Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Áp dụng chuyển đổi số để phát triển nông thôn bền vững

Bùi Ánh – Hoàng Tính - 07:16 21/09/2022 GMT+7
Để đáp ứng những yêu cầu và nhiệm vụ mới đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Quảng Trị đang triển khai nhiều mô hình, đề tài liên quan đến chuyển đổi số. Trong đó, cốt lõi là phải xây dựng được cơ sở hạ tầng dữ liệu bởi đây là nền tảng để chuyển đổi số thành công.
Ứng dụng mô hình thiết bị không người lái trong sản xuất nông nghiệp.

Lấy chuyển đổi số làm đột phá trong phát triển kinh tế

Quảng Trị có vị trí địa lý kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ. Bờ biển dài gần 75km, với ngư trường rộng gần 8.400km2. Đây là một lợi thế nổi trội để tỉnh Quảng Trị mở rộng hợp tác, tăng cường liên kết, giao thương, trao đổi hàng hóa với cả nước và với các nước trong khu vực. Vốn là tỉnh với đa dạng về điều kiện địa hình, đất đai, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau nên tỉnh Quảng Trị thích hợp cho phát triển nông nghiệp, có nhiều loại cây trồng, con nuôi mang tính đặc sản vùng miền, có tính hàng hóa và có khả năng cạnh tranh cao.

Từ lợi thế đó, Quảng Trị đẩy mạnh phát triển ngành Nông nghiệp, xem đó là trụ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng để cung cấp cho thị trường như: Các mô hình ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun mưa tự động; Ứng dụng công nghệ IOT vào trong sản xuất rau, củ; Ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc BVTV cho ruộng lúa (gần 1.000ha); Ứng dụng tem QR code trên một số sản phẩm như: dưa hấu, cây ăn quả, cà phê, hồ tiêu...; Bước đầu hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao (khu vực Đèo Sa Mù - Hướng Hóa), tạo điều kiện thuận lợi để thí điểm áp dụng các thành quả công nghệ vào sản xuất, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng hiệu quả.

Bên cạnh đó, trong hoạt động chăn nuôi, tỉnh cũng đã tiến hành có nhiều ứng dụng công nghệ thông minh nhằm mang lại thuận lợi và hiệu quả nhất như: Phòng chống dịch bệnh qua hệ thống thông tin địa lý - GIS trong việc giám sát và khống chế bệnh cúm gia cầm; Quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua ứng dụng “Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam-VAHIS”. Quản lý dịch bệnh thủy sản thông qua ứng dụng “Hệ thống báo cáo dịch bệnh thủy sản trực tuyến”. Sử dụng hệ thống giám sát trang trại chăn nuôi (camera) kết nối internet và điện thoại thông minh; Ứng dụng phần mềm quản lý giết mổ, truy xuất nguồn gốc. Ứng dụng công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, máy úm gia cầm tự động, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng chế phẩm vi sinh, công nghệ khí sinh học (biogas)…

Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, các cấp, các ngành trên địa bàn Quảng Trị xác định ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ là tiêu chí hàng đầu của quá trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, với phương châm khoa học công nghệ đi trước một bước để tìm ra cách làm hay, mô hình hiệu quả, rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và thị trường tiêu thụ nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân.

Tuy nhiên, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Quảng Trị trong thời gian qua mới bước đầu nên còn nhiều bỡ ngỡ và ở mức thấp, việc ứng dụng đang được áp dụng từng khâu… nên đóng góp của kinh tế số vào GRDP ngành Nông nghiệp còn thấp. Dự kiến trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp một cách toàn diện sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao, phấn đấu đến 2025, kinh tế số đóng góp khoảng 10% GRDP của ngành Nông nghiệp.

Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị từng bước chuyển đổi số đáp ứng với yêu cầu của xu thế mới.

Đẩy mạnh nâng cao năng lực, trình độ về chuyển đổi số

Dù mới bước đầu ứng dụng chuyển đổi số nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mà nó mang lại. Nhờ ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Quảng Trị. Tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được áp dụng ngày càng nhiều.

Hơn nữa, ứng dụng chuyển đổi số đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử đã hỗ trợ rất lớn cho người dân trong việc bao tiêu sản phẩm. Nông sản làm ra đáp ứng cả về chất và lượng cũng như tính thẩm mỹ theo thị hiếu tiêu dùng của khách hàng được đưa lên sàn sẽ là cơ hội cho nhà nông đưa thành quả lao động của mình đến với thị trường rộng lớn. Hiện nay, Quảng Trị đã có 14 cơ sở chế biến tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử như Shoppe, vỏ sò,...; có 16 cơ sở có trang thông tin thương mại điện tử, có 32 cơ sở kinh doanh online, facebook; có 20 cơ sơ ứng dụng mã QR-code để  truy xuất thông tin nguồn gốc các sản phẩm nhất là các sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Để hướng đến một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới đòi hỏi việc đào tạo và thu hút lực lượng lao động trẻ vào nông nghiệp là điều rất đáng để quan tâm. Bởi đây là lực lượng lao động có khả năng tiếp thu và phát huy tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ, quản lý và triển khai chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Trẻ hóa, thông minh, nhanh nhạy với công nghệ, thị trường là những yếu tố cần và đủ để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đổi mới như hiện nay.

Song song với chính sách đào tạo, Quảng Trị cũng tập trung chú trọng liên kết, hợp tác với các đơn vị có chuyên môn, các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao để ứng dụng trong sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.

Nhờ có những định hướng, chiến lược phù hợp, tỉnh Quảng Trị đang dần tiến đến hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh có 63/101 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí các xã cuối năm 2021 là 16,1 tiêu chí xã. Đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu có thêm 06 xã nông thôn mới và 7 xã nông thôn mới nâng cao. 

“Qua thực hiện chuyển đổi số sẽ giúp người sản xuất quản lý các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, tạo ra số lượng lớn, chất lượng đồng đều, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, nâng cao hơn mức sống người dân. Đây cũng là cơ hội để giải phóng sức lao động cho người sản xuất, hạn chế tối đa tác động của điều kiện thời tiết bất lợi lên đối tượng sản xuất”.
Ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Trị.