Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP đạt hiệu quả bước đầu

Nguyễn Trinh - 15:30 29/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong chăn nuôi, nông dân xã An Mỹ - huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình đã được hưởng thụ dự án “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” của Trung tâm Khuyến nông Thái Bình.

Bảo tồn giống gà đặc sản của địa phương

Xã An Mỹ - huyện Quỳnh Phụ - tỉnh Thái Bình có giống gà Tò được đặt tên từ đời nhà Trần (từ năm 1225 đến năm 1400). Đây là giống gà thân chắc nịch, tướng cao to, thịt thơm ngon thường nuôi theo hình thức chăn thả nên hiệu quả kinh tế không cao. Theo lời kể của người dân địa phương gà Tò xưa kia được coi là sản vật quý báu của dân làng nơi đây dâng tiến Vua. Do đó, khi thấy Trung tâm khuyến nông tỉnh về xã gây dựng lại giống gà Tò và phát triển các mô hình chăn nuôi gà Tò nuôi thương phẩm theo hướng VietGAHP bà con nơi đây rất phấn khởi.

Trang trại nuôi giống gà Tò của gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên (An Mỹ, Quỳnh Phụ)

Ông Nguyễn Văn Tuyên (thôn Tô Hải, xã An Mỹ), là 1 trong 2 hộ dân được chọn làm địa điểm thực hiện đề tài chia sẻ: Gia đình nuôi giống gà Tò từ năm 2005 nhưng hiệu quả chưa cao, chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm từ đời ông cha để lại. Từ khi được tham gia dự án, gia đình đã được cán bộ của Trung tâm đến tận nhà hướng dẫn cách làm chuồng, làm thức ăn chăn nuôi, phương pháp chăm sóc để đàn gà khoẻ mạnh, tăng đàn và thường xuyên đến kiểm tra tiến độ. Nhờ nắm vững kiến thức khoa học nên đàn gà của gia đình nuôi rất mạnh khoẻ, tỷ lệ gà đẻ tăng so với phương pháp đẻ tự nhiên, tạo ra giống gà mang đặc điểm giống với giống gà Tò nguyên chủng 85 - 90%. Hiện gia đình có đàn gà 200 con trong đó có 80 con gà sinh sản.

Ông Nguyễn Văn Đình, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, cho biết: Theo khảo sát của Trung tâm khuyến nông tỉnh Thái Bình, năm 2019 toàn tỉnh chỉ còn 487 con gà Tò với khoảng hơn 400 hộ nuôi. Địa bàn chủ yếu ở huyện Quỳnh Phụ, nhưng phân bố nhỏ lẻ, phân tán tại 10 xã. Ngoài ra, còn có một số ít hộ dân ở xã Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) và xã Vũ Tiến (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) có duy trì chăn thả với số lượng chỉ vài chục con.

Trăn trở với việc khôi phục giống gà quý, Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đã xây dựng đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”, trước đó trong năm 2019 Trung tâm đã bỏ kinh phí hỗ trợ các hộ dân ở An Mỹ (Quỳnh Phụ) duy trì nuôi gà Tò. Chỉ đến khi Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Trung tâm Khuyến nông cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình hỗ trợ kinh phí 1 tỷ đồng dự án chính thức được triển khai và hoàn thành vào năm 2022. Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá thực trạng chăn nuôi giống gà Tò tại tỉnh Thái Bình; chọn lọc, nuôi giữ đàn gà Tò giống hạt nhân; xây dựng quy trình sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò phù hợp với điều kiện địa phương; xây dựng mô hình chăn nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP cho gà Tò, xã An Mỹ (Quỳnh Phụ). Do đó, Trung tâm Khuyến nông đã chọn lọc 50 con gà, trong đó có 43 gà mái, 7 gà trống mang đặc trưng của giống gà Tò nguyên chủng, có khả năng sinh sản tốt, tạo ra đàn gà hạt nhân thế hệ 1. Qua quá trình gà sinh sản, chọn 47 con gà Tò hạt nhân thế hệ 1, trong đó 40 gà mái, 7 gà trống, nuôi tại gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên.

Tại nhà ông Trần Văn Hoàn (thôn Tô Hải, xã An Mỹ), Trung tâm Khuyến nông đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, ấp nở nhân tạo, tạo ra đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 với 82 con, trong đó 70 gà mái, 12 gà trống. Từ đó, Trung tâm tiếp tục áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 2 để chọn lọc ra đàn gà Tò hạt nhân thế hệ 3 và đàn gà Tò thương phẩm để bàn giao cho các hộ khác tiếp tục nhân nuôi. Chúng tôi khuyến khích nông dân phát triển giống gà này để tạo ra đặc sản của xã An Mỹ, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Gà Tò trở thành sản phẩm OCOP sẽ giúp người dân xã An Mỹ thoát nghèo

Thực hiện kế hoạch đề tài, Trung tâm đã triển khai xây dựng 3 mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP tại 3 hộ gia trại thuộc xã An Mỹ - huyện Quỳnh Phụ với quy mô 900 con (300 con/mô hình). Các hộ tham gia mô hình được Trung tâm lựa chọn yêu cầu phải có điều kiện chuồng trại và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu của đề tài. Đàn gà mô hình được nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật theo hướng VietGAHP. Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chủ hộ thực hiện việc quản lý chặt chẽ nguồn cung cấp đầu vào từ con giống, thuốc thú y, thức ăn… đúng tiêu chuẩn định lượng (không sử dụng thức ăn bị mốc hỏng, vón cục, lẫn tạp chất, chất cấm, kháng sinh, chứa các độc tố và các vi sinh vật có hại đến sức khỏe đàn gà). Đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau 6 tháng nuôi/lứa, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 95,33%, trọng lượng xuất bán trung bình 2,7 – 2,8kg/con, tiêu tốn thức ăn/kg tăng trọng là 3,19kg.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hộ nuôi gà Tò cách phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Để bảo tồn giống gà quý này, Trung tâm Khuyến nông đã áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo, ấp nở nhân tạo, tạo ra đàn gà Tò hạt nhân các thế hệ. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các quy trình tiếp theo của đề tài nhằm chọn tạo ra giống gà Tò đạt gần với mức gà Tò nguyên chủng.

Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ hướng dẫn bà con nông dân áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, ấp trứng bằng máy cho tỷ lệ trứng nở nhiều hơn, gà con khỏe hơn và quan trọng rút ngắn được thời gian nghỉ đẻ của gà mái rất nhiều. Trước đây, mỗi con gà mái chỉ đẻ được 3-4 lứa trứng/năm thì đến nay nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào các khâu từ chăm sóc đến nhân giống nên mỗi năm 1 con gà Tò có thể đẻ được từ 7-8 lứa trứng.

“Mô hình gà Tò thương phẩm nuôi theo hướng VietGAHP đã giúp các hộ chăn nuôi rút ngắn thời gian nuôi so với cách nuôi truyền thống từ 1 – 2 tháng, cho ra đàn gà thịt có chất lượng thịt an toàn, thơm ngon, với giá bán trung bình 110.000 đồng/kg, mô hình cho thu lãi gần 60 triệu đồng, hiệu quả tăng so với gà Đông Tảo nuôi cùng thời điểm tham chiếu là 22,49%”, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình thông tin.

Từ hiệu quả của mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai tiếp tổ chức 3 lớp tập huấn cho 225 hộ chăn nuôi quan tâm và muốn phát triển mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP.

Sau 2 năm (2021-2022) triển khai dự án, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đánh giá cao Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP” bước đầu mang lại hiệu quả cho các hộ chăn nuôi. Sở Khoa học và Công nghệ đã đề xuất với UBND tỉnh đưa giống gà Tò xã An Mỹ lên sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đưa sản phẩm này lên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh Thái Bình.