Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua ứng dụng S-Health

Quang Tú - 15:56 24/02/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với mục đích nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, Tổng Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức tập huấn trực tuyến “Hướng dẫn sử dụng ứng dụng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi S-Health” cho cán bộ y tế tại 5 tỉnh thành gồm Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa và Hà Nội vào ngày 16/2/2022 vừa qua.
Ứng dụng S-Health cung cấp nhiều thông tin về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Được biết, ứng dụng “S-Health” được Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với UNFPA phát triển vào năm 2020. Chữ “S” trong S-Health là viết tắt của từ tiếng Anh “Silver” (nghĩa là “bạc”), tượng trưng cho người cao tuổi, đồng thời mang hình dáng của đất nước Việt Nam. 

Ứng dụng này nhằm thúc đẩy quản lý sức khỏe người cao tuổi thông qua chức năng cung cấp thông tin tăng cường sức khỏe, các bài thể dục và các thông tin, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Hiện có rất nhiều thông tin liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên các trang mạng xã hội, tuy nhiên mục đích của ứng dụng là có thể truyền tải thông tin chính xác nhất tới nhiều người một cách nhanh nhất. 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, cán bộ phụ trách tại Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) bày tỏ mong muốn cùng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ Việt Nam đề ra trong “Chương trình sức khỏe cho người cao tuổi đến năm 2030” và mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). 

Hiện nay, Việt Nam được cho là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới, được dự báo sau 20 năm sẽ trở thành “xã hội dân số già” với số người trên 65 tuổi chiếm 14% tổng dân số. Khi đó, an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người cao tuổi cần được tăng cường, tuy nhiên ngân sách dành cho ứng phó với già hóa dân số còn hạn chế trong khi nhu cầu về các hoạt động dự phòng chăm sóc người cao tuổi ngày càng tăng. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra những ảnh hưởng về mặt thể chất và tinh thần đối với người cao tuổi do giãn cách xã hội và hạn chế hoạt động để phòng chống dịch Covid-19. 

Hoạt động tập huấn lần này với tổng kinh phí khoảng 10 triệu yên (tương đương gần 2 tỷ đồng) đều do JICA tài trợ Và bày tỏ hy vọng ứng dụng S-Health sẽ được phổ biến một cách hiệu quả trên toàn quốc trong thời gian tới và giúp cải thiện sức khỏe người cao tuổi.

Giao diện của ứng dụng S-Health.

 

Cũng trong chuỗi các hoạt động hợp tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, dự án Hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở của JICA “Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số” thực hiện từ năm 2017 đã giới thiệu “bài tập thể dục tránh ngã” cho người cao tuổi ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đây là một hoạt động có hiệu quả phòng chống té ngã và duy trì chức năng thể chất cho người cao tuổi do người dân thành phố Tsuyama tỉnh Okayama, Nhật Bản, thực hiện. Tiếp nối dự án này, từ năm 2022, một dự án mới sẽ bắt đầu với mục tiêu nhân rộng các hoạt động của dự án Hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở sang các tỉnh thành khác của Việt Nam, theo đó sẽ phối hợp thực hiện cùng Tổng cục DS-KHHGĐ và 5 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn hoạt động của Dự án. 

  Trong thời gian tới, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam.