Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng khô mũi trong mùa hanh khô

07:24 26/11/2023 GMT+7
Vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô khiến nhiều người bị khô mũi, nếu kéo dài dễ gây ra nghẹt mũi và xuất hiện những bệnh lý đường hô hấp trên.

Khô mũi vào mùa Đông không phải là một loại bệnh lý mà chỉ là triệu chứng do thời tiết khô lạnh khiến cho lớp mao mạch bên trong niêm mạc bị tổn thương, từ đó sinh ra khô và đau rát. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy ngạt mũi hoặc chảy nước mũi.

Thời tiết hanh khô khiến mũi dễ bị tổn thương. Ảnh minh họa

Mặc dù không phải là dấu hiệu của bệnh hô hấp nhưng cảm giác khô rát mũi sẽ khiến bạn rất khó chịu, khó tập trung cho công việc. Hơn nữa, khô mũi vào mùa Đông kéo dài mà không được chữa trị, theo thời gian nó sẽ trở thành điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây hại tấn công, gây bệnh đường hô hấp, thậm chí biến chứng mãn tính hoặc gây ra viêm tai giữa, viêm xoang... Nhiều trường hợp mũi quá khô có thể gây ra chảy máu và nhiễm trùng.

Một số cách giúp hạn chế tình trạng khô mũi:

Uống đủ nước: Đối với cơ thể, nước là nguồn cung cấp chất dưỡng ẩm tốt nhất khi thời tiết lạnh và hanh khô. Vào những lúc như vậy, các mô trong cơ thể bị thiếu hụt và suy giảm chất lỏng nên rất dễ bị khô. Nếu bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể mỗi ngày thì mô mũi sẽ hoạt động tốt hơn, nhờ đó mà tình trạng khô mũi cũng được hạn chế đi rất nhiều.

Dùng tinh dầu tự nhiên: Đây là cách chữa khô mũi mùa Đông rất hiệu quả và an toàn, có rất nhiều loại tinh dầu khác nhau nhưng tốt nhất nên chọn:

Tinh dầu dừa: Đây là loại tinh dầu tự nhiên được rất nhiều người biết đến với khả năng dưỡng ẩm xuất sắc. Cách chữa khô mũi mùa đông ngay tại nhà bằng dầu dừa rất đơn giản, chỉ cần lấy một lượng dầu dừa vừa phải thoa vào lỗ mũi là vùng mũi sẽ được thông thoáng và mềm hơn rất nhiều.

Tinh dầu hạnh nhân: Tác dụng dưỡng ẩm của hạnh nhân là vô cùng tuyệt vời nên nó sẽ trị khô mũi rất hiệu quả. Khi bị khô mũi vào mùa Đông, dùng dầu hạnh nhân trộn với gel lô hội rồi thoa đều lên vùng da mũi sau đó dùng nước ấm rửa sạch. Làm đều đặn như vậy mỗi ngày, chắc chắn tình trạng mũi bị khô được giảm thiểu đáng kể.

Xịt nước muối: Nước muối có khả năng trị khô mũi vào mùa đông rất tốt mà cách thực hiện cũng vô cùng đơn giản. Chỉ cần dùng nước muối sinh lý 0.9% để xịt vào khoang mũi trước khi đi ngủ là tình trạng khô và nghẹt mũi sẽ được cải thiện.

Tắm xông hơi: Vào mùa Đông, tắm xông hơi hàng ngày không chỉ giúp điều hòa lưu thông máu, cải thiện sức khỏe mà còn là cách chữa khô mũi rất tốt. Tích cực làm việc này đều đặn, người bệnh sẽ thấy được hiệu quả bất ngờ mà nó mang lại.

Dùng dầu mè: Dầu mè là một loại dược liệu tự nhiên chữa khô mũi mùa Đông rất tốt. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, hãy trộn một chút dầu mè với tinh dầu hoa cúc sau đó thoa lên vùng mũi mỗi ngày.

Vệ sinh mũi đúng cách: Mũi là bộ phận thuộc hệ hô hấp trên, thường xuyên phải tiếp xúc với các tác nhân có hại ở bên ngoài môi trường như: khí độc, vi khuẩn, bụi bẩn,… Vì thế, cách chữa khô mũi mùa Đông tuyệt đối không được phép bỏ qua các thao tác vệ sinh mũi vào buổi sáng sau khi thức giấc và buổi tối trước khi đi ngủ một cách cẩn thận và kĩ càng.

Trong quá trình vệ sinh mũi, hãy nhẹ nhàng rửa sâu bên trong hốc mũi bởi đây là nơi tập trung của nhiều loại vi khuẩn. Việc làm này không những giúp bạn loại bỏ tác nhân gây hại ấy mà còn đẩy bụi bẩn ra bên ngoài, ngăn ngừa nguy cơ mũi bị tổn thương.

Dùng máy tạo độ ẩm: Sử dụng máy tạo độ ẩm cũng là một cách giúp hạn chế hiện tượng khô mũi vào mùa lạnh. Loại máy này sẽ tăng cường độ ẩm cho môi trường sống xung quanh bạn, nhờ đó mà xóa bỏ các triệu chứng kích thích gây khô mũi.

Một số việc nên tránh khi bị khô mũi

Khi bị khô mũi vào mùa lạnh, rất nhiều người đã tìm cách để cắt trụi lông mũi. Việc làm này là hoàn toàn không nên bởi lông bên trong mũi có vai trò rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại bên ngoài môi trường. Nếu cắt bỏ chúng đi, vô hình chung bạn đã loại bỏ đi hàng rào bảo vệ cho khoang mũi của mình.

Vào mùa Đông, khi bị nghẹt và khô mũi cũng có không ít người đã xì mũi thật mạnh nhằm có được cảm giác dễ chịu hơn. Việc xì mũi quá mạnh vô tình sẽ khiến cho hai cơ đòn ở trên mũi bị tác động mạnh nên chức năng của mũi cũng bị ảnh hưởng theo. Do đó, khi muốn xì mũi, hãy nhớ xì từng bên ống mũi một cách nhẹ nhàng chứ không nên dùng lực mạnh.

Các cách chữa khô mũi mùa Đông trên đây chỉ có hiệu quả và nên áp dụng với những trường hợp xuất phát từ yếu tố thời tiết. Nếu mũi bị khô do bệnh lý, người bệnh nên gặp bác sĩ chuyên khoa để có được hướng điều trị hiệu quả hơn.

Gia Khánh (TH)