Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chuyển đổi số - cơ hội làm giàu cho nông dân Bắc Giang

Hoàng Tính - 07:18 05/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua hoạt động chuyển đổi số đã được nhiều nông dân ở tỉnh Bắc Giang áp dụng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... từ đó đã giúp các hội viên nông dân vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.

Chủ động hơn trong khâu tiêu thụ
Ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc HTX Nông sản an toàn Lục Nam (thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam) cho hay: Hiện nay, chúng tôi đang liên kết cùng với bà con nông dân để trồng và tiêu thụ các sản phẩm dưa, măng tây… Trước đây chúng tôi chỉ bán hàng thông qua các cửa hàng ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Yên. Nhưng giờ đây với xu thế toàn cầu 4.0 chúng tôi cũng đã thành lập Zalo, Facebook và chủ động tham gia vào các nhóm thông tin, chợ hoa quả, hội hoa quả… để kết nối với thị trường. Việc bán hàng online cũng ngày càng thuận lợi bởi khách hàng giờ đây cũng đã thay đổi phương thức tiếp cận thông tin.

Vải thiều huyện Lục Ngan đã tiêu thụ thuận lợi hơn từ việc áp dụng công nghệ thông tin trong khâu quảng bá, bán hàng.

Nhắc đến nông sản Bắc Giang, không ai là không biết tới vải thiều Lục Ngạn. Nhưng đây là nông sản “khá khó tính” trong bảo quản, bởi thời gian từ khi thu hoạch tới tay người sử dụng càng nhanh thì chất lượng quả vải càng đảm bảo chất lượng. Trước đây người dân chỉ thu hoạch rồi đem ra chợ bán cho thương lái thu mua, nhưng với công nghệ thông tin nhiều gia đình, HTX, doanh nghiệp ở huyện Lục Ngạn đã chủ động bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT. Từ khi có đơn hàng, các chủ vườn đã chủ động thu hoạch, đóng gói và vận chuyển vải thiều nhanh chóng, kịp thời tới tay người tiêu dùng.
Được tiếp cận việc bán nông sản vải thiều trên sàn TMĐT, anh Phan Văn Nết - Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (xã Phì Điền, Lục Ngạn) cho hay: “Hai năm gần đây với việc áp dụng công nghệ thông tin, việc bán hàng qua sàn TMĐT đã giúp HTX chúng tôi tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn”. Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet là người mua có thể đặt hàng và HTX nhanh chóng xác nhận đơn hàng. Có thời điểm mỗi ngày HTX có hàng trăm đơn hàng gửi đi các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong vụ vải thiều năm 2022, HTX đã tiêu thụ được trên 30 tấn vải thiều thông qua sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.
Giúp nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số
Ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Bắc Giang không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc bán hàng hay góp phần tăng năng xuất, sản lượng nông sản, cây trồng mà là giúp cho các hộ ND trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn được cập nhật những tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi để bắt nhịp với xu thế trong phát triển nông nghiệp ngày một tốt hơn.
Xác định muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thành công phải bắt đầu từ người ND, bởi vậy, thời gian qua, Hội ND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, hướng dẫn chuyển đổi số cho hội viên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ ND trong việc nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, thay đổi tư duy sản xuất truyền thống của nông dân sang một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm; hướng dẫn ND tham gia xây dựng mã số vùng trồng, cập nhật và ứng dụng các dữ liệu về nông nghiệp như: Cây trồng, vật nuôi, thủy sản… để ND định hướng sản xuất kinh doanh phù hợp.
Đồng thời Hội ND Bắc Giang cũng đẩy mạnh tìm kiếm, giới thiệu các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín cung cấp các nền tảng chuyển đổi số ưu việt để hội viên ND, HTX trên địa bàn chủ động kết nối, lựa chọn những giải pháp, ứng dụng phù hợp nhất.

Chỉ với máy tính và điện thoại có kết nối Internet là nông dân Bắc Giang đã chủ động đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Thông qua những cách làm này đã giúp cho ND tỉnh Bắc Giang mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và kinh doanh. Chính vì vậy trong năm 2022, đã có 104.635 hộ đạt hộ ND sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; xuất hiện ngày càng nhiều những điển hình ND sản xuất kinh doanh giỏi không cam chịu đói nghèo, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đổi mới tổ chức, liên kết sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản.
Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song trên thực tế việc áp dụng nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của ND Bắc Giang vẫn khó khăn. Bởi rào cản lớn nhất vẫn là làm sao để thay đổi được tư duy của ND sản xuất theo hướng hiện đại. Bởi vậy, để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho ND là yêu cầu cấp thiết cần được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa. 
Cùng với đó, ND cũng phải tích cực chủ động học hỏi để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin trong thời đại 4.0, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản.