Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cà Mau: Thuận vợ, thuận chồng tạo ra nhiều sản phẩm OCOP

Hoàng Quân - 10:51 02/09/2022 GMT+7
Từ nghề gia truyền, đôi vợ chồng trẻ đã đồng lòng xây dựng 6 sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố năm 2022 từ thịt trâu bò cung cấp cho thị trường trong ngoài tỉnh Cà Mau.

Nối nghiệp gia truyền

Thị trường ẩm thực Cà Mau, nhắc đến nguyên liệu từ trâu bò có lẽ ai cũng nghĩ đến cơ sở thịt trâu, bò Ba Sĩ ở phường 2. Người con kế nghiệp là anh Huỳnh Hữu Lực (sinh năm 1982) và vợ Lâm Cẩm Thuý (sinh năm 1983), chủ cửa hàng thịt trâu bò Thuý Lực (phường 2).  Đôi vợ chồng trẻ tiên phong gắn sao cho 6 sản phẩm OCOP 3 sao cấp thành phố năm 2022.

Tính đến nay, cơ sở Thuý Lực đã có gần 18 năm kinh doanh các sản phẩm chủ lực: thịt trâu, bò tươi; khô trâu, khô bò; chả cao cấp…, và đặc biệt là các dòng sản phẩm từ bò viên. Là cơ sở sản xuất bò viên đầu tiên trong tỉnh, sản phẩm được xem là mặt hàng chủ lực của 2 vợ chồng Thúy – Lực gần 20 năm qua.  

Ban đầu từ khởi nghiệp, nhưng từ đam mê có những sản phẩm chất lượng nên đã khiến vợ chồng từ ấp ủ, đến quyết tâm thực hiện tạo ra sản phẩm OCOP từ bò viên.

Chị Thuý cho biết: “Nghề cha chồng truyền lại, từ 1 - 2 sản phẩm ban đầu, vợ chồng tôi suy nghĩ cho ra đời thêm nhiều sản phẩm ngon, chất lượng để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. 5 năm gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy hướng mở mới khả quan hơn từ xây dựng các sản phẩm OCOP, nên hai vợ chồng đồng lòng quyết đưa sản phẩm bò viên của mình vào sân chơi lớn này”.

Để chủ động nguồn nguyên liệu cho lò mổ, anh chị tìm sang các nước bạn (Campuchia) mua con giống từ nhỏ, về vỗ béo thành trâu, bò thịt và giết mổ, đưa ra cơ sở bán và chế biến thành các sản phẩm theo quy trình khép kín.

Hiện tại, cơ sở Thúy – Lực (phường 2, TP. Cà Mau) đã có 6 sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Chăn nuôi, làm ra thịt bò tươi thì dễ, nhưng cho ra sản phẩm bò viên chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là cả vấn đề. Vợ chồng anh Lực, chị Thuý đã nhiều lần mất ăn, mất ngủ vì thất bại, đúc kết rút nhiều kinh nghiệm mới cho ra sản phẩm bò viên chất lượng như ngày nay. Thành công là động lực, ngày càng sáng tạo ra thêm sản phẩm mới: bò viên gân, bò viên tôm, bò viên trứng muối… Chả bò viên của cơ sở Thúy - Lực có ưu điểm là làm từ nguồn thịt tươi, thịt nóng do lò của gia đình cung cấp, không trộn tạp chất nên chả rất dai. Kết hợp với bí quyết công thức riêng nên chả bò của cơ sở có hương vị đặc trưng không lẫn với các sản phẩm khác cùng loại.

Thị trường + đam mê, tạo thêm sản phẩm OCOP

Anh Lực cho biết, thời điểm đó, khi các mặt hàng thịt tươi của cơ sở được khách hàng tín nhiệm thì họ có nhu cầu sử dụng sản phẩm chả bò, đặc biệt là các quán phở, hủ tiếu bò viên… Từ nhu cầu thực tế đó, mà anh Lực, chị Thuý quyết tâm giữ thị trường tiêu thụ bằng cách cho ra đời sản phẩm chả bò viên chất lượng, tạo thành thương hiệu ngày hôm nay.

Thành công bò viên, cơ sở Thúy – Lực tiếp tục nghiên cứu sản phẩm khô trâu. Lúc đầu thất bại liên tục vì sản phẩm làm ra bị chua, hầu như bỏ hết. Không chấp nhận thất bại, anh Lực đi sang các tỉnh có thế mạnh về làm khô như An Giang, Đà Nẵng, Sài Gòn để học nghề. Kết quả thành công hơn mong đợi, niềm đam mê, ý chí và quyết tâm của hai vợ chồng đã được đền đáp khi thành công. Chưa hết, khắc phục hạn chế là yếu tố khô, cứng của khô trâu; sản phẩm khô trâu một nắng được ra đời và nhận được sự đón nhận của đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh bởi độ tươi, ngon, nhiều chất dinh dưỡng và khắc phục các khuyết điểm của sản phẩm trước đó. Khô trâu của cơ sở Thúy – Lực đã được  khẳng định thương hiệu 16 năm nay.

Quy trình sản xuất sạch khép kín từ nguyên liệu, chế biến để cho ra đời các sản phẩm OCOP.

Chả lụa bò đặc biệt cũng là sản phẩm phát triển từ chả bò viên đặc biệt; từ nhu cầu của khách hàng về hình thức và mẫu mã, sản phẩm chả lụa bò được ra đời với chất lượng không đổi. Minh chứng là 7 năm nay, doanh số của sản phẩm chả lụa bò đặc biệt không thua gì các mặt hàng còn lại của cửa hàng.

Thành công, với kiến thức nền sẵn có, lại học thêm từ các bậc lão thành trong nghề đi trước, vợ chồng Thúy – Lực tiếp tục mày mò cho ra đời sản phẩm khô bò. Lần này sản phẩm khô bò thành công sớm hơn và trong vòng 3 năm nay thị trường đặc biệt ưa chuộng dòng khô bò của cơ sở Thuý Lực.

Qua quan sát thì trường kinh doanh online, trong một lần tình cờ, chị Thuý thấy có kinh doanh sản phẩm bắp bò ngâm nước mắm. Nghĩ mình có nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng thì tại sao không thử. Nghĩ là làm, từ nguồn nguyên liệu sạch của trang trại gia đình, sau một thời gian mày mò thì sản phẩm bắp bò ngâm nước mắm được ra thị trường và thành công.

Từ các đại lý, khách hàng thân thiết của gia đình động viên, muốn Thúy – Lực có thêm sản phẩm chả mọc. Đáp ứng yêu cầu của thị trường, nguyên liệu thịt heo được bổ sung vào danh mục sản xuất kinh doanh của cơ sở.  Kinh nghiệm sẵn có, sản phẩm chả mọc từ nguồn thịt heo thành công được đón nhận  tích cực từ khách hàng. Không những vậy, gần như trở thành mặt hàng chủ lực của cửa hàng.

“No đủ vẫn luôn lo cho người đói”

Đồng hành cùng “Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau” từ khi thành lập và phát triển 9 năm nay, với vai trò thành viên chị Thúy không ngừng tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Tham gia ủng hộ gần như tất cả các chương trình, các hoạt động của câu lạc bộ, kêu gọi, vận động nhiều chị em cũng như bạn bè cùng tham gia.

Năm 2020 - 2021, cùng với cộng đồng doanh nghiệp Cà Mau, là thời gian vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Doanh thu của cửa hàng Thúy – Lực bị ảnh hưởng nhưng hưởng ứng tinh thần kêu gọi của tỉnh cũng như các cá nhân, tổ chức thiện nguyện trong tỉnh; cửa hàng đã có nhiều chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh nhà trong công tác phòng chống dịch.

Thời điểm tỉnh Cà Mau thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, cơ sở Thúy – Lực đã song hành cùng “Bếp ăn 0 đồng” do Công đoàn cơ sở báo Cà Mau và Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau. Với nguồn nguyên liệu thịt trâu, bò sẵn có, cơ sở Thúy – Lực đã cở sở đóng  hàng chục ký thịt trâu, bò các loại. Để thay đổi thực đơn cho bếp, đã bổ sung thêm hàng trăm ki lô gam thịt gà, rau, củ, quả cho bếp hoạt động để phục vụ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Khi người dân ồ ạt về quê tránh dịch, ngay trong ngày đầu tiên đã phối hợp cùng báo Cà Mau và Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tặng hơn 600 phần ăn cho bà con đang làm thủ tục nhập tỉnh tại chốt kiểm soát dịch bệnh Quản lộ Phụng Hiệp cũng như các điểm cách ly tập trung tại trường Tiểu học Nguyễn Tạo và điểm trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP. Cà Mau).

Khi người dân về mỗi ngày một đông, cửa hàng tiếp tục phối hợp cùng báo Cà Mau và Đoàn Thanh niên Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh gửi nhu yếu phẩm, sữa, quà bánh về các khu cách ly tập trung ở các địa phương trong tỉnh mình, góp phần san sẻ khó khăn cùng bà con. Khi khu vực xã An Xuyên (TP. Cà Mau) xuất hiện ổ dịch và phong tỏa khu vực thì ngay lúc đó, cửa hàng Thúy Lực hỗ trợ khi cách ly ngay mấy chục phần quà gồm gia vị, gạo, trứng…

Thành công, nhưng vợ chồng Thúy – Lực vẫn không quên các hoạt động vì cộng đồng.

Ngoài ra, trong thời gian này, cơ sở Thúy – Lực  hỗ trợ xuyên suốt cho hai ngôi chùa là chùa Từ Quang (phường 9) và Thiền Viện Trúc Lâm Cà Mau (phường Tân Xuyên) 11.300 kg gạo, hàng trăm ki lô gam rau, củ, quả, gia vị… để chùa hoạt động cũng như có những suất ăn ngon cho bà con về quê tránh dịch. Hỗ trợ Ủy ban nhân dân phường 4 (TP. Cà Mau) 500kg gạo để trao tặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Trao tặng tận nơi cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, ở các chốt kiểm soát dịch bệnh thuộc Quảng Lộ Phụng Hiệp, chốt Quốc lộ 1A, chốt kiểm soát thuộc xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) nhiều nước suối, mì gói, thịt trâu bò, bò viên… để cải thiện bữa ăn cho lực lượng  gác chốt; hỗ trợ tiền mặt để động viên lực lượng làm nhiệm vụ. Vì cộng đồng, chỉ riêng năm 2022, cơ sở Thúy – Lực đã đóng hơn 400 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội.

 

Chương trình OCOP đưa nông sản Bắc Kạn vươn xa
(Tapchinongthonmoi) Từ chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng được 170 sản phẩm OCOP. Những sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động ở địa phương và gia tăng giá trị cho nông sản.