Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bảo vệ môi trường đồng ruộng, nhà nông sống khỏe mạnh

Minh Hiếu - 07:21 05/06/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm gần đây tốc độ ngành Nông nghiệp phát triển rất nhanh, điều này khiến cho những cánh đồng đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do người nông dân sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc trừ sâu. Làm gì để bảo vệ môi trường, cụ thể là ở những cánh đồng và việc nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong sản xuất an toàn, tạo môi tường trong lành là điều đang được quan tâm hiện nay.
Bà Nụ được cán bộ tư vấn về cách thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng.

 Thuốc trừ sâu ảnh hưởng “kép”

Những năm gần đây do tác động của thời tiết, hoa màu bị sâu bệnh, địch họa phá hủy nhiều. Bởi vậy, nông dân càng tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học để tiêu diệt côn trùng mà không lường hết được hậu họa. Chưa kể việc mở rộng diện tích khiến nhiều gia đình chấp nhận lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật để tiết kiệm chi phí, công sức... thay vì sử dụng thuốc vi sinh.

Mặt khác, một số loại thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, khi phun không mang lại hiệu quả như mong muốn nên người nông dân phải phun đi, phun lại nhiều lần, dẫn đến thiệt hại về kinh tế. Từ đó, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, không đúng loại thuốc, không theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và không áp dụng kỹ thuật theo phương pháp “4 đúng”. Cộng với tâm lý muốn phòng ngừa dịch hại, diệt sâu nhanh, nên nông dân tăng liều lượng, sử dụng thuốc cực độc để bảo vệ cây trồng, tăng năng suất và tiết kiệm nhân công cho việc phun thuốc. Điều đáng nói là lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng gấp 2- 3 lần so với bình thường, với liều lượng cao, độc tính cao không chỉ làm ô nhiễm môi trường, thoái hóa cánh đồng mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng với sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng.  

Trước thực tế đó, việc nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong sản xuất an toàn, tạo ra một môi trường trong lành là điều đang được quan tâm nhất hiện nay.
Bà Nguyễn Bính Nụ, 53 tuổi (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nơi có trang trại rộng hơn 7ha cho biết, dù biết tác hại của thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, phân bón hóa học... nhưng việc loại bỏ các sản phẩm này khỏi sản xuất là điều rất khó.

“Tôi cũng được truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng, hay sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, tuy nhiên do quá trình canh tác diện tích lớn, vốn hạn chế nên chưa thể thay thế loại thuốc sinh học phù hợp”, bà Nụ cho hay.
Theo bà Nụ, nhiều lần chồng bà phun thuốc trừ sâu về giữa trưa nắng say nắng, ngộ độc thuốc trừ sâu mất ăn mất ngủ, phải đi cấp cứu. Biết thế nhưng vì “cái khó bó cái khôn” nên vợ chồng bà vẫn không thể chuyển đổi sang sử dụng thuốc vi sinh an toàn.

“Chúng tôi biết sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không chỉ làm hỏng nguồn đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nhưng cũng đành chấp nhận. Hiện tại tôi mong muốn được các cơ quan, tổ chức có liên quan chuyển đổi kỹ thuật giúp gia đình có thể tự sản xuất hoặc mua sản phẩm vi sinh thay thế với giá rẻ”, bà Nụ nói.
Không riêng gì trang trại của bà Nụ, nhiều nông dân sản xuất rau màu, cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và trong cả nước vẫn còn thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, hàng năm, trung bình trên địa bàn tỉnh tiêu thụ khoảng 200 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm các loại. Điều đáng nói là, việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật của người dân còn quá tùy tiện, nên việc lạm dụng là không thể tránh khỏi. 

Phát động tháng an toàn vệ sinh lao động cho nông dân

Ủy ban Quốc gia An toàn lao động vừa phát động Tháng hành động Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp năm 2022. Thông qua tháng phát động, Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân cũng đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, cũng như việc sử dụng thuốc bảo vệ đúng cách để đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp, xa hơn là để bảo vệ môi trường lao động, nông nghiệp, nông thôn xanh - sạch- đẹp. 

Đây là thời điểm tăng cường các biện pháp nhằm để đảm bảo môi trường lao động trong sản xuất, kinh doanh đồng thời cũng là thời điểm để truyền thông, thực hành giảm thiểu bệnh nghề nghiệp cho nông dân.

Ông Lê Văn Nam - chuyên gia thuốc bảo vệ thực vật cảnh báo, hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật đều có độc tính cao. Nếu sử dụng, lượng thuốc này có thể đi vào trong thân cây, quả, hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời, hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Một số loại thuốc trừ sâu có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hóa học ổn định, khó phân hủy, nên sẽ tích luỹ trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng, lượng tích lũy này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người.

Để thực hành tháng hành động đảm bảo an toàn lao động, các cấp, các ngành sẽ tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất nông nghiệp sạch, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc mua bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhân dịp này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng nhiều bộ, ngành cũng tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà cho nông dân, ngư dân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình lao động sản xuất ở  khắp các tỉnh thành trong cả nước. Qua đó góp phần truyền thông, nâng cao tinh thần cảnh giác, thực hành an toàn lao động khi tham gia sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho lao động nông nghiệp. 

”Giảm thiểu tiến tới thay thế, loại bỏ hoàn toàn thuốc bảo vệ thực vật là cách thức để đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ tính mạng sức khỏe, của người sản xuất và tiêu dùng nói chung”.
PGS.TS. Nguyễn Văn Sơn - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường.