Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với Chi tổ, hội Nông dân nghề nghiệp

08:16 26/02/2021 GMT+7

Ngày 24.2.2021, đoàn công tác của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) do đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc với các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ nhằm chuẩn bị triển khai Đề án về việc xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với chi tổ, hội Nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN phát biểu ý kiến.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền – Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận tỉnh; đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh cùng nhiều cán bộ lãnh đạo UBND và Hội ND các cấp có liên quan.

Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị triển khai Đề án về việc xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với chi tổ, hội Nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu cụ thể của Đề án là mỗi năm thực hiện 26 mô hình sản xuất gắn với thành lập hoạt động chi, tổ hội nghề nghiệp, góp phần giảm hộ nghèo từ 2.200 – 2.600 hộ theo từng năm và tập huấn bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kế hoạch chi tiêu trong gia đình cho khoảng từ 8-10 nghìn chủ hộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Khắc Đính đề nghị các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cung cấp rõ thông tin về tình hình nông dân và nông thôn trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW, ngày 5.8.2019 của Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN về đẩy mạnh xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, tổ hội ND nghề nghiệp (Nghị quyết 04) và kết quả xây dựng mô hình giảm nghèo của địa phương. Tình hình Hội ND các cấp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời, có những kiến nghị, đề xuất cụ thể để Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN đề ra giải pháp, phương hướng hoạt động cụ thể về xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với chi tổ, hội Nông dân nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi làm việc.

Nhiều ý kiến sâu sát từ cơ sở

Theo ông Nguyễn Văn Quế – Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Hạ Hoà thì huyện có 19 xã và 1 thị trấn và là một trong những huyện khó khăn của tỉnh, huyện mới chỉ có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng bào DTTS ở đây đều là hộ gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần. Năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất kinh doanh của bà con. Chính vì vậy, rất cần sự phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức đoàn thể để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp giúp nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, đồng chí Nguyễn Kim Ngọc – Chủ tịch UBND xã Yên Kỳ cho rằng: Trong năm 2020, xã cũng đạt được một số kết quả nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mặc dù, sản xuất nông nghiệp liên tục bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi, dịch bệnh diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát, song công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu vụ đã được triển khai tích cực, kịp thời, công tác cung ứng giống, vật tư và các tiến bộ khoa học vào sản xuất được tăng cường, chú trọng. Đặc biệt, việc thực hiện Nghị quyết số 04 trên địa bàn xã đã thành lập được  tổ hội nghề nghiệp nuôi cá gồm 13 hội viên; tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến chè xanh Yên Kỳ gồm 42 thành viên; 4 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP gồm 34 hội viên…

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong năm 2021 và những năm tiếp theo, UBND xã Yên Kỳ đề nghị các cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản và hỗ trợ người dân về ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả của mô hình; Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các mô hình trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất, chế biến chè an toàn, phát triển nhãn hiệu chè tập thể “Chè xanh Yên Kỳ”; Khuyến khích thành lập HTX chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết với các công ty, doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, có truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm…

Đại diện lãnh đạo của xã Vô Tranh cho biết thêm: Đây là xã có diện tích rộng nhất huyện (2.500ha) nhưng lại đặc biệt khó khăn của huyện Hạ Hoà. Diện tích sản xuất nông nghiệp chỉ có 282ha, còn lại chủ yếu là đất rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Các ngành nghề, dịch vụ trên địa bàn còn chậm phát triển. Một số điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi nên sản xuất hàng hoá còn hạn chế, bà con trồng gỗ nguyên liệu là chính, đối với sản xuất nông nghiệp chủ yếu chỉ phục vụ trên địa bàn, chưa xây dựng được vùng sản xuất đặc trưng.

Hội ND xã đã tổ chức vận động tuyên truyền về thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế nhưng do trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Xã Vô Tranh có lợi thế về rừng, trồng cây nguyên liệu nhưng đã nhiều năm độc canh một loại cây nên hiện tại tài nguyên đất bị suy kiệt, khiến năng suất giảm, nhiều hộ gia đình bị thiệt hại. Công ty trực tiếp thu mua nguyên liệu cũng đã cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn cho bà con nhưng vẫn chưa xử lý được. Mong muốn được sự quan tâm của các cấp, chính quyền, tổ chức đoàn thể để bà con có thể sản xuất được những sản phẩm tốt, nâng cao thu nhập. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020, HTX Thuỷ sản xã Vô Tranh được thành lập, do thời gian còn ngắn nên cũng chưa thấy rõ kết quả cụ thể. Chăn nuôi đại gia súc cũng đang ở mức hộ gia đình, mong muốn của xã có sự đầu tư của doanh nghiệp, các ngành, các cấp để hình thành xây dựng mô hình để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá.

Báo cáo của BCH Hội ND huyện Hạ Hoà về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 04 cũng khẳng định, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của Hội cấp trên, của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể. Chính vì vậy, việc triển khai nghị quyết, việc xây dựng mô hình chi, tổ hội ND nghề nghiệp, HTX, tổ hợp tác đã được các cấp Hội quan tâm, tổ chức thực hiện nhằm xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ nông dân về kiến thức, vốn, KHKT, hỗ trợ vật tư nông nghiệp… của Hội đã trực tiếp giúp cho ND có điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế như ở một số cơ sở Hội việc cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết đã chưa chủ động tham mưu, phối hợp triển khai thực hiện vì vậy số lượng thành lập mới còn ít. Một số cơ sở Hội nhận thức chưa đẩy đủ việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp nên công tác triển khai còn lúng túng, chưa thực sự làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Một số nơi mới chỉ dừng lại ở mức độ xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp điểm còn chưa nhân rộng được nhiều, chất lượng hoạt động của một số chi, tổ hội còn thấp chưa hiệu quả; chậm xây dựng và ban hành quy chế hoạt động, chưa phát huy được vai trò của chi hội và tổ hội trưởng, nội dung sinh hoạt còn sơ sài, chưa thu hút hội viên tham gia.

Về tình hình Hội ND các cấp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi trong những năm qua, đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh – Chủ tịch Hội ND tỉnh cho biết: Hội ND các cấp trong tỉnh đã từng bước đổi mới về nội dung và phương pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, tuyên truyền vận động trên 70% số hội viên đăng ký phấn đấu và có 50% số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ hội viên vùng DTTS và miền cùng làm giàu và phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ND; gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc…Trong giai đoạn 2021- 2025 các cấp Hội ND trong tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở vùng DTTS và miền núi như: Tuyên truyền tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc tới đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh; thực hiện các chính sách hỗ trợ, chăm lo cho đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là chính sách về đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND phát triển kinh tế, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật…

Đồng chí Đinh Khắc Đính (đứng giữa) tặng quà cho 11 hộ nghèo tại xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.

Phát huy hiệu quả của mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 04 trên địa bàn tỉnh, đồng chí Hạnh đề xuất: Một là, T.Ư Hội NDVN quan tâm, tạo điều kiện, bố trí kinh phí để Hội ND tỉnh Phú Thọ triển khai xây dựng từ 3-4 dự án/mô hình/năm để giúp ND giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng chi, tổ hội ND nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Bổ sung Phú Thọ là tỉnh nằm trong đối tượng ưu tiên triển khai thực hiện Đề án này của T.Ư Hội NDVN. Hai là, bố trí nguồn kinh phí đầu tư nâng cấp Trung tâm HTND và giáo dục nghề nghiệp, nhất là trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề, đặc biệt dạy nghề cho ND vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ba là, tiếp tục phân bổ nguồn vốn Qũy HTND để Hội ND tỉnh triển khai cho vay các dự án phát triển kinh tế và các nguồn kinh phí để triển khai các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình điểm trong năm 2021. Bốn là, T.Ư Hội NDVN chỉ đạo xây dựng hệ thống sổ, biểu mẫu, phần mềm quản lý hội viên thống nhất trong toàn quốc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Khắc Đính đánh giá cao kết quả về công tác Hội và phong trào ND của tỉnh, đặc biệt là việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của BCH T.Ư Hội NDVN…

Nhấn mạnh về việc triển tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của BCH T.Ư Hội NDVN, theo đồng chí Đinh Khắc Đính, trước đó, Đoàn công tác đã đi thăm mô hình chi hội nuôi thủy sản (gồm có 11 thành viên) và mô hình nuôi gà của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nhật ở xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa. Tuy nhiên, những mô hình này mới chỉ dừng lại ở mức tham gia tự phát của các hộ nông dân nên hiệu quả chưa cao, vì vậy, đồng chí Đinh Khắc Đính lưu ý các cấp Hội trong thời gian tới cần phải gắn các mô hình phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS với chi tổ hội nghề nghiệp theo tiêu chí “5 cùng” để tất cả thành viên cùng chăm lo từ đầu vào đến đầu ra, đăng ký chỉ dẫn địa lý, nâng cao chất lượng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Những sản phẩm đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý rất có lợi thế để phát triển thành những sản phẩm chủ lực đạt tiêu chuẩn, trợ giúp cho phát triển nông nghiệp bền vững. Các mô hình này phải phù hợp với quy hoạch của xã và đề nghị Hội ND các cấp tiếp tục tham gia, tiếp tục phát triển các mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp trên địa bàn, nhất là ở địa bàn vùng DTTS, miền núi của 3 xã Vô Tranh, Hiền Lương, Yên Kỳ.

“Cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ, các cấp Hội cần tích cực vận động, khai thác, tận dụng thêm nhiều nguồn lực khác nhau để giúp bà con đồng vào DTTS tiếp cận được nhiều nguồn vốn hỗ trợ. Các cấp Hội cần tham mưu để tăng nguồn vốn của Quỹ HTND nhằm giúp nông dân ở vùng DTTS tốt hơn” – đồng chí Đinh Khắc Đính khẳng định.

Đồng chí Đinh Khắc Đính thăm mô hình nuôi gà của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nhật (xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ).

Để phát triển các chi tổ, hội nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS, đồng chí Đinh Khắc Định yêu cầu các cấp Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ cần lưu ý một số nội dung trọng tâm sau: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ đạo để nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện về xây dựng chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp thông qua sinh hoạt của các chi, tổ Hội giúp cho hội viên nông dân, đặc biệt là đồng bào DTTS thấy được mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và tích cực tham gia.Thứ hai, đẩy mạnh thành lập chi, tổ hội ND nghề nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng “5 cùng”: Cùng lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.  Thứ ba, phải căn cứ vào quy hoạch sản phẩm chủ lực của địa phương và yêu cầu của thị trường để chọn lựa và sản xuất nông sản phù hợp, hiệu quả. Việc trồng cây gì, nuôi còn gì, làm dịch vụ như thế nào, vấn đề nào là chủ lực, vấn đề nào có thể kết hợp…cũng cần bàn bạc trong BCH Hội, xin ý kiến cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức có liên quan. Thứ tư, tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Hội các cấp nhất là cán bộ Hội cơ sở, chi hội trưởng, tổ hội trưởng nông dân nghề nghiệp ở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS theo từng lĩnh vực và phân công các thành viên phụ trách trong từng khâu từ đầu vào – quá trình sản xuất – đầu ra. Thứ năm, tăng cường hỗ trợ, tập trung nguồn lực trong việc xây dựng và phát triển mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong quá trình thực hiện, cần xem xét, biết tận dụng các nguồn lực hỗ trợ như ngân sách, tín dụng ngân hàng, vận động xã hội hóa, đặc biệt là phát huy nội lực của chủ thể chính là nguồn quan trọng nhất. Chú trọng hỗ trợ cho đồng bào DTTS về phương tiện sản xuất, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề. Thứ sáu, có mục tiêu phấn đấu rõ ràng sau khi tổ, hội nghề nghiệp thành lập và hoạt động. Có thể vận động, định hướng phát triển thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã, doanh nghiệp phù hợp và sản xuất theo chuỗi giá trị đáp ứng được yêu cầu của thị trường…

Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cũng cho biết với những kiến nghị, đề xuất của Hội ND các cấp tỉnh Phú thọ, Đoàn công tác sẽ tiếp thu và tổng hợp để trình Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN để có những hướng đi đúng, phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

Kết thúc buổi làm việc, nhân dịp đầu Xuân năm mới, đồng chí Đinh Khắc Đính cũng chúc các cấp Hội ND trong tỉnh gặt hái được nhiều thành công, góp phần cùng tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, đạt được là vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và cả nước trong năm 2021.

Cũng trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Phú Thọ, đồng chí Đinh Khắc Đính đã trao các phần quà cho 11 hộ nghèo tại xã Yên Kỳ. Đây là những món quà nhỏ do bạn đọc của Tạp chí Nông thôn mới và Hội ND tỉnh Phú Thọ quyên góp ủng hộ.

Bài, ảnh: Quang Tú