Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Châu Thành quyết tâm đạt chuẩn và phát triển bền vững

Ái Vân - 07:11 10/04/2022 GMT+7
“Năm 2021, huyện ủy Châu Thành xác định chủ đề “Quyết tâm xây dựng huyện Châu Thành đạt chuẩn nông thôn mới, phát triển toàn diện và bền vững”, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt để hoàn thành theo kế hoạch đề ra”, ông Chung Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Ông Chung Hữu Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.

11/11 xã đạt chuẩn NTM

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp huyện Châu Thành đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, trọng điểm như: Vùng lúa chất lượng cao ở xã An Phú Thuận, rau xã Tân Bình, trồng nhãn ở xã An Nhơn, khoai lang ở xã Hòa Tân... Đến nay, cơ sở hạ tầng của các xã được hoàn thiện, giao thông đi lại thuận tiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Vừa qua, Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương đã kiểm tra thực tế, đánh giá trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị huyện Châu Thành, Đồng Tháp đạt chuẩn nông thôn mới. 

Ông Hoàng chia sẻ: Từ khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, huyện ủy đã chọn các xã làm điểm và giao cho Hội Nông dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và là chủ lực để vận động hội viên nông dân tham gia. Hàng năm giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể đảm nhận nhiệm vụ, đối với Hội Nông dân sẽ đảm nhiệm về tổ chức sản xuất và đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn… Hiện nay, huyện đang hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nhưng trong tình hình hiện nay dịch bệnh Covid - 19 làm ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ. Tuy nhiên, Hội vẫn tích cực vận động người dân đóng góp xây dựng đèn đường nông thôn bằng đèn năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm điện về lâu dài và tránh trường hợp cây đổ ngã khi dùng lưới điện quốc gia. 

Khó khăn hiện nay của huyện là tiêu chí thu nhập của người dân, mà thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông sản nhưng trong 2 năm nay dịch bệnh xảy ra, nông sản không bán được, một số nông dân phải phát bỏ. Trước khó khăn của nông dân, Hội hỗ trợ hội viên bằng hành động cụ thể như vận động, liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân. Năm 2021 Hội đã vận động, tiêu thụ hàng ngàn tấn nông sản cho người dân… Nhờ thế, vai trò của Hội Nông dân các cấp ngày càng được nâng lên.

Trong thời gian tới, sẽ hướng nông dân sản xuất liên kết lại với nhau và sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, thành lập nhiều chi tổ hội và hợp tác xã. Vận động nông dân phải gắn với quyền lợi của nông dân, ví dụ như thời điểm nông dân không bán được nông sản hoặc bán với giá thấp thì hợp tác xã hỗ trợ thu mua cho người dân với giá cao. 

Hiện nay, huyện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là một trong những điều kiện để huyện chuẩn bị cho việc đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện và tiếp tục thực hiện xã nông thôn mới nâng cao. Tại buổi làm việc với Đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương đã đánh giá cao sự vào cuộc và kết quả nỗ lực của toàn hệ thống chính trị huyện Châu Thành, đặc biệt sự đồng thuận vào cuộc của người dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là các nội dung liên quan đến từng lĩnh vực như môi trường, tổ chức sản xuất, thu nhập, giao thông, giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa… 

Tuy nhiên, huyện Châu Thành đang điều chỉnh một số nội dung góp ý của các thành viên đoàn và hồ sơ làm cơ sở để Đoàn đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cán bộ, hội viên nông dân Châu Thành tham gia xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng phát huy thế mạnh của địa phương

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn các xã của huyện Châu Thành đã không ngừng thay đổi. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đúng hướng, các mô hình kinh tế tập thể phát huy hiệu quả và phát huy được nhiều thế mạnh của địa phương. 

Ông Hoàng cho biết: Thế mạnh của huyện là cây nhãn Châu Thành, đến nay, huyện đã thành lập được 2 hợp tác xã và mở được điểm bán tại chợ nông sản Thủ Đức, TP. HCM và cung cấp cho nhiều hệ thống các siêu thị. Các đơn vị này không chỉ thu mua nhãn mà còn nhiều loại nông sản khác trên địa bàn và các vùng lân cận. Việc khoai lang tím Nhật thời gian qua bán không được hoặc bán với giá rất thấp là do không xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giống khoai này năng suất khá cao, nếu có đầu ra ổn định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế tốt cho nông dân. Vấn đề tồn đọng trong nông dân hiện nay là một số hộ dân hay trồng theo xu hướng, thấy cây nào có hiệu quả sẽ chặt cây đang trồng rồi chuyển sang cây mới, nếu tình trạng, thói quen này kéo dài người dân sẽ gặp khó khăn. 

Đối với huyện Châu Thành, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là phải ký cam kết sản xuất an toàn và cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chất lượng. Đây là cách nhằm tạo cho người dân có trách nhiệm với sản phẩm của mình, tránh trường họp tôi trồng riêng tôi ăn còn sản phẩm bán ra làm cho đẹp mắt là được. 

Đến nay, trên địa bàn huyện Châu Thành có khoảng 40 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh từ 3 sao đến 4 sao, chủ yếu là các sản phẩm được chế biến từ các nguyên liệu tại địa phương như nhóm sản phẩm thực phẩm: Gạo, ngũ cốc, hạt và rau, củ, quả và chè tươi... 

Huyện Châu Thành là một trong những địa phương có Chương trình OCOP phát triển mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn gặp nhiều khó khăn như nhiều chủ thể chưa chủ động tham gia Chương trình; chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích các chủ thể hoặc ưu đãi sau khi sản phẩm đã đạt được chứng nhận... 

“Thời gian qua, các Chi hội nông dân đã thành lập Tổ tương tế nhằm hỗ trợ công tác trong chi hội, khi có người qua đời thì các hội viên sẽ đóng góp một khoản tiền khoảng gần 7 triệu đồng mỗi lần có người qua đời. Ai tham gia sẽ góp trước 20.000 ngàn đồng, Tổ trưởng tổ hội sẽ thay mặt đi thăm viếng. Mô hình Tổ tương tế đã hoạt động và duy trì được gần 6 năm nay. Hoạt động này được hội viên đồng tình ủng hộ vì xây dựng trên tinh thần “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách”, với số tiền đóng góp trên đã giúp nhiều hộ gia đình có người mất trang trải một phần chi phí mai táng”.
Ông Chung Hữu Hoàng.