Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Văn Lâm đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Thanh Hương - 16:06 14/11/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Đề án mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), huyện Văn Lâm (Hưng Yên) có 14 sản phẩm OCOP, chiếm 19,44% tổng sản phẩm OCOP toàn tỉnh, trong đó có nhiều sản phẩm thế mạnh như: Đồ đồng, đậu phụ, thảo dược, hoa, cây cảnh...

Hoa cúc Thiên Phú – sản phẩm OCOP thế mạnh của Văn Lâm

Sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình, huyện Văn Lâm đã có sản phẩm Hoa cúc Thiên Phú được đánh giá, xếp hạng OCOP 3 sao, là cơ sở bước đầu cho việc hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong tham gia Chương trình OCOP của huyện Văn Lâm, thời gian qua, HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, xã Tân Quang đã tận dụng lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Mặc dù mới thành lập và tuổi nghề còn rất non trẻ, nhưng mô hình mà Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tinh bột nghệ Hoa Thiên Phú đang khẳng định hướng đi đúng đắn, hiệu quả. Từ việc liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, giá trị sản phẩm đã được nâng lên, các hộ thành viên có thêm thu nhập, việc làm ổn định.

Từ cuối năm 2019, được tiếp cận Chương trình OCOP thông qua các hội nghị tập huấn, HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú đã đăng ký sản phẩm Hoa cúc Thiên Phú của HTX tham gia chương trình OCOP. Trong quá trình triển khai, HTX đã chủ động nâng cấp, thiết kế lại logo, mẫu mã bao bì sản phẩm, thường xuyên kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ triển khai tích cực, năm 2020, UBND tỉnh đã công nhận sản phẩm Hoa cúc Thiên Phú của HTX đạt hạng 3 sao OCOP.

Cánh đồng trồng hoa cúc của HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú, xã Tân Quang.

Với mong muốn đưa sản phẩm nghệ truyền thống của địa phương đến với nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Hưng Yên, HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú được thành lập trên cơ sở tự nguyện tham gia của người dân. Những ngày đầu thành lập, HTX có 20 thành viên là những hộ có thâm niên sản xuất tinh bột nghệ lâu năm tại xã Tân Quang, huyện Văn Lâm.

Sau khi thành lập, HTX bắt tay vào tổ chức sản xuất kinh doanh với diện tích đất canh tác của HTX do các hộ gia đình thành viên dồn lại là khoảng gần 10ha. HTX xây dựng phương án và chia ra các tổ sản xuất và dịch vụ, bước đầu triển khai trồng nghệ xoắn tằm và nghệ đen trên diện tích đất hiện có. Với sự quyết tâm vào cuộc để đưa cây nghệ và dự kiến sẽ phát triển cây chuối tiêu hồng, thành sản phẩm chủ lực của HTX nên bà con xã viên tập trung nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc hai loại cây này. Vụ nghệ đầu tiên HTX trồng thử nghiệm theo hướng vừa học vừa làm, nhờ khí hậu thổ nhưỡng nơi đây khá phù hợp với cây nghệ nên cây phát triển tốt, không có hiện tượng bị sâu bệnh. Tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào là nghệ củ thô được HTX giám sát từng diện tích nguyên liệu, kiểm nghiệm chặt chẽ hàm lượng Cucumin, kiểm nghiệm lượng tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng...  

Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú.

Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP đã giúp HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng số lượng sản phẩm bán ra thị trường với giá bán ổn định và được người tiêu dùng đánh giá cao. Từ khi sản phẩm Hoa cúc Thiên Phú được “gắn sao” OCOP, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện Văn Lâm trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại, doanh thu của HTX ổn định hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX”.

HTX đặc biệt chú ý mở rộng vùng nguyên liệu và tăng công suất chế biến. Để làm được điều này, HTX đã tăng cường tuyên truyền vận động thành viên, các thành viên liên kết về việc áp dụng đúng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản để áp dụng chung cho toàn HTX trên cơ sở quy trình kỹ thuật của Nhà nước. Từ đó sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng đều trong toàn HTX, đồng thời tạo ra sản phẩm riêng của HTX để cạnh tranh với HTX khác. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để có sản phẩm sản xuất quanh năm gắn với đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến, kho bảo quản sản phẩm. 

Giai đoạn 2021 - 2025, Văn Lâm phấn đấu có thêm 8 - 10 sản phẩm xếp hạng OCOP

Hiện nay, HTX Hoa Thiên Phú đã tiến hành đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại để bảo đảm chất lượng và thương hiệu sản phẩm, góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp địa phương, tăng thu nhập cho người nông dân, đưa sản phẩm chất lượng cao đến với người tiêu dùng cả nước.

Với quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nghệ an toàn có quy mô hàng hóa chất lượng cao tiến tới xây dựng vùng nông nghiệp sạch, HTX đã kiên trì, từng bước phát triển đầu tư kinh phí từ khâu cây giống đến sản xuất trồng nghệ trên đất nông nghiệp của hộ nông dân tại địa phương, từ đó đầu tư tạo dựng cánh đồng nghệ lớn tiến tới ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Đi liền với chất lượng sản phẩm, HTX Hoa Thiên Phú luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, do đó, để phát triển xây dựng thương hiệu tinh bột nghệ bền vững, HTX đang lên kế hoạch xây dựng vùng nguyên liệu riêng để có thể chủ động nguyên liệu và bảo đảm được chất lượng tốt nhất, trồng theo mô hình đạt chuẩn về sản phẩm hữu cơ an toàn và thân thiện với môi trường.

Sản phẩm tinh bột nghệ của HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú

Hệ thống máy nghiền củ nghệ với công suất cao để sản xuất tinh bột nghệ sạch được đầu tư áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến, sản phẩm của HTX đã được các cơ quan quản lý về ATVSTP cấp giấy chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Cùng với đó, HTX còn đang nghiên cứu chế biến đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm dược liệu từ nghệ hứa hẹn sẽ mang lại cho người tiêu dùng những lựa chọn chất lượng nhất.

Để Chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, thời gian qua, UBND huyện Văn Lâm đã chỉ đạo phòng NNPTNT huyện rà soát, lựa chọn và hướng dẫn các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất) đủ điều kiện lập hồ sơ tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Hàng năm, UBND huyện giao các phòng, ngành chuyên môn phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực đến người tiêu dùng; Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng 3 điểm giới thiệu và bán hàng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện, gồm: Cơ sở đúc đồng Ảnh Phước (xã Đại Đồng) với các sản phẩm đồ đồng; HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú (xã Tân Quang) với các sản phẩm từ thuốc nam như: Tinh bột nghệ, trà hoa cúc...; HTX chăn nuôi - dịch vụ an toàn Siêu Việt (xã Lạc Đạo) với các sản phẩm từ thịt lợn.

Thời gian qua, huyện Văn Lâm đã phối hợp với Sở NNPTNT rà soát, lựa chọn, hỗ trợ kinh phí cấp chứng nhận, duy trì VietGAHP, VietGAP và tem truy xuất nguồn gốc, nhận dạng sản phẩm cho 3 mô hình: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn an toàn tại HTX chăn nuôi - dịch vụ an toàn Siêu Việt với diện tích 2 ha; Chuỗi sản xuất sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm Cam Vinh an toàn tại HTX nông nghiệp công nghệ cao Toàn Thắng (xã Chỉ Đạo) trên diện tích 4 ha; Chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt gà an toàn tại HTX nông nghiệp an toàn Bắc Hưng Yên (xã Lương Tài), diện tích 1 ha. Huyện đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, kinh doanh về chiến lược phát triển của sản phẩm…

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có khoảng 8 - 10 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 6 - 8 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, địa phương đẩy mạnh rà soát, xác định các chủ thể sản xuất có sản phẩm, dịch vụ tham gia chương trình OCOP để triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề nhằm nâng cấp sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn chương trình OCOP để nhân rộng trên địa bàn toàn huyện; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, tích cực tham gia hội chợ, hội thảo khoa học, diễn đàn trong nước và quốc tế; tập trung xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, giúp các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường.