Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bình Thuận: Phát triển nông nghiệp sạch, thích ứng biến đổi khí hậu

07:02 12/11/2021 GMT+7
Phải chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, tuy nhiên, nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật, chú trọng an toàn sinh thái, ngành Nông nghiệp huyện Tuy Phong, tỉnh Ninh Thuận vẫn có những bước tiến vững vàng.
Thành công của các HTX cũng đang góp phần nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của huyện Tuy Phong.

Cùng với sự đồng hành của địa phương, những năm qua, nhiều hộ nông dân ở huyện Tuy Phong đã chủ động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kép về cả kinh tế và môi trường sinh thái.

Hiệu quả từ tái cơ cấu

Điển hình phải kể đến hơn 600ha diện tích cây màu trên đất cát, đất thuê nông lâm, đất trồng lúa gò cao kém hiệu quả đã được người dân một số xã trong huyện chuyển đổi sang trồng cây thanh long cho giá trị cao ở các xã Hòa Minh, Phước Thể, Vĩnh Hảo

Ở các xã miền núi, vùng cao như Phong Phú, Phan Dũng, người dân đã chủ động chuyển đổi đất màu sang trồng 2 loại cây bưởi, cam. Ở xã Vĩnh Hảo, người dân trồng thử nghiệm thành công cây quýt lai, giá trị cao hơn 3 – 5 lần so với trồng màu truyền thống…

Xã Phước Thể là địa phương đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn sinh thái. Đây cũng là nơi có nhiều mô hình HTX kiểu mới trồng các loại nông sản như nho, rau an toàn... góp phần nâng cao vị thế nông sản địa phương.

Điển hình, để giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, năm 2017, UBND xã Phước Thể đã vận động một số hộ dân đứng lên thành lập HTX nho Phước Thể. Sau khi thành lập, HTX thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ người dân sản xuất các giống nho mới. Đến nay, người dân nơi đây đã áp dụng trồng giống nho xanh với 10ha và giống nho Hồng Nhật với hơn 4ha. Hai giống nho này tuy khó chăm sóc hơn nho đỏ, nhưng mang lại giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt, các khóa tập huấn kỹ thuật của HTX còn chú trọng bổ sung kiến thức cho thành viên về sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, nói không với các loại chất bảo quản, hóa chất độc hại gây ô nhiễm. Đơn cử, trong chăm sóc cây trồng, HTX tuyển chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, ưu tiên các hợp chất hữu cơ, vi sinh, có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường.

Không chỉ có trồng nho sạch, mà xã Phước Thể còn đẩy mạnh việc sản xuất các mặt hàng nông sản an toàn. Trong gần 5 năm qua, với sự đồng hành của địa phương, cùng hiệu quả của HTX Nông nghiệp Phước Thể, gồm 38 thành viên, mô hình sản xuất nông sản sạch trên địa bàn xã cho thu nhập cao.

Sản xuất khoa học giúp nông dân huyện Tuy Phong tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Bên cạnh mô hình sản xuất cây lúa và trồng thanh long VietGAP, từ năm 2018 đến nay, HTX nông nghiệp Phước Thể đã triển khai hơn 0,2 ha trồng rau nhà lưới kết hợp hệ thống tưới nhỏ giọt. Với hệ thống tưới này giúp HTX giảm chi phí tiền điện hàng tháng và chi phí nhân công tưới nước, nâng cao giá trị sản xuất, đồng thời giảm thiểu tình trạng dư thừa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Ngô Văn Thương - Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Thể cho biết: “Sau những khó khăn ban đầu, nhờ sự hỗ trợ của HTX, các thành viên đã tuân thủ kế hoạch, quy trình sản xuất theo phương thức VietGAP từ các công đoạn làm cỏ, bón phân, tưới nước, ghi nhật ký sản xuất rau cũng như chú trọng từng giai đoạn sinh trưởng của rau để tạo điều kiện phát triển tốt nhất”.

Theo ông Thương, để phòng trừ bệnh gây hại trên rau, HTX đã khoanh vùng dùng “thiên địch” phòng trừ côn trùng gây hại, tự chế các loại thuốc từ tỏi, gừng… để thay thuốc trừ sâu. Qua cách làm này giúp nông dân ngày càng thay đổi tư duy về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chuyển từ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc có nguồn gốc sinh học nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

Rõ ràng, quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với an toàn sinh thái trên địa bàn huyện Tuy Phong đang cho thấy hiệu quả tích cực.

Theo thống kê, toàn huyện Tuy Phong đã hình thành 20 trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Số lượng đàn bò đã phát triển lên 15.735 con (trong đó bò lai 10.770 con, chiếm 68,44%); tổng đàn dê, cừu 9.973 con, bà con đã nuôi thử nghiệm giống cừu Canada và giống dê Úc… Huyện cũng đã xây dựng thành công nhãn hiệu “Ớt chim Bình Thạnh”, “Mủ trôm Tuy Phong” tiêu thụ trong, ngoài tỉnh…

Trong 5 năm tới (2021-2025), huyện Tuy Phong tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới. Theo đó, huyện cũng khuyến khích đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh một số cây trồng lợi thế có giá trị kinh tế cao, xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, huyện Tuy Phong cũng đẩy mạnh xúc tiến phát triển theo hướng dựa vào thị trường mở, sử dụng diện tích đất lúa một cách linh hoạt cho hiệu quả cao cùng với bảo tồn đất nông nghiệp. Đồng thời, các địa phương thực hiện đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, đảm bảo chất lượng, vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh.

Theo vnbusiness.vn