hoà Hiệp đạt kết quả phấn khởi: kinh tế phát triển ổn định góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm hộ nghèo, lao động có việc làm và qua đào tạo tăng, góp phần tăng dân trí, làm thay đổi cảnh quan môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền không ngừng được củng cố. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là đường giao thông nông thôn; trang thiết bị trường học được đầu tư xây mới và nâng cấp; trạm y tế được đầu tư xây dựng; trụ sở làm việc và các thiết chế văn hoá được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư hoàn thiện.

Ông Xa Khon- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Hiệp cho hay, khi được Đảng uỷ, UBND xã triển khai kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội Nông dân xã tăng cường tuyên truyền tại các cuộc họp chi, tổ hội, tổ hợp tác nghề nghiệp. Ngoài ra, lồng ghép tuyên truyền đến từng hộ dân thông qua các hội thảo, hội nghị đặc biệt về BHYT để vận động người dân tham gia đạt tiêu chí số 15.

 Để nông thôn trở thành “nơi đáng sống”

Từ khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh đã huy dộng nhiều nguồn lực thúc đẩy sự phát triển ở các địa phương vùng biên. Dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng qua 13 năm xây dựng NTM bộ mặt nông thôn của tỉnh Tây Ninh, trong đó có vùng biên đã khoác lên một diện mạo mới khang trang sạch đẹp, thu nhập bình quân đầu người tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Điều đó thể hiện sự quyết tâm đồng lòng của người dân cùng chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế xã hội, ổn định tình hình trên tuyến biên giới, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh.

 Có được kết quả đó là do thời gian qua tỉnh chú trọng tổ chức, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, từng bước xây dựng, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến.

Nông dân chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao

Song song với đó, phát huy thế mạnh từng địa phương, Tây Ninh triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm từ cấp tỉnh đến cấp xã, phấn đấu mỗi xã có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm từ làng nghề, ngành nghề truyền thống, như: bánh tráng, muối ớt, mãng cầu, mật ong, dưa lưới...

Phát huy kết quả đạt được, Tây Ninh tiếp tục xây dựng NTM theo hướng hiện đại, văn minh, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân ở nông thôn, mang lại giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Tỉnh cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nâng cao trình độ cơ giới hoá, tự động hoá đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, gắn với các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Mục tiêu nâng cao hiệu quả, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hợp tác.

 UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, điểm nhấn kế hoạch sẽ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch, tỉnh đăng ký thực hiện 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Đó là xây dựng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên của các địa phương tại huyện Dương Minh Châu; xây dựng, phát triển du lịch sinh thái vườn gắn với cảnh quan thiên nhiên và đặc sản miền quê ở huyện Gò Dầu; du lịch sinh thái Khu Di tích lịch sử Đồng Rùm, huyện Tân Châu; Khu Du lịch sinh thái mãng cầu Bà Đen Tây Ninh, thành phố Tây Ninh; du lịch nghỉ dưỡng nông trang dọc sông Vàm Cỏ Đông ở thị xã Hòa Thành; du lịch trải nghiệm nông trang ở thị xã Trảng Bàng; xây dựng, phát triển mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát và du lịch về nguồn Khu căn cứ cách mạng miền Nam - Trung ương Cục miền Nam, tại huyện Tân Biên./.

TỪ KHÓA #nông thôn mới