Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đồng Tháp tiên phong chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh

Nguyễn Tâm - 07:09 30/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý. Tuy nhiên chỉ mang tính chất bước đầu, thiếu sự đồng bộ và quy mô còn nhỏ. Do đó, Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn” - ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết.

Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Đồng Tháp có 103/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 94,78%); 26/109 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (chiếm 23,85%); 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 357 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao, các sản phẩm này được kết nối đưa vào hệ thống các cửa hàng đặc sản tại các điểm du lịch…
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng NTM ở Đồng Tháp, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được nhân rộng, phát triển mang lại lợi ích thiết thực cho nông dân.
Điển hình như mô hình “Cây xoài nhà tôi” của Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương, tổ chức bán hàng trên website, góp phần đưa thương hiệu xoài Cao Lãnh vươn xa ra châu Á, châu Âu đến châu Mỹ xa xôi; mô hình “Canh tác lúa thông minh” của HTX Mỹ Đông 2 thực hiện thí điểm trên diện tích 7,6ha/5 hộ đã tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất. Đến nay, mô hình đã nhân rộng lên 60ha và được doanh nghiệp triển khai thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu đầu vụ…
 Mô hình “du lịch cộng đồng” tại homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà Hoa - Ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà Hoa Hồng (ở thành phố Sa Đéc) đã phát huy hiệu quả. Các mô hình đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn. 
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 92 “Hội quán” với gần 5.000 thành viên, đã triển khai 110 mô hình hoạt động gắn với từng ngành, nghề đặc trưng của địa phương, tạo được xu hướng mới trong hợp tác sản xuất. Đồng thời, chủ động đổi mới tư duy, tiếp cận khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Từ đó, nâng cao chất lượng kinh tế tập thể và đem lại lợi ích thiết thực cho nông dân. Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc cho biết, từ năm 2015 trở về trước, nhiều hộ gia đình trồng cây kiểng ở làng hoa hơn 100 tuổi này thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Thực hiện chủ trương của tỉnh, từ năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn.
Chính từ mô hình hội quán, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án “Làng thông minh” giúp nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững. 
Chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc
Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Thời gian qua, trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đã có những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý. Tuy nhiên chỉ mang tính chất bước đầu, thiếu sự đồng bộ và quy mô còn nhỏ. Do đó, Đề án Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa ban hành được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp sẽ giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về cảnh báo dịch hại, thời tiết, thị trường, thành tựu khoa học, công nghệ mới, tự động hoá và quản trị quy trình sản xuất hiệu quả hơn, đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng nhanh nhất, tiết giảm chi phí trung gian, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất. 
Cùng với đó, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đầy đủ thông tin sản xuất (vùng nguyên liệu, sản lượng thu hoạch, mùa vụ, cơ cấu giống, tổ chức đại diện nông dân gắn với vùng sản xuất) để hoạch định chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị; thông qua hoạt động kết nối trực tiếp trên môi trường mạng hình thành mối liên kết 4 nhà (cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sản xuất) và kết nối giữa người sản xuất với nhau góp phần tạo sự đồng thuận gắn kết phát triển bền vững.

Slogan về Kinh tế xanh và chuyển đổi số của tỉnh Đồng Tháp hiện diện trang trọng trên cổng dẫn vào trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh: Lục Tùng
Tỉnh Đồng Tháp đã đăng ký với Bộ NN&PTNT mô hình thí điểm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh “Xã thương mại điện tử” tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh nhằm mục tiêu hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch của cá nhân, tổ chức tại địa phương.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, để các nhiệm vụ đề ra đạt yêu cầu, tỉnh đưa ra các giải pháp cụ thể: Tiếp tục đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng NTM cho các cấp uỷ, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên các nền tảng công nghệ số như: Các cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề, tài liệu; đẩy mạnh gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng NTM, trong các hội nghị, hội thảo, các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước, tổ hợp tác, HTX, Hội quán trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động chuyên môn, các chương trình, dự án lồng ghép các nội dung về chuyển đổi số nông nghiệp. 
Ông Nguyễn Phước Thiện nhấn mạnh, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng chuyển đổi số trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành nông nghiệp nhằm lưu trữ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và nhu cầu khai thác của doanh nghiệp; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm…