Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Vui với lúa – tôm an toàn

20:20 21/02/2018 GMT+7

Mong đất nước ta sẽ có nhiều thật nhiều doanh nhân có tâm với nông nghiệp, biết xông xáo tìm hoặc mở thị trường cho nông sản, biết tổ chức cho nông dân sản xuất nguyên liệu theo kỹ thuật xanh để chế biến thành sản phẩm sạch hoặc hữu cơ có thương hiệu mạnh cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Đã có một mô hình nông nghiệp xanh

Anh Lê Văn Hận, Chủ tịch xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng chở tôi trên xe gắn máy từ từ rời quốc lộ 1A, rẽ vào đường làng đổ bê tông. Chạy một đỗi khoảng 4 km, chúng tôi đến ruộng của anh Huỳnh Minh Triều và Phạm Văn Sơn, hai trong số 70 hộ nông dân vùng nước mặn Mỹ Xuyên đang tham gia nhóm sản xuất lúa thơm ST24 và nuôi tôm càng xanh theo kỹ thuật nông nghiệp an toàn do doanh nghiệp Hồ Quang tổ chức.

Anh Triều phấn khởi chỉ ruộng lúa – tôm xanh tươi, nói: “Năm nay mình sẽ ăn Tết vui hơn vì lúa thơm ST24 quá trúng và tôm càng xanh cũng trúng. Có công ty hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu với giá tốt nữa thì nông dân chúng tôi tất thảy làm theo”.

Đúng là “nông dân làm theo” đúng quy trình kỹ thuật nên môi trường đất và nước được giữ ổn định, không ô nhiễm thuốc trừ sâu bệnh. Một hệ thống nông nghiệp xanh đang được thiết lập trên địa bàn nước mặn tỉnh Sóc Trăng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua không lạ gì với kỹ thuật trồng lúa trong mùa mưa, rồi sau khi gặt lúa, cho nước mặn vào đặng nuôi tôm trên hơn 7.000ha ở tỉnh Sóc Trăng trong nhiều năm nay. Nhưng lần này thì có điều mới hơn những năm trước kia. Bây giờ với chính sách mới của Nhà nước, việc lợi dụng nước mặn để giúp nông dân đạt lợi tức cao được chánh quyền các cấp khuyến khích.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác phát triển nông nghiệp xanh

Kỹ sư Cua đã nâng tầm kỹ thuật trồng lúa luân canh với nuôi tôm nước mặn thành hệ thống trồng lúa thơm ST24 xen canh với nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa, sau đó đến mùa nắng cho nước mặn vào pha với nước ngọt còn lại trong ruộng lúa để có nước lợ nuôi tôm sú trong mùa nắng.

Đây là một quyết định sáng suốt của một doanh nhân nắm vững khoa học kỹ thuật, biết tích hợp các tài nguyên xây dựng nên mô hình nông nghiệp xanh bền vững, đồng thời không kém phần quan trọng là nắm được thị trường gạo thơm ST24 mới được hội nghị quốc tế thương mại gạo tại Macau bình bầu Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới, đang không đủ cung cấp cho nhu cầu khách hàng quan tâm đến thực phẩm an toàn ngày càng tăng.

Từ kỹ thuật hóa thạch đến công nghệ xanh

Trong quá trình phát triển nông nghiệp, các quốc gia đều trải qua các thời kỳ như sơ đồ minh họa. Lúc thiếu ăn, vì dân số bùng nổ, người ta tập trung tự túc lương thực nên phải sử dụng kỹ thuật hóa thạch (tức phân bón hóa học, thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ) để nhanh chóng đạt sản lượng thật cao.

Khi sản lượng lương thực thặng dư, người ta phải đa dạng hóa sinh kế, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nâng cao lợi tức của nông dân, đồng thời để giảm bớt tác hại môi trường do độc canh và thâm canh bằng kỹ thuật hóa thạch. Chính do thâm canh bằng phân bón hóa học, nhất là phân đạm (Nitrogen) nông dân đã tạo nên một lượng lớn khí thải nhà kính (N2O, NO2, và NH3) bốc lên từ hàng triệu hécta ruộng lúa, làm trầm trọng thêm quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu.

Qua việc tàn phá thiên nhiên khắp nơi trên quả địa cầu này, những năm gần đây người ta thấy rõ biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, ảnh hưởng sâu sắc đến các điều kiện sinh thái nông nghiệp. Vì thế nông dân và người dân nông thôn cần phải sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên như thế nào để vừa có thực phẩm an toàn, vừa giảm thiểu biến đổi khí hậu để gia tăng được lợi nhuận.

Ngoài ô nhiễm đất, nước và không khí như kể trên, những thách thức lớn đối với sự bền vững của nông nghiệp thế giới có thể kể: hủy hoại đa dạng sinh học, đất bị chai, mất dinh dưỡng và xói mòn, nước ngọt ngày càng khan hiếm, cácbon (khí thải nhà kính do con người sử dụng kỹ thuật hóa thạch gây ra) ngày càng phát thải trầm trọng hơn.

Để chặn đứng tác hại của chúng, chỉ có một biện pháp, đó là sự xanh hóa nông nghiệp mà các nước công nghiệp đã đề cập từ đầu thế kỷ thứ XXI (xem tài liệu The Greening of Agriculture: Agricultural Innovation and Sustainable Growth. OECD, 2010).

Trong thời đại toàn cầu hóa và mậu dịch tự do giữa đối tác song phương và đa phương hiện nay, thực hiện kỹ thuật nông nghiệp xanh là đỉnh cao của sự cạnh tranh giữa các nước và giữa doanh nghiệp trong cùng một nước. Tiến lên nền kinh tế xanh trên toàn cầu, sản phẩm từ nông nghiệp xanh sẽ phải áp dụng công nghệ xanh.

Có thể nói công nghệ xanh hoàn toàn không để lại vết chân cácbon (không, hoặc rất ít phát thải khí nhà kính) chỉ là một mơ ước chứ trên thực tế khó có thể đạt được. Nhưng kỹ thuật nông nghiệp xanh thì có thể thực hiện nếu có sự tham gia tích cực của doanh nhân có tâm và có kiến thức.

Doanh nhân và nông nghiệp xanh

Tại sao phải doanh nhân mới có trách nhiệm mà không phải là nông dân? Kinh nghiệm nhiều quốc gia mà phần đông nông dân có trình độ kỹ thuật thấp cho thấy, nông dân có diện tích đất nhỏ, mạnh ai nấy sản xuất trên mảnh đất manh mún ấy, không ai có thể kiểm soát kỹ thuật canh tác của họ, chính là người để lại vết chân cácbon nhiều nhất.

Họ gây ô nhiễm đất, nước và không khí nhiều nhất, vì họ quen dùng kỹ thuật hóa thạch (bón phân hóa học nhiều, cây trồng mất khả năng miễn nhiễm hoặc đề kháng sâu bệnh, nên phải dùng thuốc hóa học phun trừ sâu bệnh, càng làm cho cây yếu hơn).

Cũng như con người phải được tiêm chủng mới có sức kháng bệnh, cây trồng và vật nuôi cũng phải được chủng các loại vi sinh hữu ích bằng phân bón sinh học (biofertilizers), còn được gọi là phân vi sinh, mới kháng được sâu bệnh hại. Nhưng phân sinh học tác dụng chậm, nông dân không thấy hiệu quả ngay, và không hiểu được tầm quan trọng của loại phân bón này, mà chỉ thích phân hóa học có tác dụng tức thời.

Doanh nhân hóa nông dân

Trong khi đó, một doanh nhân có tâm và có tầm, như kỹ sư Hồ Quang Cua đã thấy được “tác dụng tiêm chủng” của phân bón sinh học, đã đầu tư và hướng dẫn nông dân trong nhóm hợp đồng giảm thiểu sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu bệnh trên cây lúa, cả nhóm cùng xây dựng nông nghiệp xanh một cách bền vững. Thêm vào đó, anh ấy còn phát huy đặc tính ngon cơm và mùi thơm lá dứa của hạt gạo ST24 và ST20 nên càng lưu ý nông dân không được dùng hóa chất.

Đất lúa – tôm chỉ được sử dụng phần lớn là phân bón vi sinh và một ít phân hóa học NPK để đạt năng suất tối đa. Hai loại gạo này chắc chắn sẽ thắng lợi trong thị trường gạo thơm, vì ngon và an toàn. Và anh tổ chức, hướng dẫn cho nông dân sản xuất theo hệ thống canh tác lúa thơm xen với tôm càng xanh trong mùa mưa và sau khi gặt lúa, nuôi thêm một vụ tôm sú trong mùa nắng áp dụng quy trình an toàn, sử dụng phân bón sinh học và hữu cơ với một lượng nhỏ phân hóa học.

“Nông nghiệp bền vững có khả năng duy trì sản lượng và sự hữu dụng vô thời hạn. Đó là một nền nông nghiệp chỉ sử dụng
hệ thống canh tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, sản xuất hiệu quả, cạnh tranh thương mại và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và toàn xã hội” (John Ikerd – chuyên gia nghiên cứu
về xanh hóa nông nghiệp).

Bà con nông dân khám phá ra hệ thống canh tác theo kỹ thuật xanh này, không tốn tiền mua phân hóa học như trước, lại không tốn tiền phun thuốc trừ sâu bệnh nhờ đồng lúa đã đủ dưỡng chất và vi sinh vật để đề kháng sâu bệnh tấn công. Nhờ thế nên cả cây lúa lẫn con tôm càng xanh đều được an toàn, bảo đảm thực phẩm ngon và sạch cho người tiêu dùng.

Nhiều vị lãnh đạo được dịp tiếp xúc với mô hình sản xuất nông nghiệp xanh này, đã về tổ chức cho địa phương mình, như huyện Thạnh Phú tỉnh Bến Tre vốn đã có 5.000 ha lúa – tôm với giống OM4900, nay đang thử nghiệm thêm giống lúa thơm ST20, ST24. Anh Minh Khai – Chủ tịch xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đã tổ chức cho nông dân sản xuất 370ha lúa ST20 luân canh với tôm sú trước đó đạt 150 – 200kg tôm/ha.

Ở xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có anh Huỳnh Văn Mực tổ chức cho nông dân sản xuất lúa ST24 trên 210ha, đạt năng suất 5,6 tấn/ha trong vụ vừa qua, và bà con nông dân đang chuẩn bị mương ruộng cho nước mặn vào để thả tôm sú.

Hệ thống canh tác lúa – tôm là mô hình nông nghiệp xanh vì chủ yếu nông dân dùng phân bón vi sinh cho cây phục hồi khả năng kháng sâu bệnh, đồng thời thúc đẩy sự tăng trưởng của cây trồng, nhờ vậy nông dân mới tránh được lạm dụng phí phạm phân bón và thuốc hóa học.

Mô hình nông nghiệp xanh chắc chắn sẽ mang đến cho nông dân, doanh nghiệp và chánh quyền địa phương, như ở xã Thạnh Quới kể trên, niềm vui lớn, bắt đầu từ cuộc hành trình sản xuất sạch…

GS. Võ Tòng Xuân