Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Về miền di sản gốm Chu Đậu

22:45 26/07/2019 GMT+7
Những kiệt tác được nhào trộn trên đất và lửa qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm gốm Chu Đậu có lẽ sẽ nằm sâu trong lòng đất nếu như không có những con người tâm huyết đổ công sức phục dựng lại hồn cốt của làng nghề làm gốm độc đáo

Những kiệt tác được nhào trộn trên đất và lửa qua bàn tay tài hoa của những nghệ nhân làm gốm Chu Đậu có lẽ sẽ nằm sâu trong lòng đất nếu như không có những con người tâm huyết đổ công sức phục dựng lại hồn cốt của làng nghề làm gốm độc đáo bậc nhất xứ Đông.

Thôn Chu Đậu là một vùng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Chu Đậu theo tiếng Hán có nghĩa là bến thuyền đỗ. Những năm trước, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông nên địa danh Chu Đậu ít được mọi người biết đến.

Dòng chảy đứt đoạn

Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh – Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá. Các nghệ nhân làng gốm phải phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Từ đó nghề gốm Chu Đậu thất truyền. Gần 500 năm sau, làng gốm cổ Chu Đậu được phát hiện một cách hết sức tình cờ.

Năm 1980, ông Makato Anabuki (nguyên là Bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi”. Và ông Makatô Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thời bấy giờ xác minh giúp ông xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào.

Những thông tin quý báu này giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ. Tháng 4.1986, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di tích Chu Đậu. Kết quả thật bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện.

Lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ về thăm Công ty gốm Chu Đậu. Ảnh: T.L

Từ đó đến nay, qua tám lần khai quật ở tầng sâu 2m trên diện tích 70 nghìn m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Kết quả những cuộc khai quật không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình.

Sau những kết quả của các cuộc khai quật, sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240 nghìn hiện vật còn lành đã được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ.

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.  Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu.

Sức hút ma mị từ gốm

Sống trên mảnh đất đã sản sinh ra dòng gốm quý nhưng chẳng mấy người dân Chu Đậu ngày nay thạo nghề này. Họ chỉ quẩn quanh với đồng ruộng và nghề dệt chiếu nên cuộc sống khá khó khăn. Đầu năm 2000, ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty Sản xuất, Dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội (Hapro) một người con của quê hương Nam Sách đã về Chu Đậu để thực hiện một dự án đầu tư sản xuất mặt hàng gốm xuất khẩu, nhằm khôi phục thương hiệu gốm nổi tiếng, kết hợp với hoạt động du lịch làng nghề.

Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, tháng 10.2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu (nay là Công ty CP Gốm Chu Đậu) ra đời và đi vào hoạt động. Cơ sở mới rộng 33.250m2 được xây dựng trên dòng sông cổ chảy qua làng, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng.

Tháng 5.2003, đơn vị đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Tây Ban Nha. Ngày nay, nhờ đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân từng sản phẩm gốm Chu Đậu đã ra đời và được đi khắp nơi trong nước cũng như trên thế giới. Sự phục hưng của gốm Chu Đậu không chỉ phỏng lại những sản phẩm tinh hoa xưa mà còn tạo ra nhiều sản phẩm vừa có tính văn hóa vừa có tính kinh tế, đồng thời phải đáp ứng được yêu cầu về thẩm mỹ và thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay với nhiều dòng sản phẩm khác nhau: gốm gia dụng, gốm tâm linh, gốm trang trí dùng làm quà tặng.

Gốm Chu Đậu có những nét đặc trưng riêng và cũng là những nét đặc sắc của người Việt thể hiện ở màu men và họa tiết mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng thông điệp nhiều ý nghĩa, mong muốn của người nghệ nhân cho cuộc sống hạnh phúc và thành đạt.

Những người thợ lành nghề nâng niu từng đường nét. Ảnh: T.L

Các sản phẩm gốm Chu đậu phù hợp để làm quà tặng, làm đồ trang trí hay để sử dụng bởi tính an toàn, bền đẹp. Sản phẩm gốm Chu Đậu cũng đặc biệt phù hợp để làm bộ đồ tâm linh chính vì thế dân gian đã có câu: “Có gốm Chu Đậu trong nhà – như là có cả ông bà tổ tiên”.

Theo ông Nguyễn Hữu Thức – Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu, Gốm Chu Đậu mang tính nghệ thuật cao, giàu bản sắc dân tộc, rất đẹp về bố cục, phong phú về màu sắc, đa dạng về thể loại sản phẩm… Đặc biệt, gốm Chu Đậu không chỉ đáp ứng được sở thích của mọi tầng lớp người dùng, mà còn rất hấp dẫn bởi những nét đặc trưng “rất riêng” không giống bất kỳ sản phẩm cùng loại nào trên thị trường. Đó là các họa tiết bài trí trên sản phẩm đều được họa theo phương pháp thủ công (bằng tay), hình ảnh, màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế mang đậm nét văn hóa truyền thống Việt Nam.

Làng nghề vẫy gọi

Nhớ lại những ngày đầu gian nan, ông Nguyễn Hữu Hiệp – Phó Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu cho biết, ngày đó đường vào làng còn khó khăn. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định chọn địa điểm tại làng Chu Đậu mà không chọn vị trí cạnh Quốc lộ 5. Bởi làm gốm phải nằm trong làng gốm thì mới phát huy được hồn cốt của nghề.

Để phục dựng lại những nét tinh hoa đã bị thất truyền là điều vô cùng gian nan. 20 nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa, Hải Dương… đã nhận lời hợp tác với đơn vị, vừa nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu, vừa thiết kế những mẫu sản phẩm mới để đưa ra thị trường. Một mặt đơn vị tuyển dụng lao động là con em địa phương sau đó cử đi đào tạo. Cứ ở đâu có nghề gốm là đưa học viên tới học hỏi. Đơn vị còn phối hợp với các cơ sở đào tạo, mời các chuyên gia, họa sỹ về giảng dạy.

Tới nay, Công ty đã có đội ngũ trên 170 thợ làm gốm lành nghề. Trong đó có 18 nghệ nhân. Nghề gốm được hồi sinh đã tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng. Làng Chu Đậu xưa vốn nghèo khó nhưng nay đã trở nên trù phú và là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Sách.

“Nhưng để có được những thành công, giai đoạn đầu chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn như khó khăn về thị trường đầu ra, khó khăn về nhân sự… Bên cạnh đó là sự thay đổi bộ máy, cải tổ, cải tiến sản xuất… Mọi việc diễn ra đồng thời làm cho ban lãnh đạo Công ty không tránh khỏi những lúc mệt mỏi, nản chí” ông Hiệp chia sẻ.

Điều trăn trở lớn nhất của ban lãnh đạo lúc bấy giờ đó là nghiên cứu làm sao tạo nên những sản phẩm mang tính truyền thống nhưng phải kết hợp với hiện đại, bởi nếu chỉ làm mãi những mẫu cũ chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng là những người lớn tuổi, còn đối với những người trẻ tuổi họ thích được sở hữu những sản phẩm kết hợp giữa truyền thống với hiện đại.

Sau một thời gian mày mò nghiên cứu, vào năm 2014, đơn vị đã chế tác ra các dòng sản phẩm mới dựa trên những sản phẩm bản sắc đó là vẽ vòng kim cao cấp. Sản phẩm mới này được giới thiệu ra thị trường từ năm 2015. Tuy nhiên, qua nhiều khó khăn thách thức, sản phẩm cuối cùng cũng đã được thị trường đón nhận, được rất nhiều khách hàng trong nước và quốc tế ưa chuộng.

Sản phẩm gốm Chu Đậu với màu men và hoa văn hấp dẫn. Ảnh: T.Đ

Sau những vất vả ban đầu, hiện nay sản phẩm gốm Chu Đậu không chỉ là đồ dùng sang trọng trong mỗi gia đình mà còn được các lãnh đạo cấp cao chọn làm quà biếu tặng quốc gia cho khách quốc tế trong và ngoài nước.

Công ty CP Gốm Chu Đậu cũng đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế. Điểu này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà đây còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá văn hoá Việt Nam ra thế giới.

Để có thể giới thiệu rộng rãi các sản phẩm gốm Chu Đậu mới đến khách hàng trong và ngoài nước, nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm gốm Chu Đậu rộng 1.000m2 được xây dựng. Đây là nơi hội tụ những sản phẩm đặc sắc nhất của gốm Chu Đậu, giúp cho du khách có cơ hội thưởng lãm những nét văn hóa độc đáo nhất của nghề gốm gần 1.000 năm tuổi này.

Đặc biệt, làng Chu Đậu đã được Tổng cục Du Lịch Việt Nam chọn là địa điểm để tiến hành kỷ niệm ngày du lịch thế giới, đồng thời khai trương tour du lịch mới hấp dẫn tại làng gốm Chu Đậu. Cùng đó, đề án khôi phục, phát triển sản xuất và du lịch làng nghề trên địa bàn hai xã Minh Tân và Thái Tân được triển khai. Đề án sẽ xây dựng các vệ tinh làm hàng gốm xuất khẩu mang thương hiệu Chu Đậu. Hàng nghìn lao động sẽ có thêm việc làm, đời sống sẽ được cải thiện. Bộ mặt vùng quê thuần nông ven sông Thái Bình sẽ mang sức sống mới khi nghề làm gốm truyền thống được kế thừa và phát triển.

   Trọng Đạt