Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển giao miễn phí mô hình “trồng nấm đông trùng trong phòng lab” giúp nông dân

Tú San - 14:36 13/10/2023 GMT+7
Sau thời gian tìm hiểu cách thức trồng nấm đông trùng từ các trang trại từ Bắc vào Nam, cộng thêm sự tư vấn của chuyên gia của Sở KHCN tỉnh Đồng Nai, ông Kiều Thanh Ngọ (Long Thành, Đồng Nai) đã xây dựng thành công mô hình khép kín từ nuôi cấy, trồng, thu hoạch và sấy thăng hoa nấm Đông trùng Hạ thảo với nhiều sản phẩm với giá trị kinh tế cao. Với mô hình trồng này, ông Ngọ mong muốn được chuyển giao quy trình công nghệ miễn phí cho bà con nông dân tái khởi nghiệp.

Huyện Long Thành (Đồng Nai) trước đây chủ yếu là khu vực sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên với xu thế phát triển ngày càng nhanh của tỉnh Đồng Nai thì huyện Long Thành đang là một huyện phát triển mạnh mẽ nhất với nhiều dự án lớn được triển khai như sân bay Long Thành, các khu công nghiệp, khu dân cư phụ trợ…cho nên vấn đề thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ nhu cầu phát triển là rất lớn. Theo đó, số lượng hộ nông dân nằm trong diện thu hồi đất phục vụ phát triển cũng chiếm số lượng nhiều. Vì vậy, việc tái khởi nghiệp khi diện tích đất bị thu hẹp (hoặc bị thu hồi toàn phần) sẽ là một câu hỏi khó cho người nông dân khi chọn một phương án phù hợp điều kiện kinh tế lẫn tâm lý làm nông từ trước.

Mô hình trồng nấm trong phòng lab được ông Ngọ áp dụng với hệ thống tự động hoá cao - Ảnh TS

Anh Nguyễn Đình Trọng, hộ nông dân ngụ tại D45 - LK D14 khu tái định cư Lộc An thuộc dự án sân bay Long Thành, chia sẻ: "Mô hình này tôi cũng được biết thông qua các buổi đi tham quan, các hội thảo do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai tổ chức. Tôi thấy gian hàng nấm Đông trùng Hạ thảo cũng trưng bày sản phẩm và nhận được chia sẻ. Qua đó tôi nhận thấy việc đầu tư một phòng trồng lab cũng không tốn chi phí quá cao, cũng như diện tích nhỏ và nơi tái định cư của gia đình cũng có thể đáp ứng được. Tôi đã tìm hiểu và trồng để thử nghiệm. Đến nay, các sản phẩm giống được ông Ngọ cung cấp đang dần phát triển tốt, khả năng cao cho ra sản phẩm chất lượng để cung cấp ra thị trường".

Gia đình anh Nguyễn Đình Trọng tại huyện Long Thành tỉnh Đồng Nai là hộ nông dân được ông Ngọ chuyển giao công nghệ - Ảnh TS

Ông Kiều Thanh Ngọ - Giám đốc Công ty TNHH Sức Khoẻ Vàng cho biết: “Mô hình đầu tư cho một phòng lab trồng nấm Đông trùng Hạ thảo đã được Công ty chuẩn hoá về quy trình và sẵn sàng chuyển giao công nghệ nuôi trồng này miễn phí đến bà con nông dân có ý muốn tái khởi nghiệp tại địa phương. Tuỳ vào điều kiện diện tích của bà con thì mức độ đầu tư thiết bị sẽ giảm hoặc tăng theo nhu cầu. Ví dụ cụ thể một phòng lab của Công ty hiện tại với diện tích 12m2 thì mức độ đầu tư cho các thiết bị kỹ thuật chỉ từ 25 đến 30 triệu đồng gồm các thiết bị làm lạnh, điều chỉnh nhiệt độ, phun sương cấp ẩm…và hoàn toàn điều khiển tự động theo quy chuẩn hiện đại 4.0. Đặc biệt là khâu sấy thăng hoa để cho ra thành phẩm được đầu tư khá tốn kém thì công ty chúng tôi sẽ hỗ trợ gia công khi bà con có nhu cầu. Tuy nhiên hiệu quả mang lại là sản phẩm giữ được tính dược liệu cao, thời gian bảo quản được dài và thành phẩm hình thức đẹp dễ cho việc đóng gói và bán hàng”. 

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nông dân triển khai nhân rộng mô hình tại địa phương cũng được doanh nghiệp quan tâm với mong muốn thiết thực là giúp các hộ nông dân có một công việc phù hợp mang lại thu nhập ổn định tại địa phương để cùng phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp ngoài hỗ trợ từ khâu tư vấn, chuyển giao quy trình công nghệ, cung cấp phôi nguyên liệu cho đến lắp đặt hệ thống đủ tiêu chuẩn cho phòng lab thì doanh nghiệp cũng sẽ hỗ trợ người nông dân trong khâu gia công sấy lạnh để cho ra thành phẩm cung cấp cho thị trường với mức chi phí tiết kiệm hơn từ 30-50%.

Với việc trồng nấm trong phòng lab này thì thời gian cho khâu thiết kế lắp đặt rất ngắn, phôi nguyên liệu được cung cấp trực tiếp và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời từ doanh nghiệp thì mô hình này có thể áp dụng và triển khai được ngay khi người nông dân có nhu cầu tái khởi nghiệp với diện tích đất nhỏ. Đây cũng là mô hình đáng được phổ biến tới những khu vực nông thôn đang từng bước đô thị hoá cao nhằm giúp người nông dân có một cuộc sống ổn định mà vẫn có thể tiếp tục với nghề truyền thống.