Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Gian nan nghề cào vẹm trên đầm Thị Nại

09:46 10/07/2018 GMT+7

Đầm Thị Nại được xem là một trong những khu vực giàu tiềm năng thủy hải sản của tỉnh Bình Định. Ngoài việc trồng lúa nước, gần đây vùng đất khu Đông thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, thôn dân ở đây lại làm thêm nghề cào vẹm, một nghề được xem là có thu nhập khá.

Những thôn dân nơi này mỗi ngày lại trầm mình dưới làn nước biển để cào vẹm (con Dẹm) bán để tăng thêm thu nhập. Thế nhưn, nghề cào vẹm ở đây thu nhập có cao thế nào đi chăng nữa thì cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và nhọc nhằn. Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm thực tế…

Lên đường trước bình minh

Cách trung tâm thành phố Quy Nhơn về phía Bắc khoảng chừng 25km, hỏi vùng khu Đông thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước thì hẳn ai cũng sẽ tận tình chỉ đường. Buổi chiều muộn, áng mây hãy còn vàng ruộm màu nắng. Chúng tôi có dịp bắt gặp những phận người ướt như chuột lột đang nhanh chân bưng những chiếc rổ đầy chuyền tay nhau đưa lên cân sau đó đóng vào bao bì. Hỏi ra mới biết được họ vốn là những thôn dân, sau khi thu hoạch hết vụ lúa lại đi làm biển kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Những chiếc rổ chứa đầy thành phẩm đó là những con vẹm (người dân ở đây gọi là con dẹm) được họ cào dưới biển mang về để bán cho thương lái. Sản phẩm này được các thương lái vùng Phú Yên mua về bán lại cho người nuôi tôm hùm. Theo người dân nơi đây cho biết thì vùng đầm Thị Nại là một trong những khu vực đầm nước mặn có nhiều con vẹm, bám thành mảng dưới đáy đầm. Con vẹm này lại là một trong những nguồn thức ăn ưa thích của tôm hùm, do vậy các thương lái tiến hành thu mua sản phẩm. Sau đó chuyển vào Phú Yên bán cho người nuôi tôm hùm.

Thôn dân khu Đông trầm mình dưới làn nước.

Để tìm hiểu thực hư về cái nghề bám mình dưới làn nước này, nhóm PV chúng tôi đã có dịp theo chân những thôn dân này trên những chuyến đi. Có hòa cùng mồ hôi nước mắt của những người dân khu Đông giữa cái nắng nóng trên mặt biển trong lúc cào vẹm mới thấu được cảnh lam lũ mà họ đánh đổi để có được thành quả cuối ngày. Những mệt nhọc được họ thay thế bằng nụ cười khi thấy được khoang đầy vẹm, tựa như niềm tin vào tương lai tươi sáng cho gia đình nếu người ta chịu khó tranh thủ bám nghề.

Nghề cào vẹm không phải đơn thuần ôm cào, xách nước là có thể lên đường. Với những người dân khu Đông thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước thì công việc đầu tiên để có thể hành nghề cào vẹm đó là xem xét con nước thủy triều trên đầm. Nếu nước dâng cao thì công việc của các thôn dân là chờ đợi trên chiếc ghe. Sự chờ đợi này có khi là một giấc ngủ vội chập chờn, có khi lại là những câu chuyện đùa vui, vu vơ không đầu, không cuối của những người đàn ông, đàn bà về con cái, về tương lai…. Họ chờ, đến khi nước rút cạn thì lại khăn gói lên đường, bất kể ngày đêm.

3 giờ sáng những ngày cuối tháng tám âm lịch, là lúc thủy triều xuống thấp đến phần lưng. Khi xóm làng còn yên bình trong giấc ngủ mê thì những thôn dân cào vẹm đã phải thức giấc để bắt đầu một ngày làm việc. Theo chân những người dân nơi đây thức giấc, chúng tôi xuống phiên chợ sớm, sắm sửa thức ăn cho ngày dài trầm mình dưới làn nước. Bởi vì đi làm sớm, lại phải trầm mình dưới làn nước cả ngày nên giấc ngủ với họ là một hạnh phúc. Phiên chợ sớm vốn dĩ là phiên chợ cho những người mua đi bán lại (ở đây gọi là chợ bán sỉ) thế nhưng lại trở thành phiên chợ cứu sinh cho những người làm vẹm. Chị Nguyễn Thị Khánh Hậu (37 tuổi) nói “Làm nghề này tối về mỏi lắm, rũ hết cả tay chân. Tranh thủ ngủ được chút nào ngủ, có chợ nhóm sớm cũng khỏe, muốn ăn gì đều có hết,đỡ phải dậy sớm nấu ăn, mua mang theo xuống biển ăn rồi làm luôn”. Xuống bến đậu ghe, những người cào vẹm này vào nhà dân gần đó lấy những chiếc cào lưới cước được gửi lại mang xuống sõng. Sau đó chèo sõng ra chiếc ghe đang đậu phía ngoài xa khơi. Bởi vì sát mép bến đậu sõng, mực nước không đủ để ghe đậu, nếu cố gắng áp sát bờ sẽ dễ bị mắc cạn, không ra được.

Một người phụ nữ đang đổ cào vẹm lên sõng.

Một chiếc ghe như vậy có thể kéo theo 6 đến 7 chiếc sõng con nối đuôi nhau lướt băng băng trên mặt đầm Thị Nại. Lúc này đây, người cầm lái có vai trò rất quan trọng, đó là người có thể xác định được mực nước nông sâu của đầm. Bởi vì thủy triều bắt đầu rút dần thì không phải chỗ nào chiếc ghe cũng có thể lướt băng trên mặt nước được.  Họ phải rành vùng lạch sâu để cho ghe đi. Công việc tiếp đến đó là dò tìm đến bãi có nhiều mảng vẹm để có thể khai thác được năng suất, mong được cuối ngày bội thu. Có thể nói những việc này diễn ra chỉ trong tích tắc, khoảng hơn một tiếng đồng hồ những thôn dân này đã xác định được vị trí cắm sào đậu ghe.  Lúc này, ánh bình minh hãy còn lẩn khuất phía chân trời.

Trầm mình trong làn nước

Sau khi đậu ghe ở khu vực được nhận định là có nhiều mảng vẹm bám đáy, mỗi người làm vẹm lại lên chiếc sõng riêng của mình, chèo ra ngoài khơi. Tiếp đến, họ dùng cây sào đo mực nước sau đó ước lượng với thân người. Nếu mực nước tới khoảng từ cổ trở xuống là người ta có thể bắt đầu làm việc được. Mang theo chiếc cào miệng vuông, có đáy rộng họ nhảy ùm xuống dòng nước, bắt đầu công việc trầm mình dưới làn nước.

Nhìn những thân rái ngụp lặn dưới làn nước tưởng như công việc được thực hiện một cách dễ dàng, theo chân họ nhảy xuống ghe mới thấy được mọi việc là điều không tưởng. Chỉ riêng việc cầm chiếc cào đứng thẳng, giữ cho nó chạm đáy thôi cũng đã không dễ dàng. Bởi vì, nước biển thì luôn chảy xuôi thành dòng, những chiếc cào phải đủ nặng để có thể không trôi theo dòng nước. Như vậy, đòi hỏi bản thân những người cào vẹm phải có sức khỏe, lực tay đủ mạnh để kéo theo chiếc cào dưới lực cản của nước. Tiếp đó là dùng chân lừa trên đáy nước, nếu đạp phải những mảng miếng cứng rắn thì đích thị là đã trúng vẹm. Lúc này, công việc của người cào là dùng chân cạy những mảng đó lùa vào trong chiếc cào. Nếu gặp phải những mảng lớn, cứng rắn, người làm dùng chân không được, họ phải ngụp lặn xuống đáy, dùng chân giữ cào rồi dùng tay lùa vẹm vào cào. Ngâm mình dưới nước lại thấy mồ hôi nhỏ giọt, có thể thấy cào vẹm là một công việc đòi hỏi nhiều sức người.

Ghe kéo sõng tìm địa điểm cào vẹm.

Chưa dừng lại ở đó, những mảng vẹm được lùa vào cào chưa phải là thành phẩm bởi những mảng chứa vẹm nhưng đồng thời cũng chứa bùn đất, vỏ sò, vỏ ốc, thậm chí là rác thả …. Khi cảm giác nặng tay, người ta phải gấp lưới, dùng chân dậm bên ngoài lưới để bùn đất theo nước tôi đi, để lại những con vẹm nằm lại trong cào. Thế nhưng, công việc nặng nhất hẳn chưa phải là cào hay dậm vẹm mà nặng nhất phải nói đến việc đưa vẹm lên sõng. Đây là công việc đòi hỏi cả sức lực lẫn sự cơ trí. Những con vẹm trong cào đưa từ dưới nước lên sõng cực nặng, phải chia làm nhiều lần để đổ. Đầu tiên, người cào vẹm phải biết cách úp cào, nếu úp ngược sẽ không đưa được vẹm lên sõng mà có lúc còn làm sõng bị lật. Nếu nực nước chỉ ở thắt lưng thì tương đối dễ dàng, nhưng mực nước lên đến ngực, đến cổ thì người đổ cào sẽ gặp khó khăn. Khi đó, công việc này đòi hỏi phải có người giúp sức. Lúc này mà chỉ có một người thì người đổ cào sẽ ngụp xuống nước, dùng lực đầu và hai cánh tay vùng mạnh lên, đẩy mẻ vẹm lọt vào bên trong sõng. Sau đó trèo cả thân mình lên sõng trút cào. Đây được xem là công đoạn tốn thời gian và công sức nhất của người cào vẹm. Vì không phải lúc nào mẻ vẹm cũng nhẹ nhàng mà phần lớn là những mẻ đầy ắp, nặng trĩu. Có khi, đổ xong cào vẹm, người đổ cũng mệt đến bủn rủn tay chân.

Mệt mỏi là vậy nhưng những người cào vẹm này vẫn cứ thực hiện đều đặn cả ngày không ngơi nghỉ. Công việc đòi hỏi sức mạnh của đấng mày râu nhưng ở nơi đây cũng không thiếu những thân cò. Khi được hỏi tại sao lại chọn công việc cực nhọc này, cô Trần Thị Thu (49 tuổi) cười sởi lởi “Nhà làm có vài sào ruộng, một năm làm hai vụ lúa sao đủ chi tiêu, đối nội, đối ngoại trong nhà. Công việc này thì nặng nhọc thật nhưng được cái thu nhập được cao, ngày nào cũng được gần hoặc hơn 300 ngàn nên cũng ham theo….” Bản thân những thôn dân này biết rõ những nhọc nhằn trong nghề cào vẹm, nhưng chạy không thoát những gánh nặng mưu sinh. Họ vẫn phải bám víu lấy nghề trong lúc nông nhàn, dù biết theo nghề mặt phải thì mặt trái cũng kèm không ít rủi ro.

Gian truân và ước vọng

Chúng tôi gặp anh Trần Quang Thuần, ở tuổi 38 hẳn không ai có thể nhìn ra số tuổi này nếu chỉ phỏng đoán qua vẻ bề ngoài. Khuôn mặt cháy nắng khiến cho những người dân hành nghề cào vẹm như già đi rất nhiều trước tuổi thật của mình. Anh Thuần tâm sự “Nghề này kiếm được đồng tiền nhưng đổi lại cũng lắm khổ nhọc. Cả ngày ngâm mình dưới nước, phơi mặt trên biển. Cái nắng nóng của mặt trời cộng thêm chất muối của biển mỗi lúc ngụp lặn dưới dòng da thịt nào không đen cho được. Có người không đội mũ mà lặn liên tục cộng thêm cái nắng nữa là cháy vàng hết tóc…”.

Đó là chưa kể những sóng gió biển khơi, làm nghề trên biển đâu phải lúc nào cũng dễ dàng. Nghề cào vẹm cũng thế, mực nước cạn ban ngày thì còn may, có thể đi làm trong ngày, 6 giờ sáng đi, chiều về có vẹm để cân. Ngày nào nước cạn sớm quá hay trễ quá thì khổ, có khi phải đi từ 7, 8 giờ tối làm đến sáng về. Có lúc lại đi từ 1, 2 giờ sáng, “gà chưa thức là mình đã phải đi, ngồi lên ghe mà vẫn còn ngái ngủ”. “Ngâm mình, ngụp lặn lênh đênh trên biển đâu phải chuyện dễ, cùng một mặt biển nhưng cũng không hiền. Có chỗ thì cạn bày cát, nước dưới đầu gối cũng có, vậy mà cào lui một đoạn là bị xẩy chân phải con lạch sâu là chới với, ngập đầu cũng nên, ai không biết bơi cứu không kịp thì chết. Cũng may mấy người làm cùng ở đây ai cũng biết bơi, biết lặn giỏi, chưa phải cứu ai bao giờ”, anh Thuần tâm sự.

Dậm vẹm.

Khi nghe chúng tôi hỏi thăm nghề cào vẹm này có làm quanh năm không thì cô Thu cười khì “Làm gì có quanh năm mà làm, nghề này làm theo mùa. Một năm làm được hai mùa xuân và thu. Mùa hè con vẹm ít lắm, còn mùa tháng 10 trở đi mưa gió ai dám xuống biển làm. Mà nói cũng kỳ, mùa hè ít vậy tưởng hết rồi nhưng qua tháng 7, tháng 8 là lại có nhiều không hiểu sao luôn.” Nói rồi cô lại cắm cúi giũ cào, vừa làm vừa nói “cào vẹm là khổ, là cực nhưng biết sao được, dựa vào mấy sào lúa sao lo đủ trong ngoài. Chưa kể nhà có người đau ốm, một mình chạy trong chạy ngoài, có mấy đồng tiền cào vẹm cũng đỡ đần được ít nhiều”. Làm nghề này, mỗi người một hoàn cảnh. Có người thì nhà con đông, không làm kiếm thêm thu nhập sao đủ lo lắng cho con cái học hành. Lại có người nhà có con vào đại học, dựa vào ruộng lúa sao lo được cho con. Mỗi khi con gọi điện về là lại đứt ruột, đức gan, lo con không bằng bạn, bằng bè. Cũng có người lo gần lo xa, giờ con cái còn nhỏ, còn sức khỏe thì tranh thủ làm sắm sửa được gì sắm sửa. Sau này con cái đi học lại không đủ lực để lo trong, lo ngoài…. Mỗi người, mỗi thân phận, mỗi lý do nhưng đều tựu trung ở hoàn cảnh đưa đẩy mưu sinh. Âu cũng là cái nghiệp cuộc đời.

Cuối ngày, nhìn những khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió nở nụ cười hạnh phúc lúc chia tay, tôi bỗng thấy niềm vui như len lỏi trong từng sợi tơ xúc cảm. Mong mỏi rằng những vất vả mà người cào vẹm đổ xuống sẽ gặt được những mầm vui trong cuộc sống.

Nụ cười của những khát vọng ngày mai như đang dệt nên tơ trời hạnh phúc, cuối chân mây…

Mộng Thường