Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Trăn trở những làng nghề truyền thống trăm tuổi

13:19 23/05/2021 GMT+7

Hàng trăm năm qua người dân huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang đã và đang duy trì nhiều làng nghề truyền thống rất đặc trưng như: Nghề làm gốm thủ công, nghề chẻ đá, nấu đường thốt nốt, đan đệm bàng, nướng tre tầm vông… Nhưng hiện nay quy mô các làng nghề đang thu hẹp dần, thậm chí có làng nghề đứng trước nguy cơ “xóa sổ” bởi đầu ra sản phẩm rất khó khăn, giá cả thấp.

Nghề đan đệm bàng ở thị trấn Ba Chúc.

Vắng lặng những làng nghề

Đây là địa phương miền núi tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang và Vương quốc Campuchia – là những khu vực có rất nhiều đồng bào người dân tộc Khmer, đời sống còn nhiều khó khăn.

Ấp An Thuận, xã Châu Lăng, nơi được xem là “Vương quốc gốm” mang tên Phnôm Pi có từ trăm năm. Bà Neáng Viên, 78 tuổi lý giải: “Phnôm Pi nếu dịch sang tiếng Việt có nghĩa là Nam Quy, tôi đã làm nghề này trên 65 năm rồi, theo kiểu cha truyền con nối. Trước đây ấp có trên 150 hộ chuyên sản xuất cà ràng, nồi đất, khuôn bánh bằng đất sét… nhưng nay chỉ còn xấp xỉ 20 hộ bởi làm ra đâu có bán được, bây giờ người ta chuộng nồi nhôm, gang, vừa rẻ lại xài bền, dễ chùi rửa. Thanh niên đi tìm việc làm ở Đồng Nai, Bình Dương rất nhiều. Làng nghề vắng lặng, buồn lắm”.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội ND xã Châu Lăng cho biết thêm: “Sản phẩm ở đây đều làm bằng phương pháp thủ công nên độ sắc sảo không cao, giá bán thấp, chưa kể khói bụi độc hại khi nung. Đa phần lao động là người Khmer, người già, phụ nữ không đất sản xuất, trình độ văn hóa hạn hẹp. Chúng tôi đang cố gắng giúp họ chuyển nghề phù hợp hơn nhưng khó nhất là nguồn vốn vay. Đó là chưa kể đến nguồn nguyên liệu đất sét ngày càng cạn kiệt”.
Một làng nghề đã từng có thời kỳ “hoàng kim” đang đứng trước nguy cơ “thất truyền” là làng đan đệm bằng cây bàng thuộc thị trấn Ba Chúc, loại cây có rất nhiều ở vùng đất Tri Tôn và tỉnh Long An. Những lần trước về đây chúng tôi đã chứng kiến không khí lao động rất nhộn nhịp của hàng trăm con người; xe cộ vào ra các cơ sở vận chuyển sản phẩm liên tục nhưng nay hình ảnh đó đã không còn, thay vào đó là tình trạng thất nghiệp đi kèm với sự vắng lặng của xóm thôn.

Bà Trương Thanh Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Ba Chúc tâm sự: “Trước đây có hàng trăm hộ làm nghề, bình quân thu nhập mỗi người từ 130.000 – 150.000 đồng/ngày, giờ thì chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay, đa phần là phụ nữ và người cao tuổi. Nguyên liệu mua đã khó, tiêu thụ sản phẩm càng khó hơn trước xu thế hiện đại hóa các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tình hình này làng nghề đan đệm bàng sẽ khó tồn tại”.

Tri Tôn còn được biết đến với những làng nghề rất nổi tiếng khác trong đó có nghề uốn tre tầm vông đã từng thu hút hàng trăm lao động, nhiều nhất là các xã An Tức, Ô Lâm, Lương Phi, Châu Lăng, thị trấn Ba Chúc… tuy vậy hiện tại lực lượng có việc làm cũng giảm đi rất đáng kể.

Theo chia sẻ của ông Kim Riêng, ngụ xã Lương Phi: “Gia đình tôi làm nghề uốn tre trên 30 năm rồi, mỗi ngày tôi được trả công 250.000 đồng, phụ nữ thì 180.000 đồng, công việc rất độc hại vì tiếp xúc với lửa liên tục mà mình không thể trang bị dụng cụ bảo hộ lao động bởi rất vướng. Tre giờ rất khó mua vì đã cạn dần, sản phẩm làm ra bán rất khó vì thị trường họ chuộng sử dụng sắt, thép và các kim loại khác để xây dựng vừa đẹp, vừa rẻ, vừa bền. Tới đây, gia đình tôi đang tính tìm nghề khác để sinh sống”.

Nghề nướng tre tầm vông ở xã Lương Phi.

Hầu hết các làng nghề thủ công trên địa bàn huyện miền núi Tri Tôn đều đang đứng trước những khó khăn chung như: Sản phẩm đều ở dạng thô, độ bền không cao, thu nhập của người lao động thấp, an toàn lao động, môi trường chưa đảm bảo. Cùng với đó nông dân không đất sản xuất, trình độ lao động hạn hẹp, nguồn nguyên liệu cạn kiệt chưa kịp thay thế, nhu cầu của thị trường đang chuyển đổi nhanh sang các sản phẩm khác mang tính bền vững, mẫu mã đẹp, nhiều tiện ích. Đây là những thách thức rất lớn mà huyện Tri Tôn đang từng bước tháo gỡ nếu muốn duy trì sự tồn tại của các làng nghề truyền thống.

Vừa bảo tồn, vừa từng bước chuyển đổi các làng nghề

Một tín hiệu đáng mừng là các làng nghề truyền thống đã có nhiều biện pháp cải thiện môi trường lao động để giảm thiểu những rủi ro, tai nạn lao động, suy giảm sức khỏe do khói, bụi và những chất độc hại khác.

Ông Chau Cuôn, ngụ thị trấn Cô Tô vui vẻ nói: “Tôi làm nghề chẻ đá núi đã hơn 40 năm, lúc trước đâu có đồ bảo hộ lao động gì đâu, công nhân liên tục bị tai nạn và các bệnh về mắt, về đường hô hấp. Bây giờ nhà nước và các chủ cơ sở họ vừa vận động, vừa bắt buộc mình tuân thủ các qui định an toàn khi làm việc. Ban đầu chưa quen khá gò bó, giờ thì ổn rồi”.

Nghề gốm thủ công ở ấp An Thuận, xã Châu Lăng.

Một cách làm rất linh động khác mà Tri Tôn đang áp dụng là vừa chuyển đổi các làng nghề truyền thống một cách phù hợp, hiệu quả vừa gắn với việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa bản địa của mình đến với du khách trong và ngoài nước.

Bà Chung Chuon Quan, du khách Hàn Quốc nhận xét: “Đến Tri Tôn, chúng tôi vừa được tham quan rất nhiều thắng cảnh thiên nhiên tuyệt vời lại vừa có dịp tìm hiểu các làng nghề thủ công, các sản phẩm văn hóa độc đáo của 3 dân tộc Kinh – Khmer – Chăm, thật thú vị và hấp dẫn”.

Nghề chẻ đá núi ở thị trấn Cô Tô.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn chia sẻ: “Chúng tôi đang tập trung nhiều giải pháp để tiến hành cùng lúc hai nhiệm vụ: Bảo tồn có tập trung, có đầu tư các ngành nghề thủ công mang tính truyền thống của địa phương, nhất là của đồng bào người Khmer có từ trăm năm; giúp nông dân chuyển đổi việc làm, ngành nghề lao động phù hợp với tập quán, trình độ sản xuất, điều kiện tự nhiên của vùng núi vốn có, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế một cách căn cơ, bền vững”.

“Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp huyện Tri Tôn đã hình thành rất nhiều mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất liên kết để thuận lợi hơn trong khâu phân phối và tiêu thụ; mở rộng thị trường nội địa và sang nước bạn Campuchia. Chính quyền địa phương còn mở nhiều lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với nét văn hóa đặc trưng của người Khmer vùng đất An Giang nói chung, Tri Tôn nói riêng. Địa phương còn hỗ trợ vốn vay cho nhiều nông dân để họ có điều kiện làm kinh tế phụ để tăng thêm thu nhập như nghề nuôi bò, làm nhang, nấu đường thốt nốt, mua bán, trồng trọt qui mô nhỏ…
Ông Đỗ Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn.

Bài, ảnh: Phan Thư